Giáo dục

Nỗi niềm giáo viên dạy khi học sinh ngủ gật, lấy kéo cắt tóc bạn

Dù không nói ra, nhưng dường như giáo viên hệ giáo dục thường xuyên đang bị đánh đồng với trình độ học sinh và nhận thức của phụ huynh.

Học sinh cá biệt, phụ huynh chẳng khá hơn

Đối tượng vào học ở các Trung tâm Giáo dục Thường xuyên (viết tắt là GDTX, và nay là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên) đa dạng. Họ khác nhau về hoàn cảnh, độ tuổi… nhưng có một điểm chung: sức học yếu.

20161026164010 gdtx
Một lớp học tại trung tâm giáo dục thường xuyên (Ảnh từ Internet, chỉ mang tính minh họa)

Khác với trước đây, độ tuổi học sinh vào học bổ túc hiện giờ còn rất trẻ, vì thế nguyên nhân được chú ý nhiều nhất vẫn là: lười học. “Rớt sàng thì xuống nia”, GDTX là cánh cửa gần cuối đón các em được đi học như bạn bè cùng trang lứa.

Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng ý thức được điều đó. Khi mà mục tiêu học tập của các em mập mờ thì việc tới các Trung tâm thường xuyên chưa hẳn đã là sự tự nguyện.

Nhiều em vì gia đình “ép” quá, mới phải nộp hồ sơ. Do vậy, ngay từ bước đầu đã thiếu đi tính tự giác trong học tập. Việc chốt danh sách đầu năm của giáo viên chủ nhiệm và nhà trường bao giờ cũng vì thế mà khó khăn. Sự vô tư, vô tâm của các em học sinh nhiều khi còn được thể hiện qua những câu hỏi ngô nghê: “Trung tâm GDTX có phải giống trung tâm cai nghiện không cô, vì em thấy đều có chữ trung tâm”!

Sự hồn nhiên, cười ra nước mắt ấy đã phản ảnh một điều: các em chưa hiểu gì, biết gì vì môi trường giáo dục mới cũng như nhận thức của các em về xung quanh còn rất nhiều hạn chế.

Việc giáo viên soạn giáo án một đường, dạy một nẻo không phải là chuyện hiếm gặp. Bởi sức học các em yếu, việc tiếp thu không phải vì thế mà đạt được mục tiêu của giáo viên đề ra, chưa kể vừa dạy vừa la, rồi lại phải dỗ (đúng nghĩa của từ dạy – dỗ).

Phương pháp đặc thù này xuất phát từ học lực yếu kéo theo hạnh kiểm, đạo đức không bằng mặt bằng chung. Không ít chuyện bi hài trong giờ học mà học sinh ngủ gật, làm việc riêng, thậm chí lấy kéo cắt tóc bạn… Đó là chưa kể những chuyện học sinh dọa đánh thầy cô… Việc giáo viên chủ nhiệm đi mấy quán interne, quán cafe, tìm học sinh là chuyện “thường ngày ở huyện”.

Khổ nhất cho những giáo viên mới ra trường, nếu không “cứng” ngay từ đầu thì khó lòng dạy yên ở những tiết sau, và biện pháp là phải luôn cầu cứu giáo viên chủ nhiệm, ban giám thị…

Học sinh đã cá biệt, tiếp cận với một số phụ huynh cũng chẳng khả quan hơn. Việc giáo viên chủ nhiệm liên lạc và liên lạc được với phụ huynh cũng khá gian nan. Họ coi chuyện thông báo con em mình không đi học, hay bỏ tiết, gây gổ đánh nhau là chuyện “con nhà hàng xóm”.

Họ ậm ừ cho qua, phó thác cho các thầy cô uốn nắn, chỉ đến lúc cuối năm khi hay tin con mình bị thi lại, rèn luyện hè, hay đuổi học, lúc đó mới biết giáo viên chủ nhiệm tên gì.

Lần một, lần hai, thầy cô điện thoại được. Lần ba, lần bốn - chuông reo rồi tắt máy. Thì ra, biết số quen, nên tắt, thậm chí còn chặn số để khỏi bị “làm phiền”!

Chính vì đối tượng học sinh có tính chất đặc thù mà giáo viên dạy thường xuyên vẫn đùa vui với nhau “Có lẽ mình cũng đã, đang trở nên cá biệt!”.

Chưa kịp khai sinh đã khai tử

Trong những năm gần đây, việc tuyển sinh vào lớp mười ở các trường trung học phổ thông nói chung, vào các trung tâm GDTX nói riêng khá khó khăn.

Trừ những trường chuyên và những trường thuộc “top”, phần đông các trường vùng ven lớp học chỗ ngồi khá thừa thãi, nếu như không nói là chưa đủ. Phổ thông như vậy, nên mảng trung học thường xuyên càng lay lắt, hiếm hoi.

2 xoa mu chu
Một lớp xóa mù chữ (Ảnh minh họa từ Internet)

Nhiều trung tâm tuyển sinh suốt cả mùa hè đến giữa tháng mười vẫn không quá mười hồ sơ. Và rồi, một cô, hai, ba trò cầm cự một vài tuần vẫn không khả thi hơn. Thế là khối, lớp chưa kịp “khai sinh” đã “khai tử”. Giáo viên thì hụt hẫng, mà học sinh thì lủi thủi đi về.

Tội nhất là những ngày lễ lớn như 20/10, 20/11, 26/3…, khi các hoạt động thao giảng được triển khai. Thế là lui tới cũng chừng ấy lớp, giáo viên thì đông, nhìn xuống dãy bàn học sinh trống hơ trống hoác, chưa kể các em còn đi chậm, hay chạy một mạch vào lớp trong sự ngơ ngác của người tham dự.

Phải vững vàng tâm lý lắm, người dạy mới lấy được sự hứng thú cho bản thân và cả lớp học.

Vì số lượng học sinh thiếu, nên dù các em có yếu thầy cô vẫn cố gắng dìu dắt suốt ba năm học, trong khi chỉ tiêu ở trên giao vẫn là…. thế này, thế kia! Nỗi niềm này nhiều người, nhiều đồng nghiệp phổ thông khó mà hiểu được!

Những định kiến

Hàng năm, cứ mỗi dịp thi, chấm thi tốt nghiệp, sở giáo dục vẫn điều động giáo viên từ các trung tâm GDTX. Vui đâu, “oai” đâu ít thấy, mà lại thấy tủi, thấy buồn.

Đành rằng được phân công ở bộ phận nào cũng được, nhưng hiếm khi giáo viên trung tâm được phân làm giám thị 1, mà loay hoay với giám thị 2 hay giám thị hành lang. Kể cả ban giám đốc cũng thường được giao làm phó ban hay thư kí hội đồng.

Nói như vậy có thể sẽ bị cho là tự suy diễn, thiển cận nhưng có lẽ cũng như con nhà nghèo, hay có tâm lý mặc cảm tự ti. Cùng một hội đồng chấm thi, lúc đầu cũng chuyện trò rôm rả, sau hỏi “Em dạy trường nào”, trả lời “Em dạy thường xuyên”, thế là câu chuyện bị đứt quãng mà thậm chí không có cả câu nói đuôi, như kiểu “Thế à”.

Lại có chuyện, hiệu trưởng của một trường phổ thông từng nói “Nhất quyết không tuyển giáo viên từ giáo dục thường xuyên”.

Dù không nói ra, nhưng dường như giáo viên thường xuyên đang bị đánh đồng với trình độ học sinh và nhận thức của phụ huynh. Hẳn không cường điệu khi không ít ý kiến cho rằng: Giáo viên thường xuyên chơi nhiều hơn dạy, có dạy thì cũng “khươi khươi”, dạy nhàn không, không có việc gì làm, con cháu đại gia mới vô mấy trường chơi nhiều hơn học thế…

Không biết con tiểu gia hay đại gia, chỉ biết rằng 100% giáo viên đều tốt nghiệp đại học chính quy, bằng giỏi, khá chiếm phần lớn. Chơi đâu không thấy, chỉ thấy suốt ngày trên đường: Sáng đi dạy ở trường, chiều đi vận động, tối đi xóa mù.

Dạy học sinh, ngoan, giỏi là mơ ước của biết bao người, nhưng không phải ai cũng may mắn đạt được điều đó. Chia sẻ buồn vui từ dạy bổ túc không nhằm mục đích kêu nghèo kể khổ, không để đòi quyền lợi hơn thua, vì dù gì chúng tôi cũng là người giáo.

Chúng tôi không sợ khó, không ngại khổ cũng như không dao động khi có ai đó nói rằng “Thật lãng phí khi đại học, thạc sĩ lại đi dạy xóa mù”. Vì đơn giản chúng tôi biết mình đang làm việc có ích cho xã hội. Nhưng từ sâu thẳm trái tim mình, chúng tôi cần sự đồng cảm trân trọng từ xã hội, trong đó có những đồng nghiệp đang ở một môi trường tốt hơn.

Bởi lẽ, khi nhắc đên công lao của những người “trồng cây”, người ta hay nghĩ tới người trồng cây to, mà không nhớ đến người trồng cỏ. Bởi vì, cây to hay nhỏ thì đều tạo nên Rừng kia mà!

Hồ Thị Quỳnh Lâm(Giáo viên Trung tâm giáo duc nghề nghiệp – GDTX Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế)

Tác giả bài viết: Hồ Thị Quỳnh Lâm

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP