Kinh tế

Nỗi lo hàng Trung Quốc và ASEAN "tấn công" chợ Việt

Chính phủ vừa ban hành Nghị định về biểu thuế xuât nhập khẩu hàng hóa thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – Trung Quốc giai đoạn 2016 - 2018. Theo đó, sẽ có hàng trăm mặt hàng từ Trung Quốc và các nước ASEAN vào Việt Nam được hưởng thuế suất nhập khẩu 0% từ năm 2018, trong đó, sản phẩm nông nghiệp chiếm phần lớn. Thông tin trên đang dấy lên mối lo nông sản Trung Quốc sẽ chiếm lĩnh thị trường Việt và gây khó cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm đảm bảo chất lượng.

Là chợ đầu mối lớn nhất của Nghệ An, mỗi ngày, chợ Vinh cung ứng hàng chục tấn rau củ quả cho thị trường trong và ngoài tỉnh… Không khó để người tiêu dùng tìm kiếm, lựa chọn mọi mặt hàng tại đây, đặc biệt là các loại nông sản. Tuy nhiên, rất khó để người tiêu dùng phân biệt được đâu là hàng Việt Nam, đâu là rau củ quả Trung Quốc… Và giá cả của các mặt hàng này cũng chênh lệch khá lớn, như hành Inddonexia thì 20, hành ta thì chỉ có 10...

Chợ đầu mối luôn nhộn nhịp vào sáng sớm

“Rau Đà Lạt” hoặc “Hàng từ ngoài Bắc về” là câu mà người bán hàng thường dùng để trấn an người tiêu dùng. Nhưng sự thật, đó chủ yếu là hàng Trung Quốc. Như vậy, không cần phải chờ đến khi thuế suất về 0% thì hàng nông sản Trung Quốc cũng đã tràn ngập thị trường Việt với giá cả rất cạnh tranh. Vậy khi được miễn thuế, chắc chắn đây sẽ là một áp lực lớn cho thị trường nông sản Việt.

Một người dân TP Vinh lo lắng: Người bán hàng sẽ không bao giờ nói rằng đó là hàng Trung Quốc, bởi người kinh doanh khi nào cũng muốn có lợi nhuận cao nhất, nên họ đều giới thiệu đó là hàng Đà Lạt, hàng hạ giá, hàng trợ giá... phù hợp với thị hiếu của mình nhất để mình mua.

Mặc dù có giá cả chênh lệch khá lớn nhưng người tiêu dùng khó phân biệt được thật - giả các loại nông sản

Nỗi lo của người dân là có cơ sở bởi Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất vào Việt Nam với kim ngạch 40,3 tỷ USD. Trong đó hàng thuỷ sản và rau quả chiếm một con số không nhỏ. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong tương lai gần, với việc áp thuế 0% đối với hàng nghìn mặt hàng từ Trung Quốc, con số nhập siêu từ nước này sẽ tiếp tục tăng cao. Đặc biệt là các mặt hàng được miễn thuế như: hoa quả, thịt các loại, thủy sản, cà phê, ngũ cốc…

Tiến sỹ Dương Xuân Thao - Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Nghệ An cho rằng: Hội nhập đưa cơ hội cho Việt Nam nhưng cũng đưa những thách thức không nhỏ. Chúng ta phải chấp nhận điều đó. Riêng với hội nhập ngành nông sản lại càng khó khăn hơn bởi hiện nay, ở Việt Nam, sản xuất nông nghiệp đang còn nhỏ lẻ và chưa có liên kết tốt. Vì vậy, trong thời gian tới, hàng Trung Quốc và các nước trong khối tràn sang chắc chắn chúng ta sẽ phải đối mặt với giá cả và quan trọng nhất, chất lượng của các loại hàng hóa.

Trông thì tươi ngon, nhưng mỗi người nội trợ luôn ám ảnh về những độc tố từ các loại rau, củ, quả - một thực phẩm thiết trên mâm cơm gia đình mỗi ngày


Theo cam kết trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – Trung Quốc, Việt Nam sẽ xóa bỏ, đưa về 0% khoảng 90% dòng thuế vào năm 2018. Các dòng thuế còn lại sẽ được cam kết cắt giảm theo lộ trình đến năm 2020. Như vậy, nhiều nhóm hàng nhập khẩu mới từ Trung Quốc và ASEAN được giảm thuế suất sẽ cạnh tranh gay gắt với hàng Việt trên chính sân nhà.

Có thể nói, việc miễn thuế cho hàng hóa Trung Quốc cũng như một số nước trong khối ASEAN thì người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn sản phẩm nhưng vấn đề làm sao để kiểm soát được chất lượng hàng nhập khẩu vào nước ta. Bởi thực tế cho thấy, nhiều mặt hàng của Trung Quốc giá rẻ nhưng không đi kèm với công cụ về hàng rào kỹ thuật cần thiết chứng minh được chất lượng an toàn. Và lúc này, không ai khác, chính người dân là đối tượng chính phải chịu thiệt thòi. Thời gian áp dụng thuế ưu đãi đặc biệt không còn bao lâu nữa, và nếu chúng ta không có những biện pháp chắc chắn hơn trong kiểm soát chất lượng đầu vào thì nỗi lo về thực phẩm bẩn sẽ là nỗi ám ảnh của thường trực bên mâm cơm của nhiều gia đình Việt.

Tác giả bài viết: Cẩm Thuỳ - Cảnh Hồng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP