Di tích lịch sử quốc gia đền Diên Cờ (Nghi Lộc, Nghệ An).
Đây cũng là dịp diễn ra lễ hội đền thu hút đông nhân dân trong vùng, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng và khơi dậy niềm tự hào về quê hương, đất nước.
Vào đúng ngày hội, từ sáng sớm, nhân dân xã Nghi Trường và nhiều xã trong huyện Nghi Lộc đã có mặt nơi ngôi đền uy nghiêm mà tráng lệ. Các thế hệ con cháu khắp mọi miền đất nước về với quê hương trong dịp Tết đến, Xuân về cũng nô nức tụ hội, đón chờ đến ngày hội đền Diên Cờ. Bên cạnh những người nông dân chân chất của miền quê, thanh niên, học sinh, sinh viên, là không ít các doanh nhân, nhân sĩ, trí thức, các tướng lĩnh quân đội trở về với quê hương, gặp gỡ nhau, mừng vui trong ngày hội. Ai cũng vậy, đến với đền Diên Cờ với tấm lòng thành kính, tri ân các bậc tiền bối thiêng liêng để thắp sáng niềm tin, nuôi dưỡng tình yêu quê hương, khí phách làm người từ trong tâm thức. Vui trong câu chuyện gặp gỡ nhiều người nhắc đến công lao cụ Nguyễn Đăng Cẩn và Anh hùng Lao động Nguyễn Đăng Giáp, những người có tâm và tầm nhìn sâu xa, đã dày công phục dựng, nâng tầm ngôi đền làng, trở thành điểm đến văn hóa tâm linh, giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng của cả vùng. Vào dịp Tết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng), khi hội đền Diên Cờ khai cuộc, năm nào cũng vậy, đều có mặt các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An và huyện Nghi Lộc cùng nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử ở trung ương và địa phương.
Trong man mác hương xuân, khách trảy hội hòa mình vào dòng người thành kính thắp nén hương tưởng nhớ các bậc thần linh, tiên hiền tài năng và đầy nhân đức, đã có công lao giúp dân dựng xây, bảo vệ vùng đất này được nhân dân suy tôn và thờ trong đền Diên Cờ. Bên cạnh các vị thần Cao Sơn, Cao Các từng được nhận nhiều sắc phong của các triều đình có tài cao trị bệnh, giúp người, là vị thần hộ quốc, an dân Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí với bao chiến công oanh liệt một thời trong lịch sử, đã được sắc phong đến Đại Vương thượng đẳng linh thần có tới 30 miếu thờ ở Nghệ Tĩnh. Đó là đại công thần triều Hậu Lê giúp Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh, lập nên triều Lê và diệt bọn quan tham, âm mưu tạo phản đưa Lê Tư Thành lên ngôi vua hiệu là Lê Thánh Tông, mở ra trang mới thời kỳ hưng thịnh của triều đại nhà nước phong kiến Việt Nam. Trong sắc phong về Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí, vua Lê Thánh Tông đã ghi: "Bình Ngô Khai quốc/ Tịnh nạn trung hưng". Quê hương của Tướng công Nguyễn Xí là ở Nghi Hợp, cách đền Diên Cờ không xa, nhưng từ xa xưa, ông đã có điện thờ tại làng Đông Chứ của xã Nghi Trường. Hiện tại, với sự đóng góp của nhân dân trong vùng và đặc biệt là của Anh hùng Lao động Nguyễn Đăng Giáp, tượng Nguyễn Xí đã được hoàn thành, đặt trong đền Diên Cờ và hợp tế tại đây.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đền Diên Cờ cũng là nơi đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng. Những năm 1930-1940, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, đền Diên Cờ từng là nơi hội họp của những người cộng sản để xây dựng phong trào cách mạng. Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Ủy ban hành chính kháng chiến huyện Nghi Lộc đã chọn đền Diên Cờ làm trụ sở hoạt động, chỉ đạo cách mạng của toàn huyện.
Dự lễ hội Đền Diên Cờ năm nay, ngắm nhìn khách trảy hội với các cử chỉ, lời nói, ăn mặc, đi đứng và mọi ứng xử tại chỗ đã thấy sự thành tâm xen lẫn niềm vui của họ. Ngôi đền, một chứng tích lịch sử về truyền thống và lịch sử một thời các vùng đất, từng một thời gần như trở thành phế tích do chiến tranh và những biến thiên theo thời gian nay đã được khôi phục, minh chứng cho sự quật khởi và văn hiến của vùng đất Nghệ An, Nghi Lộc nói chung và Nghi Trường nói riêng. Mảnh đất nghèo nhưng đã sinh ra nhiều anh hùng, hào kiệt của dân tộc, làm rạng danh quê hương, đất nước. Lắng nghe và chiêm nghiệm, có thể nhận ra lòng thành kính của người dân đối với ngôi đền còn ở chỗ người bỏ công của để khôi phục, tu tạo có sức thuyết phục nhân tâm con người. Cái tâm con người gieo hạt trong sáng thì thành quả gặt hái được cũng tốt đẹp hơn như lời phát biểu của giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu: "Địa linh sinh nhân kiệt, nhưng nhân kiệt cũng làm nên địa linh".
Với nhân dân địa phương và không ít du khách trảy hội, đến với Đền Diên Cờ trong dịp đầu Xuân, chính là dịp để bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, tri ân tổ tiên và các bậc thần linh, tiền hiền đã có nhiều công lao dựng nước, giữ nước và cũng là lời nhắc nhở mỗi người phải biết sống tốt hơn với cái tâm trong sáng. Lễ hội ở đây không có chỗ cho những trò mê tín dị đoan và chỉ hiển hiện những điều nhắc nhở mỗi người mà phải sống, làm việc ngay thẳng, giữ gìn khí chất cương trực, kiên cường của quê hương.
Có thể nói, đền Diên Cờ là một trong những điểm đến tiêu biểu, làm phong phú và tôn vinh truyền thống lịch sử, văn hóa của vùng đất Nghi Trường nói riêng và Nghi Lộc, Nghệ An nói chung.
Tác giả: Ngọc Đản
Nguồn tin: Báo Nhân Dân
Nguồn tin: Báo Nhân Dân