Kinh tế

Những "triệu phú chăn nuôi" đất Lăng Thành

Xã Lăng Thành, huyện Yên Thành là một xã vùng bán sơn địa với diện tích tự nhiên gần 5 ngàn ha, trong đó diện tích đồi núi và mặt nước ao hồ chiếm trên 2 ngàn ha. Tận dụng và phát huy tiềm năng thế mạnh đó của địa phương, nhiều nông dân Lăng Thành đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, đưa lại hiệu quả kinh tế cao.

Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, đầu năm 2016, hai thanh niên Phùng Văn Hùng và Đào Quang Hiếu (xóm 2 xã Lăng Thành) đã chung vốn, mạnh dạn đầu tư 700 triệu đồng để xây dựng một trại nuôi gà trên diện tích gần 2000m2 tại khu vực vùng đồi Học Ba Nha.

Tuy mới thành lập, nhưng với mục tiêu chăn nuôi quy mô lớn, phát triển theo hướng bền vững, ngay từ lứa nuôi đầu tiên, 2 anh đã chăn thả 2 ngàn 500 con gà ri lai. Đây là giống gà mới, chất lượng thịt đảm bảo tiêu chuẩn, hiện đang được thị trường ưa chuộng.

2.500 con gà ri lai ở trại gà Hùng Hiếu được nuôi thả bằng phương pháp mới “ đeo kính”


Do địa hình khu vực trang trại chăn nuôi lại xa dân cư, nằm biệt lập dưới những triền đồi cộng thêm áp dụng các biện pháp chăn nuôi thú y, kết hợp giữa công nghiệp với phương pháp nuôi thả truyền thống nên yếu tố môi trường ở đây luôn đảm bảo, hạn chế tối đa các loại dịch bệnh. Vì thế gà nhanh lớn, tỷ lệ hao lụt không đáng kể, sau 3 tháng trọng lượng mỗi con đạt khoảng 2,5 kg.

Dự kiến trong dịp Tết nguyên Đán Đinh Dậu sắp tới, trại gà này sẽ cung cấp cho thị trường trên 6 tấn gà thương phẩm, trừ chi phí sẽ cho lãi ròng khoảng 150 triệu đồng. Đây sẽ là tiền đề để hai thanh niên thực hiện ước mơ làm giàu ngay chính trên mảnh đất quê hương.

Gia đình ông Nguyễn Hồ Bắc ở xóm 3 đã hơn chục năm nay bám vào vùng đất Hốc Môn, cách nhà cả chục km để phát triển kinh tế từ chăn nuôi kết hợp. Trên 4 ha diện tích đất đồi, gia đình ông đã đầu tư quy hoạch 0,7 ha thành ao hồ thả cá, diện tích còn lại được trồng các loại cây ăn quả, xen canh là cây màu gối vụ và chăn nuôi gia súc, gia cầm với số lượng lớn. Từ một hộ thuộc diện khó khăn, nhưng được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, đặc biệt là Hội nông dân xã hỗ trợ về kiến thức khoa học kỹ thuật và vốn vay ưu đãi, đến nay đã phát triển với quy mô bền vững, cho thu nhập cao.

Ông Nguyễn Hồ Bắc là một trong những triệu phú vùng đồi ở xã Lăng Thành


Đến nay trang trại này luôn duy trì từ 20 – 30 con trâu bò sinh sản và thương phẩm hàng hóa, cho thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 200 triệu đồng. Riêng năm 2016, gia đình ông còn đầu tư nuôi thêm 300 con gà mái đẻ trứng; 1500 con gà thịt và ngan, ngỗng, đưa nguồn thu nhập trên 300 triệu đồng.

Cùng với chăn nuôi trâu bò đàn, dê, lợn, gà hàng hóa, với bản tính siêng năng, cần cù và sáng tạo của người dân, hiện nay ở xã Lăng Thành còn xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi con đặc sản, bước đầu mang lại quả kinh tế cao.

Với gần 2000 ha đất rừng là điều kiện thuận lợi trong phát triển chăn nuôi ở xã Lăng Thành.


Điển hình có trại nuôi lợn rừng của anh Phạm Hữu Tĩnh ở động Hố Nu. Nhận thấy vùng đất này có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông – lâm kết hợp, từ năm 2011 gia đình anh đã mạnh dạn khai hoang phục hoá 1,2 ha đất đồi bãi để trồng ngô, khoai, sắn phục vụ chăn nuôi.

Qua tham quan học tập kinh nghiệm ở nhiều mô hình trong và ngoài tỉnh, anh đã mua về 3 con giống lợn rừng để nuôi thí điểm. Nhờ áp dụng chăn nuôi đúng quy trình kỹ thuật, đến nay đàn lợn rừng của gia đình đã phát triển thêm 37 con nái sinh sản và 5 con đực giống F1 để cung cấp con giống. Thấy được lợi nhuận từ chăn nuôi lợn rừng, 3 năm gần đây gia đình đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại dưới những tán cây lâm nghiệp thoáng mát, bao quanh là 3 nghìn mét vuông lưới thép kiên cố, tạo không gian rộng rãi để lợn đào bới tìm kiếm thêm nguồn thức ăn tự nhiên.

Ngoài bán lợn thịt, gia đình còn là địa chỉ tin cậy về cung cấp con giống, hàng năm nay gia đình anh đã xuất bán được 300 con giống, bình quân mỗi con thu lãi 1 triệu đồng. Hiện tại trong trại lợn rừng của anh Tĩnh đang còn 40 con lợn thịt đang được chăn thả, trọng lượng bình quân mỗi con trên 20 kg và sẽ xuất bán vào dịp Tết, với giá thị trường hiện tại, một kg lợn hơi 200 ngàn đồng, sẽ đưa lại nguồn thu nhập cao cho gia đình vào dịp cuối năm. Với mô hình này vừa tạo được con giống khoẻ mạnh, hạn chế được dịch bệnh, vừa cung cấp cho thị trường một lượng thịt thương phẩm đảm bảo chất lượng, có hiệu quả về giá trị kinh tế, tạo bước đột phá trong phát triển chăn nuôi ở xã Lăng Thành, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Mô hình nuôi lợn rừng của anh Phạm Hữu Tĩnh đã mở ra hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi ở địa phương.


Đây mới chỉ là 3 trong số 12 mô hình chăn nuôi kết hợp đạt hiệu quả kinh tế cao ở xã Lăng Thành trong những năm gần đây, được xem là triệu phú vùng đồi, là điển hình để nhân ra diện rộng. Nhờ đó đến nay toàn xã đã phát triển gần 1 ngàn 700 con trâu bò, 35 ngàn con gia cầm, thủy cầm và đàn dê trên 1 ngàn con… đưa tỷ trọng chăn nuôi chiếm gần 40% trong sản xuất nông nghiệp, nâng thu nhập bình quân đầu người đạt 32 triệu đồng/ năm.

Ông Nguyễn Hữu Hải – PCT UBND xã Lăng Thành cho biết: Để phát huy tiềm năng lợi thế của một xã vùng bán sơn địa, hiện nay xã đang tập trung mọi nguồn lực để triển khai thực hiện đề án phát triển chăn nuôi giai đoạn 2016-2020. Đây là một trong những đề án mang tính khả thi, được nhân dân tích cực hưởng ứng. Theo đó chính quyền địa phương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân có nhu cầu được thuê đất để xây dựng trang trại chăn nuôi; phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các lớp chuyển giao tiến bộ KHKT về chăn nuôi thú y, hỗ trợ vốn vay ưu đãi, đồng thời liên kết với các công ty, doanh nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho bà con, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế địa phương.

Tác giả bài viết: Thái Dương

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP