Trên đời này, người mà Bích không thể chịu nổi chính là mẹ chồng của cô. Trước khi kết hôn, chồng đã dặn Bích: "Mẹ anh vốn là người "khẩu xà tâm phật" cho nên sẽ không tránh khỏi những lúc khiến em buồn phiền, em cố gắng đừng để bụng và đối xử với mẹ anh thật tốt nhé". Sau kết hôn, mẹ chồng liền dạy Bích nhiều phép tắc trong nhà, Bích im lặng lắng nghe, không dám đôi co cùng mẹ chồng. Thời điểm đó Bích chỉ nghĩ đơn giản chỉ cần đối xử và phục dịch mẹ chồng chu đáo, nếu cô không gây chuyện thì mẹ chồng làm gì có cớ mà trách mắng.
Bích và chồng đều có công ăn việc làm ổn định. Bích làm kế toán trong công ty lớn nên lương thưởng rất tốt. Sau một năm kết hôn thì Bích có thai, điều này đồng nghĩa với việc nảy sinh nhiều vấn đề. Ví dụ, nếu cả hai vợ chồng đều đi làm thì ai sẽ chăm sóc bé? Phải cân đo ngân sách chi tiêu trong nhà và có nên thuê bảo mẫu dài hạn hay không? Bích cũng không thể gửi cho bà ngoại chăm sóc. Em trai Bích vẫn còn đang đi học, bố đi làm, trong nhà chỉ có mình mẹ của Bích quán xuyến mọi việc, còn đâu thời gian chăm sóc cháu ngoại, hơn nữa, nhà bố mẹ đẻ của Bích khá xa.
Bích vốn muốn nhờ cậy mẹ chồng chăm sóc cháu, ấy vậy mà bà từ chối: "Đừng bao giờ nghĩ đến chuyện để mẹ giữ cháu nhé, bộn bề nhiều việc lắm, không rảnh đâu". Mẹ chồng nói vậy nhưng Bích biết rõ, bà có bận rộn gì đâu, suốt ngày bà chỉ đánh bài, đi nhảy đầm và buôn chuyện với hội bạn. Mẹ chồng đã từ chối trông cháu thì Bích cũng không dám miễn cưỡng. Thế là Bích bàn bạc với chồng: "Em sẽ nghỉ việc ở nhà một thời gian để chăm sóc con, đợi con cứng cáp một chút thì đi tìm việc, chuyên ngành của em là kế toán nên tìm việc cũng không khó khăn". Chồng Bích nghe vậy cũng đồng ý, bởi hai vợ chồng đều không yên tâm giao con cho bảo mẫu chăm sóc.
Khi Bích sinh con và đến thời gian ở cữ, mẹ chồng không hề đoái hoài đến cô. Mỗi ngày trôi qua của Bích luôn mệt mỏi, kể từ lúc Bích nghỉ việc ở nhà, mẹ chồng như ngồi trên đống lửa, cứ hở ra là bà lại nói cạnh nói khóe bảo là con dâu nhàn rỗi.
Ảnh minh họa
Một tuần trước, mẹ đẻ của Bích đã trải qua sinh nhật ở tuổi 50, vậy mà Bích lại quên mất, chính em trai đã gọi điện nhắc nhở cô. Bích cảm thấy rất xấu hổ và thương bố mẹ, gia đình của Bích không giàu có, bố mẹ đã cực khổ nuôi cô khôn lớn và cho cô ăn học nên người. Sau khi ra trường, đi làm chưa được bao lâu thì Bích đã lấy chồng, từ đó tâm trí của cô luôn hướng về nhà chồng, cô rất hiếm khi có thời gian trở về thăm bố mẹ, Bích quyết định mua một sợi dây chuyền vàng gửi tặng mẹ.
Bích không hề có ý định giấu giếm mẹ chồng chuyện này, nhưng thật không ngờ, bà lại biết trước khi Bích kịp mở lời, bà giận dữ quát mắng: "Hiện giờ, cô đang ăn không ngồi rồi đấy, con của cô cũng tốn tiền sữa bột và tã giấy lắm. Cô không biết điều mà còn dám lấy tiền con trai tôi mua đồ đắt tiền tặng mẹ cô à? Việc cô đang làm có khác gì kẻ trộm hả?".
Nghe mẹ chồng nói vậy, Bích cảm thấy rất tủi thân và uất ức: "Hiện giờ đúng là con không đi làm, nhưng đó không phải là điều con muốn. Mua dây chuyền tặng mẹ đẻ là tiền tháng lương mà con đã tích góp, sữa bột và tã giấy, một nửa cũng là tiền con chi ra. Làm sao mẹ có thể đánh đồng con là kẻ trộm ạ? Suốt ngày mẹ chỉ bảo lo cho gia đình chồng, vậy bố mẹ sinh ra con thì thế nào? Nếu mẹ hẹp hòi như vậy, sau này mẹ nhớ bảo em chồng đừng mua gì tặng cho mẹ, nếu không em ấy sẽ mang tiếng là kẻ trộm như con đấy". Mẹ chồng nghe xong giận tím tái hết mặt mày, bà bảo: "Được lắm, cô dám cãi lời tôi đấy à? Cứ đợi chồng của cô về đây rồi nói chuyện".
Sau đó, chồng của Bích đã kéo cô ra bảo: "Em có biết là mẹ của anh đã khóc lóc suốt 2 tiếng đồng hồ không? Mẹ trách anh chỉ lo nghĩ cho vợ mà không đứng về phía mẹ, sao em không đối xử dịu dàng với mẹ một chút, nếu em không biết tôn trọng mẹ của anh, vậy thì con của tụi mình sau này cũng không biết tôn trọng cha mẹ sinh ra nó". Bích chỉ cảm thấy ù hết cả tai, cô chỉ muốn hỏi, lẽ nào những điều cô đã làm và đã nói là sai trái? Tại sao chồng chỉ biết bên mẹ mà không biết nghĩ cho bố mẹ của cô?
Tác giả bài viết: Mèo Ròm/theo Tú Uyên