Thể thao

Nỗi đau từ bạo lực sân cỏ

Những ngày qua, làng bóng đá Việt Nam luôn dõi theo chấn thương của tiền đạo Dương Văn Hào (Viettel) sau pha vào bóng của Huỳnh Tấn Tài ở trận Viettel - Long An tại Giải hạng Nhất Quốc gia.

Bạo lực sân cỏ là vấn nạn của bóng đá Việt

Cầu thủ từng dự U20 World Cup 2017 bị trật ổ khớp cổ chân, đứt toàn bộ dây chằng cổ chân, gãy xương mác và có nguy cơ phải chia tay sự nghiệp khi còn cả tương lai tươi đẹp phía trước. Mùa giải 2016, tiền vệ Anh Khoa của SHB Đà Nẵng đã phải chia tay sân cỏ vì pha phạm lỗi thô bạo của Quế Ngọc Hải bên phía Sông Lam Nghệ An. Ngoài ra, còn rất nhiều cầu thủ khác trở thành nạn nhân của những cú vào bóng hết chân từ đồng nghiệp.

Mùa này qua mùa khác, các nhà quản lý bóng đá Việt Nam kêu gọi bài trừ bạo lực sân cỏ. Ngặt nỗi kết quả vẫn chả ra đâu vào đâu. Bóng đá là môn thể thao đối kháng, không thể tránh khỏi va chạm nhưng nhận thức về sự khác biệt giữa quyết liệt và bạo lực với cầu thủ Việt Nam còn rất mơ hồ. Thực tế, ranh giới giữa quyết liệt và bạo lực cũng rất mong manh, đòi hỏi mỗi cầu thủ phải có đủ bản lĩnh để dừng chân đúng lúc.

Nỗi đau của Văn Hào, Anh Khoa là nỗi đau cá nhân nhưng nếu nhìn rộng hơn, nó còn là sự bất lực của cả nền bóng đá, bất lực trong việc ngăn chặn bạo lực. Với các nhà tổ chức, đã có những án điểm được đưa ra nhưng nhìn chung vẫn có sự thiếu nhất quán trong công tác xử phạt. Tiêu biểu nhất là việc Huỳnh Tấn Tài của Long An chỉ phải nhận thẻ vàng, không có án phạt nguội dù vào bóng rất nguy hiểm với Văn Hào.

Về phần mình, trong số hơn 20 đội bóng chuyên nghiệp Việt Nam, liệu có bao nhiêu đội thực sự chú ý đến giáo dục nhân cách cho cầu thủ? Với bản thân cầu thủ Việt Nam, liệu có bao nhiêu người thực sự nghĩ cho đồng nghiệp? Rồi trên khán đài, những câu kích động kiểu “đá chết nó đi”, “đá gãy chân nó đi” vang lên không ngớt như làm tăng thêm độ “máu” của cầu thủ. Tổng hợp các yếu tố mới thấy rằng, bạo lực ở bóng đá Việt Nam chẳng phải trách nhiệm của riêng ai.

Nói đi vẫn phải nói lại, trong một xã hội đầy rẫy bạo lực, bóng đá khó tách mình ra khỏi dòng xoáy đó, bởi bóng đá là tấm gương phản chiếu xã hội. Chừng nào bạn bè sẵn sàng đâm chém nhau vì chén rượu; một va chạm nhỏ trên đường có thể dẫn tới ẩu đả; bố mẹ bạo hành con; anh em nói chuyện bằng tay chân... vẫn còn, bóng đá Việt hẳn vẫn phải chứng kiến bạo lực.

Tác giả: Trí Lâm

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP