Kinh tế

Những tỷ phú trẻ đi lên từ chục triệu đồng

Khởi nghiệp từ số vốn ít ỏi do người thân, gia đình hỗ trợ, anh Ngô Trung Long, Lương Văn Đại, Trần Tuấn Anh với đam mê tìm tòi, học hỏi mong muốn làm giàu trên chính quê hương mình cũng đã thu được "trái ngọt" đầu tiên, trở thành một trong 85 thanh niên tiêu biểu cả nước nhận giải thưởng Lương Định Của.

Tỷ phú vùng quê Ba Vì khởi nghiệp từ 70 triệu đồng

Đại biểu Ngô Trung Long, Thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội

Ngô Trung Long (1984), hiện nay đang là chủ trang trại chăn nuôi ở Thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội. Hiện nay, anh Long phát triển chăn nuôi theo mô hình VAC, mỗi năm đạt doanh thu 12 tỷ đồng/năm. Lợi nhuận đạt 840 triệu đồng/năm và đã giúp giải quyết việc làm cho khoảng 15 lao động tại địa phương.

Hiện tại, mô hình chăn nuôi của anh Long có tổng diện tích khoảng 2,7 ha trong đó có 2 chuồng lợn nuôi gia công với số lượng 2.000 con/đợt; 900 con gà thịt; 2 ao cá nuôi thịt, mỗi năm thu hoạch từ 4 - 5 tấn cá; 150 cây bưởi; 50 cây ổi; 1 mẫu rau; 1 chuồng nuôi giun quế làm thức ăn cho gà, cá. Anh Long cũng đã tiến hành mở rộng mô hình nuôi bò Úc với 5 mẫu trồng cỏ, 150 con bò Úc.

Anh Long cho biết: "Ban đầu gia đình chủ yếu nuôi cá, sau đó số đất ao hồ múc lên thành gò đồi cao không trồng trọt được, sẵn đó tôi chuyển đổi nuôi lợn trên đất đó luôn. Lúc mới nuôi, số lượng lợn còn nhỏ lẻ chưa có quy mô nhưng sau kết hợp tìm hiểu những mô hình lân cận thấy nuôi ít lãi xuất thấp nên quyết định mạnh dạn đầu tư chăn nuôi lớn".

"Bén duyên" với nghề chăn nuôi, anh Long quyết định từ bỏ công việc theo đúng chuyên ngành từng theo học ở trường Cao đẳng hóa chất Việt Trì để về quê làm kinh tế.

Nhờ kiến thức được học từ nhà trường cộng thêm sự tìm tòi học hỏi của bản thân tại các mô hình lân cận, anh Long đã đầu tư và phát triển mô hình chăn nuôi của gia đình theo đúng chuẩn VAC. Ngoài ra, anh còn tham gia các lớp tập huấn kiến thức chăn nuôi ở địa phương, nghiên cứu khoa học kĩ thuật phục vụ mô hình chăn nuôi của gia đình.

Khởi nghiệp từ số vốn ban đầu là 70 triệu đồng vay mượn từ gia đình, họ hàng, thời gian đầu việc chăn nuôi của anh gặp vô vàn khó khăn vì thiếu vốn, chưa có kinh nghiệm. Nhưng sau đó nhờ những nỗ lực cố gắng của mình, anh Long đã được Quỹ tín dụng thị xã Tây Đằng hỗ trợ 400 triệu đồng, con đường khởi nghiệp của anh rộng mở.

"Tỷ phú" thị xã Tây Đằng cho biết thành công của anh một phần là nhờ vào sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương, gia đình, bạn bè. "Giải thưởng Lương Định Của với tôi chính là động lực để tôi thêm cố gắng, thông qua đó tôi cũng mong chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ, đầu tư vốn hơn nữa để người dân tự tin làm giàu trên quê hương mình", anh Long bày tỏ.

Chia sẻ với các bạn trẻ, anh Long khuyên: "Làm giàu không nên vội vàng, muốn phát triển phải nghiên cứu xem địa phương hợp với gì, môi trường như thế nào và hoàn cảnh kinh tế ra sao mới có bước đi vững chắc”.

Tỷ phú 9x trồng cam sành thu tiền tỷ với 30 triệu đồng


Khởi nghiệp từ 600 gốc cam sành, hiện nay anh Lương Văn Đại (1990) đã mở rộng quy mô trồng cam của gia đình lên tới 2000 cây. Ngoài ra, anh còn đầu tư chăn nuôi với 9 con trâu, 1000 con gia cầm. Tổng doanh thu hiện nay của gia đình anh đạt gần 1 tỷ, lợi nhuận 680 triệu/năm, giúp giải quyết việc làm cho 05 lao động là thanh niên xã nhà.

Anh Đại cho biết, trong những năm tiếp theo anh dự kiến sẽ tiếp tục trồng thêm 500 cây cam và phát triển thêm đàn gia cầm của gia đình mình. Nhờ những thành công này, năm 2014 anh vinh dự được UBND huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang khen thưởng bằng khen danh hiệu thanh niên phát triển kinh tế.

Kể về chặng đường khởi nghiệp của mình anh Đại cho biết, sau khi học xong THPT anh quyết định không học nữa mà ở nhà phát triển kinh tế trên quỹ đất của gia đình. Năm 2009, anh xách balo đi học hỏi kinh nghiệm trồng cam ở các tỉnh bạn, ngoài ra anh còn kết hợp với báo đài để áp dụng vào thực tế gia đình mình.

Từ những ngày đầu chỉ có 100 gốc cam, đến nay anh đã phát triển lên gần 2000 gốc, sản lượng mỗi năm đạt hơn 90 tấn. Nhiều năm gắn bó với nghề trồng cam, đi lên với số vốn ít ỏi chỉ có 30 triệu đồng, anh Đại hiểu vấn đề của người nông dân chính là nguồn vốn.

Cây cam nói riêng và cây có múi nói chung là cây rất phổ biến hiện nay ở nước ta. Không phải là cây đặc thù của bất cứ tỉnh nào nên bên cạnh nguồn vốn việc cạnh tranh với cam ở tỉnh khác là điều trăn trở của ông chủ 9x. Hiểu được điều đó, anh Đại đã áp dụng chương trình VietGAP để sản xuất cam sạch cung ứng ra thị trường, cạnh tranh về chất lượng là con đường anh cho rằng bền vững nhất.

Sự ủng hộ của gia đình cùng hỗ trợ của địa phương đã giúp anh mạnh dạn trong việc đầu tư phát triển mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ vào quyết tâm anh đã khiến gia đình đổi ý, ủng hộ anh trên bước đường khởi nghiệp.

Trở thành một trong 85 thanh niên tiêu biểu được nhận giải thưởng Lương Định Của, anh Đại bày tỏ đây động lực để anh không ngừng cố gắng. Dự định của anh tới đây là đưa cây cam Cao Phong về Tuyên Quang trồng và nhân rộng quy mô.

Ông chủ nuôi yến thu 1,5 tỷ đồng/năm

Đại biểu Trần Tuấn Anh đến từ Bình Phước


Khởi nghiệp từ năm 2013, anh Trần Tuấn Anh (1989) chọn nuôi yến là con đường khởi nghiệp với tổng diện tích sàn 240m2. Ngoài ra anh còn nhận thi công các công trình nhà yến và đăng ký thương hiệu cơ sở Yến sào Nam Phú tại phố 1, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Với nguồn vốn đầu tư vay từ ngân hàng và gia đình, từ nhà yến này mỗi tháng anh thu được 2kg tổ yến, dần tạo dựng được uy tín trong và ngoài tỉnh, đến nay anh đã xây dựng tổng cộng 7 công trình yến cho các hộ ở Bình Dương, Bình Phước, Đắk Lắk, TP. Hồ Chí Minh.

Anh Tuấn Anh chia sẻ: "2013 tôi bắt đầu nuôi yến, ban đầu vay ngân hàng, với số vốn không nhiều, 1 năm sau tôi có thu nhập khoảng 100 triệu đồng/tháng. Sau 2 năm tôi mới hoàn lại vốn".

"Cái duyên" đến với nghề yến nhen nhóm khi anh lấy vợ, đại biểu Bình Phước kể ban đầu nhà vợ nuôi, do nhận thấy nuôi yến rất có giá trị nên anh quyết định đầu tư "mạnh tay".

"Gia đình nhà vợ tôi từng nuôi yến, dựa vào nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường tiềm năng nên tôi mạnh dạn đầu tư. Nuôi yến mình không phải phụ thuộc, không cần thông qua công ty nào, vừa nuôi vừa đưa ra thị trường mà giá thành lại ổn định", anh Tuấn Anh chia sẻ về con đường khởi nghiệp.

Nếu nuôi cây trồng vật nuôi thành công là ra trái, ra con năng xuất, sản lượng cao thì nuôi yến việc quyết định thành bại không như vậy. Khó khăn của nuôi yến theo anh Tuấn Anh chính là "làm nhà mà chim không về". Sản lượng thu hồi bao nhiêu là yếu tố quyết định, muốn vậy người nuôi phải tập trung vào bước làm nhà cho yến. "Nhà của yến phải đảm bảo nhiệt đô, độ ẩm, âm thanh, nếu có trục trặc gì phải khắc phục kịp thời".

Trong tương lai, anh Tuấn Anh muốn tiếp tục mở rộng mô hình, thành lập công ty, gia nhập Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Bình Phước, hoàn thiện hồ sơ để thành lập Hiệp hội yến xào. Mong muốn của anh là không chỉ cung cấp sản phẩm trong nước mà còn vươn ra nước ngoài.

Giải thưởng Lương Định Của là phần thưởng cao quý của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn trao tặng hàng năm cho thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới, có đóng góp tích cực vào hoạt động Đoàn, Hội ở địa phương và đơn vị. Giải thưởng nhằm động viên, cổ vũ thanh niên nông thôn xung kích phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực, hiệu quả vào quá trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Tác giả bài viết: Kim Bảo Ngân

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP