Tìm về thăm Thảo trong những ngày đông lạnh giá, con đường quanh co đất đỏ đưa chúng tôi đến với ngôi nhà nằm ven đồi ở xóm 3, xã Bảo Thành. Trên thềm căn nhà cấp 4 đã nhuốm màu thời gian có sẵn một chiếc chõng với ghế nhỏ và một bóng đèn chiếu sáng.
Thảo một thiếu nữ 23 tuổi mang dáng vóc của một đứa trẻ lên 3 ngồi lọt thỏm giữa những dụng cụ, nguyên vật liệu đang say sưa đan, gấp, chỉnh sửa thớ giấy trên đôi bàn tay yếu ớt, dị tật.
Trên chiếc chõng tre cũ kỹ, hàng ngày Phan Thị Thảo vẫn miệt mài sáng tạo và làm ra những tấm thiếp giấy nổi đẹp mắt. |
Bên cạnh thùng cát tông tận dụng, là những tấm thiệp xinh xắn, đa dạng mẫu mã, hoa văn, họa tiết được phối màu bắt mắt, tinh tế. Nếu chưa từng thấy Thảo làm, hẳn ít ai ngờ rằng đó là sản phẩm tự học, tự mày mò, sáng tạo của cô gái bị bệnh xương thủy tinh bẩm sinh.
Tiếp chúng tôi, trong câu chuyện trao đổi nhưng bàn tay vẫn miệt mài, tỷ mận để cuộn những thớ giấy đã chuẩn bị sẵn tạo thành cánh hoa Đào đỏ thắm trên thiệp giấy, Thảo nói mà mắt em rưng rưng: “Em không may mắn, sinh ra bị tật nguyền, mọi sinh hoạt phải nhờ mẹ, nhờ cha, nhìn chúng bạn cùng trang lứa chảy nhảy, được đi học mà em thèm lắm”.
Dẫu bị di tật, tay bị co quắp nhưng Thảo vẫn bản lĩnh, nỗ lực để để vươn lên. Có những lúc ngón tay cắt dán bị rộp phồng nhưng em vẫn không bỏ cuộc để có được những sản phẩm ưng ý, đẹp mắt nhất. |
Một lần xem tivi, em thấy có bạn làm thiệp giấy nổi, thế là em nói với mẹ mua vật liệu, rồi tự học làm, khi mới bắt đầu bị hư hỏng nhiều lắm... Nhưng được mẹ động viên, gom góp tiền mua cho chiếc điện thoại kết nối internet nên em lên mạng xem đi, xem lại rồi học thế là em làm được. Kể từ khi đó, cuộc sống của em cũng đỡ nhàm chán và em muốn làm việc này cũng để phần nào đỡ đần cho cha mẹ trong cuộc sống từ tiền bán thiệp để cha mẹ yên tâm hơn về em”, Thảo chia sẻ.
Phan Thị Thảo là con út trong gia đình có 3 anh chị em. Lúc 3 tháng tuổi, thấy con chậm lớn, ít vận động, bố mẹ Thảo đã đưa em đi khám và được bác sỹ kết luận bị bệnh xương thủy tinh. Sau chuỗi ngày nằm ở nhiều bệnh viện, nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm gia đình đã đưa Thảo về chăm sóc, chấp nhận số phận.
Trên người mang nhiều bệnh tật, thân hao gầy, sức khỏe yếu nhưng bà Trần Thị Sâm vẫn dành hết tình thương để giúp con có thêm niềm tin, nghị lực vươn lên trong cuộc sống. |
Hằng ngày chứng kiến cảnh con gái phải gắng gượng trong sinh hoạt, nhìn bạn bè cùng trang lứa cắp sách tới trường mà mẹ Thảo là bà Trần Thị Sâm càng quặn thắt lòng hơn.
Với thân già bất lực, bà chỉ còn biết hờn trách với số phận nghiệt ngã đã "bám riết" lấy cuộc đời của con gái bà mà tần tảo sớm chăm chút, bày dạy cho con học đọc từng con chữ, chăm sóc, nuôi dưỡng để tiếp thêm nghị lực và niềm tin cho cô con gái tật nguyền.
Năm nay, Thảo đã sắp bước sang tuổi 23 nhưng vóc dáng của cô chỉ như một đứa trẻ lên 3. |
Với đồng lương ít ỏi của cô giáo Mầm non trường làng, bản thân bà không mảy may một chút dành cho mình mà toàn bộ thuốc thang và chiều con những gì con yêu thích với hy vọng sẽ có một kỳ tích đến với con gái và gia đình mình.
Bà Trần Thị Sâm mẹ của Thảo tâm sự: “Cháu Thảo sinh ra đã không may mắn như chúng bạn nên tôi thương con lắm, khi con có ý định học làm việc này, tôi đạp xe ra tận ngoài các cửa hàng ở đường 7, rồi chợ Khe để hỏi mua giấy và các dụng cụ về cho con học làm.
Thấy con say sưa, tôi rất mừng, động viên nó làm cho khuây khỏa tâm hồn. Nhiều khi thấy nó ham quá, học quên cả ăn, rồi tay yếu, kéo cắt phồng rộp cả tay, mẹ bảo để cắt thay nhưng nhất quyết không cho còn nói: Mẹ để con tự làm, con quyết tâm mình tàn nhưng không để phế mẹ ạ”.
Những sản phẩm thiệp mừng bằn giấy nổi do Thảo tự làm. |
Để có được những sản phẩm đẹp mắt là cả một sự kỳ công, nỗ lực của cô gái tật nguyền. Một ngày Thảo chỉ làm được một tấm, bán với giá từ 15 – 20 ngàn đồng tùy theo chủng loại. |
Nói đến đây, bà Sâm đưa tay gạt hai dòng nước mắt, thương con mà nỏ biết làm sao. Bản thân bà cũng nay ốm, mai đau vì căn bệnh viêm loét dạ dày hành hạ. Mới đây bà phải vừa phẫu thuật cắt mật, vết mổ dài gần gang tay nằm dọc ổ bụng chưa lành nhưng bà vẫn vội xin bác sỹ về nhà chăm con. Tấm thân mỏng manh, gầy còm, khô đét nhưng bà Sâm vẫn gượng đi, ngồi cùng con để phụ con sắp xếp lại đồ đạc, gom lại những tấm thiệp xinh xắn mà con gái mình vừa mới hoàn thành. Mỗi lần như vậy bà Sâm dường như vui hơn vì thấy con có đủ nghị lực để làm việc và để sống.
Cuộc sống cứ thế lặng lẽ qua đi, nhưng nơi xóm nghèo heo hút, người dân xóm 3 xã Bảo Thành vẫn thấy đều đặn hàng ngày một hình ảnh quen thuộc. Trên chiếc chõng tre đã cũ Phan Thị Thảo vẫn miệt mài đôi tay khéo léo cắt, dán, thêu vẽ theo sự sáng tạo của mình.
|
Cảm thông và sẻ chai với hoàn cảnh, khâm phục nghị lực của Thảo nên bà con lối xóm thường đến động viên, ủng hộ đặt hàng Thảo làm những sản phẩm mới để treo gia đình hoặc làm quà tặng người thân. |
Mỗi một ngày bình quân Thảo chỉ hoàn thiện được 1 tấm thiệp, bán với giá chỉ từ 15 - 20 ngàn đồng tùy theo kiểu dáng, nhưng đó là cả một sự nỗ lực và thành quả lao động nên Thảo rất vui. Cảm thông, chia sẻ với hoàn cảnh gia đình và khâm phục nghị lực của Thảo bà con lối xóm thường ghé chơi động viên và ủng hộ Thảo bằng cách mua những tấm thiệp xinh xinh để làm quà cho người thân.
Ông Phan Văn Đồng, xóm trưởng xóm 3, xã Bảo Thành, cũng là người hàng xóm tốt bụng của gia đình bà Sâm thường ngày qua lại thăm hỏi, lật xem những trang bệnh án của người phụ nữ khắc khổ, rồi ngắm những sản phẩm thiệp giấy nổi của Thảo, bản lĩnh người đàn ông cũng không khỏi ngậm ngùi:
“Gia đình bà Sâm, cháu Thảo rất đáng thương. Bà Sâm mang tiếng là giáo viên, nhưng những năm gần đây thường xuyên nằm viện, vừa rồi đi mổ về tưởng khó qua khỏi, giờ sức còn yếu lắm.
Những ngày này Thảo đang khẩn trương hoàn thiện các loại thiệp mừng năm mới. Em ước mơ sẽ mở được một cửa hàng nhỏ để giới thiệu sản phẩm và có điều kiện giúp đỡ các bạn cùng hoàn cảnh như mình. |
Còn cháu Thảo sinh ra hoàn cảnh khó khăn, bản thân ẽo uột như thế, nhưng cháu đã có một nghị lực phi thường. Dẫu không qua một trường lớp đào tạo, học hành nào, nhưng cháu đã làm được những món quà rất đẹp. Bà con lối xóm cũng không khá giả gì, cũng chỉ chia sẻ những sản phẩm của cháu làm ra, tạo thêm động lực cho bà Sâm, cháu Thảo cố gắng vươn lên trong cuộc sống.
Giờ bà Sâm ngày càng nhiều bệnh tật, cuộc sống của gia đình trông cả vào người chồng mà ai thuê gì làm nấy và mấy sào ruộng khoán rất chi là khó khăn. Vì thế, chúng tôi cũng đã họp bàn với bà con nhân dân để bình xét cho gia đình bà Sâm, cháu Thảo được vào hộ nghèo năm 2018 để bà được hưởng thêm chính sách của Đảng, Nhà nước, có thêm điều kiện chữa bệnh, chăm lo thêm cho cháu Thảo”.
Đơn xác nhận hoàn cảnh gia đình bà Sâm. |
Những ngày vừa qua cũng như chuẩn bị cho năm mới 2018, Thảo đang dồn hết thời gian để tạo nên những sản phẩm có ý nghĩa phục vụ ngày lễ Giáng sinh vừa qua, thiệp chúc mừng năm mới và hoàn thiện những bức tranh thêu trang trí trong các gia đình. Cứ thế, niềm vui nho nhỏ đã nhen nhóm trong cô gái tật nguyền thêm niềm tin yêu cuộc sống và biết ước mơ với những điều thật dung dị.
Thảo chia sẻ thêm: “Em chỉ mong mẹ em khỏi bệnh, khỏe để vun vén gia đình, chăm sóc đứa con chỉ ngồi một chỗ như em. Và cũng vì sức khỏe, em mong mọi người biết đến công việc của em và ủng hộ em nhiều hơn để em có thêm điều kiện giúp mẹ chữa bệnh và xa hơn là em có vốn để mở một cửa hàng nho nhỏ, rồi có thể bày vẽ và giúp cho những người có hoàn cảnh như em”.
Từ nghị lực, niềm tin vào cuộc sống đã nhen nhóm cho Thảo ước mơ, nhưng để có thể thực hiện mơ ước bình dị ấy rất cần sự chung tay, sẻ chia giúp đỡ của cộng đồng.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Bà Trần Thị Sâm, xóm 3, xã Bảo Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. ĐT: 01659.573.510 - bà Sâm. |
Tác giả: Nguyễn Duy
Nguồn tin: Báo Dân trí