Tin địa phương

Nơi khởi nguồn của con đường huyền thoại

Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, khu bến phà Xuân Sơn chính là nút giao thông quan trọng của toàn bộ tuyến đường Trường Sơn...

Trải qua 20 năm xây dựng, đường Hồ Chí Minh trở thành một trong những tuyến đường huyết mạch thông thương hàng hóa hai miền Nam - Bắc, phát triển kinh tế đất nước. Song, ít ai biết, đằng sau công trình kỳ vĩ còn là những chọn lựa Km0 vô cùng ý nghĩa, thiêng liêng…

Bến phà Xuân Sơn, nay là bến thuyền du lịch tham quan động Phong Nha - Tiên Sơn

Kỳ I: Từ bến phà Xuân Sơn anh hùng

Đường Hồ Chí Minh thời kỳ đổi mới không chỉ vinh dự được mang tên lãnh tụ của dân tộc mà còn đặc biệt ở cả điểm bắt đầu - nơi vốn là Km0 của những đường huyền thoại trước đó.

Nơi gánh chịu những tàn khốc của chiến tranh

Ngày 5/4/2000, công trình cầu Xuân Sơn trên địa bàn huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình được khởi công, mở đầu cho dự án đường Hồ Chí Minh - một trong những công trình giao thông lớn nhất thời điểm đó, còn được gọi là đường Trường Sơn công nghiệp hóa.

Lững thững đi đến bến phà Xuân Sơn (nơi khởi công dự án), hiện ra trước mắt tôi và các đồng nghiệp là một tấm bia đã bạc màu thời gian, có hình tượng hai bàn tay vạm vỡ đỡ lấy tấm bia ghi hàng chữ: “Di tích lịch sử bến phà bị đánh phá ác liệt nhất từ năm 1965 - 1975. Xã Sơn Trạch”.

Tá túc bên đường nhâm nhi cốc trà nóng, nghe cụ bà chủ quán kể: “Nơi đây vốn là một bến đò ngang qua sông Son của nhân dân trong vùng, khi làm đường chiến lược Đông Trường Sơn, bến đò trở thành một bến phà để “cõng” những chiếc ô tô vận tải chở quân trang, quân dụng từ ngoài Bắc qua sông đi tiếp vào Nam trên đường Trường Sơn Đông hoặc rẽ vào đường 20 nối vào đường Trường Sơn Tây đi vào Nam”.

Từ đầu bến phà có một con đường dẫn đến thị trấn Phong Nha và từ đó nối với tuyến đường 20 Quyết Thắng. Vì thế, bến phà Xuân Sơn phải gánh chịu tất cả những gì tàn khốc nhất mà không lực Mỹ áp dụng tại miền Bắc thời kỳ đó.

Nghe qua câu chuyện, chúng tôi mới hiểu rằng, không phải ngẫu nhiên mà Bộ GTVT tổ chức lễ khởi công dự án ở nơi đây.

Có lẽ, trong những năm chiến tranh chống Mỹ, khu bến phà Xuân Sơn chính là nút giao thông quan trọng của toàn bộ tuyến đường Trường Sơn, nơi được coi là điểm đầu, hay còn gọi là Km 0 của hai tuyến đường vận tải quan trọng vào Nam góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Đó là đường Tây Trường Sơn và đường 20 Quyết Thắng, nối Trường Sơn Đông với Trường Sơn Tây.

Mốc bia tưởng niệm Bến phà Xuân Sơn bên ngoài đường Hồ Chí Minh

Nhiều năm theo nghiệp báo, tôi từng được nghe Tổng chỉ huy đoàn vận tải 559 - tướng Đồng Sỹ Nguyên tâm sự, ý tưởng làm đường Hồ Chí Minh sau chiến tranh từng được các đồng chí Bí thư thứ nhất Đảng Lê Duẩn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề cập đến từ năm 1973.

Vì thế, sau khi thống nhất đất nước, tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn canh cánh, bằng cách nào phải mở cho được một con đường Trường Sơn rộng hơn, đẹp hơn và con đường Trường Sơn công nghiệp hóa đã thành hiện thực.

Người thứ hai dành trọn tâm huyết với con đường huyền thoại Hồ Chí Minh chính là Bộ trưởng Bộ GTVT Lê Ngọc Hoàn.

Ông vốn trưởng thành trong lớp thanh niên xung phong, từng tham gia mở đường Trường Sơn và mở đường chiến lược trên dọc biên giới Việt Lào. Ông cũng từng nếm trải những năm tháng: “Đi trước mở đường, kiên cường dũng cảm’’ của người thợ cầu đường trên mặt trận đảm bảo giao thông.

Trong những năm đổi mới, Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn cũng dành nhiều trí lực chỉ đạo nhiều dự án xây dựng giao thông đến đích thành công như: Cải tạo và nâng cấp toàn bộ hệ thống cầu và đường bộ trên các tuyến QL5, QL1A, đường 10, đường 18…

Đối với ông, việc khởi công và xây dựng đường Trường Sơn công nghiệp hóa - đường Hồ Chí Minh, là sự tri ân, sự trả ơn xứng đáng nhất của dân tộc đối với những hy sinh to lớn của biết bao lớp trẻ là bộ đội, là thanh niên xung phong trên con đường này.

Mở ra đại công trường hai thập kỷ

Đường Hồ Chí Minh hôm nay

Cầu Xuân Sơn là cây cầu đầu tiên, cũng là cây cầu lớn nhất trên đại công trường đường Hồ Chí Minh được bàn tay của những thợ cầu đường Công ty Công trình giao thông 510, Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco5).

Cầu được thi công với công nghệ tiên tiến nhất tại Việt Nam, móng cọc khoan nhồi đường kính 1,2m, đúc hẫng liên tục 42m và 63m, dầm hộp 30m. Sau khi hoàn thành vào năm 2002, công trình được chứng nhận công trình chất lượng tiêu biểu.

Còn nhớ khi đó, Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh là ông Hà Đình Cẩn dù rất bận rộn cho công việc khởi công nhưng vẫn tranh thủ thông báo với các phóng viên, nhà báo: Tham gia thi công dự án không chỉ có lực lượng công nhân của các địa phương tuyến đường đi qua mà còn là sự tham gia của tất cả các Tổng công ty xây dựng công trình giao thông nổi tiếng của Bộ GTVT như: Tổng công ty Xây dựng giao thông: 1, 4, 5, 6, 8, Tổng công ty Thăng Long, Tổng công ty Đường sắt, Xây dựng đường thủy, Tư vấn thiết kế và các khu quản lý đường bộ.

Chung tay tại dự án còn có sự góp mặt của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Bộ Quốc phòng mà tiền thân chính là Binh đoàn 559, một binh đoàn đã làm làm nên một con đường vận tải chiến lược - đường Trường Sơn huyền thoại.

Nhẩm tính khi ấy, hiển hiện trên đại công trường đường Hồ Chí Minh có tới 37 đơn vị xây dựng chuyên nghiệp. Bằng niềm vinh dự được góp sức thi công một dự án giao thông trọng điểm mang tên Bác, cả công trường lúc nào cũng rộn rã tiếng máy móc, tinh thần lao động hăng say để rồi sau 11 năm xây dựng, tuyến đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 từ Xuân Mai (Hà Nội) đến Buôn Ma Thuột đã thành hình, trở thành con đường huyết mạch của đất nước.

Bắt đầu từ tháng 4/2000, những tháng năm đầu tiên của thế kỷ mới - thế kỷ 21, thế hệ những người thợ cầu đường Việt Nam lại bắt đầu viết lên một chương mới, một trang sử mới hào hùng trong thời bình, xây dựng trục đường xuyên Việt vĩ đại nhất Việt Nam - đường Hồ Chí Minh trong thời kỳ đất nước đổi mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa…

Thời điểm làm đường Hồ Chí Minh, một số người tỏ ra không tin vào tính khả thi của dự án, nhưng chính nhờ vào uy tín của tướng Đồng Sỹ Nguyên và năng lực lãnh đạo và sự quyết tâm của Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn, dự án đã được Nhà nước thông qua chủ trương đầu tư và thông luôn cả về nguồn vốn khi đó được cho là rất khó khăn.

Tác giả: Chu Đức Soàn

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP