Kinh tế

Nơm nớp nỗi lo thực phẩm bẩn, ngộ độc thực phẩm dịp Tết

Càng về cuối năm, nỗi lo về thực phẩm bẩn và tình trạng ngộ độc thực phẩm lại dấy lên, đặc biệt trong những ngày Tết, khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao đột biến.

Diễn biến phức tạp

Những ngày cuối năm giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tăng mạnh, khiến vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trở thành mối lo của nhiều gia đình. Đây cũng là thời điểm vô cùng nhạy cảm để các gian thương lợi dụng, tung ra thị trường thực phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc.

Dù mới qua Rằm tháng Chạp, bà Nguyễn Thanh Bình (làng Cốm Vòng, Cầu Giấy, Hà Nội) đã tất bật chuẩn bị các mặt hàng thực phẩm thiết yếu cho dịp Tết. Bà Bình cho hay, tránh những ngày giáp Tết khi người dân ồ ạt sắm Tết, bà đã tranh thủ mua trước các mặt hàng khô tại siêu thị gần nhà.

Bà Bình đã tất bật chuẩn bị các loại thực phẩm cho dịp Tết.

“Tôi chọn siêu thị thay vì chợ truyền thống vì e ngại những mặt hàng kém chất lượng dễ dàng trà trộn thời điểm cận Tết. Năm ngoái trong nhà cũng đã có trường hợp ngộ độc khi ăn Tết vì mua phải thực phẩm bẩn ngoài chợ. Nên các loại thịt, rau củ tươi tôi cũng sẽ ưu tiên mua hàng trong siêu thị”, bà Bình lo ngại.

Cũng trong thời điểm này, các lực lượng chức năng liên tục phát hiện và xử lí nhiều vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn trên thị trường. Mới đây, trong đợt cao điểm ra quân đảm bảo vệ sinh ATTP dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, chỉ trong ngày 12/12/2022, 4 vụ vi phạm vệ sinh ATTP được Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường phối hợp lực lượng QLTT Hà Nội và Công an địa bàn kiểm tra, xử lý. Trong đó, đã phát hiện 2 cơ sở sản xuất thực phẩm giả gồm bánh kẹo giả thương hiệu nước ngoài và một số mặt hàng tiêu dùng phục vụ Tết ở quận Hà Đông.

Bên cạnh đó, cũng theo đánh giá của lực lượng chức năng, vi phạm trong kinh doanh thực phẩm là sản phẩm động vật đông lạnh đặc biệt có chiều hướng diễn biến phức tạp, chủ yếu là kinh doanh sản phẩm động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhiều vụ vi phạm được phát hiện với số lượng tang vật lớn.

Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết Online, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết nối đánh giá, tình trạng thực phẩm bẩn được gian thương tìm mọi thủ đoạn “tuồn” ra thị trường dịp cuối năm gây tác động rất lớn đến xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán. Vì vậy, việc tập trung kiểm tra, giám sát để ngăn chặn thực phẩm “bẩn” dịp cuối năm và Tết Nguyên đán cần được các lực lượng chức năng tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa trong thời điểm này.

Có thể xử lí hình sự

Luật sư cho biết thêm, hiện nay, theo quy định tại Điều 6 Luật an toàn thực phẩm 2010 thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định pháp luật.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng.

Trong đó về xử phạt hành chính cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm theo quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP).

Theo đó, mức phạt tiền tối đa về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức (trừ một số trường hợp xác định mức tiền phạt tương ứng với giá trị thực phẩm vi phạm thì mức tiền phạt tối đa được áp dụng bằng 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm nhưng đảm bảo không vượt quá mức phạt tiền tối đa theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012).

Cùng với hình phạt chính là phạt tiền thì cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung theo quy định như: Đình chỉ có thời hạn một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm; Tước quyền sử dụng Giấy phép. Đồng thời bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy thực phẩm vi phạm; Buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm vi phạm;...

Ngoài ra, nếu vi phạm nghiêm trọng, đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người có hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm quy định tại Điều 317 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Theo đó, khung hình phạt nhẹ nhất đối với hành vi vi phạm thuộc quy định tại khoản 1 Điều này thì người phạm tội bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Khung hình phạt cao nhất đối với tội phạm này đó là khi người phạm tội thực hiện tội phạm thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 317 với mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Trường hợp người sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định pháp luật. Trường hợp có hợp đồng sẽ thực hiện nghĩa vụ bồi thường theo hợp đồng, trường hợp không có hợp đồng thì việc bồi thường thực hiện theo quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015.

Tác giả: HOÀNG CHIẾN

Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP