Thế giới

Những thuyết âm mưu sau vụ ám sát đại sứ Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ

Vụ ám sát đại sứ Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá là hành động khiêu khích của các "thế lực đen tối" nhằm làm dậy sóng mối quan hệ Nga - Thổ. Có nhiều thuyết âm mưu quanh vụ việc.

Việc Đại sứ Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov bị bắn chết được so sánh có nhiều điểm tương đồng với vụ ám sát Hoàng tử Áo - Hung Franz Ferdinand năm 1914, vốn là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới Thế chiến thứ I.

Vụ ám sát chấn động này cũng được dự đoán có thể châm ngòi cho những xung đột, căng thẳng khu vực. Có nhiều thuyết âm mưu về lực lượng đứng sau vụ việc.


Kẻ sát hại Mevlut Mert Altıntaş tại hiện trường vụ ám sát đại sứ Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Getty.

Tình báo NATO hay giáo sĩ Gulen?

Nghị sĩ Nga Frantz Klintsevich còn cho rằng vụ việc "có nhiều khả năng được tình báo NATO chống lưng". Một nghị sĩ khác, ông Alexei Pushkov, đổ lỗi cho "kích động chính trị và truyền thông" của những kẻ thù nước Nga, lên án vụ ám sát là “cuộc chiến âm thầm chống lại đất nước này”.

"Cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có đủ động lực để giải quyết cuộc khủng hoảng. Điều này có thể khiến Nga chủ động hơn trong mối quan hệ với Ankara", ông nói.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binaly Yıldırım cho rằng có các "các thế lực đen tối" đứng sau vụ ám sát ông Karlov. Tổng thống Putin gọi sự việc là "động thái đáp trả, nhằm làm dậy sóng mối quan hệ Nga - Thổ, thông qua việc mã hoá các âm mưu bên ngoài Moscow".

"Chúng ta đều biết Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan sắp sang Nga. Đây thực sự là hành động khiêu khích", RIA Novosti trích lời bà Panima, thành viên Ủy ban Quan hệ quốc tế của Hạ viện Nga.

Bên cạnh đó, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đổ lỗi cho phong trào đối lập của giáo sĩ Fethullah Gulen, đang tị nạn ở Mỹ và bị cáo buộc âm mưu cuộc đảo chính bất thành vài tháng trước, gây ra vụ ám sát và đang tập trung điều tra ông Gulen cùng những người ủng hộ.

Trong một đoạn viết trên Twitter, Thị trưởng Ankara Melih Gökçek ám chỉ kẻ tấn công có liên quan đến phong trào Gulen. Theo ông, câu khẩu hiệu nhắc đến Aleppo chỉ là để đánh lạc hướng dư luận.

Nga - Thổ xích lại gần nhau

Trong khi đó, một số nhà quan sát đánh giá 2 nhà lãnh đạo Nga - Thổ có thể dễ dàng tìm được động cơ, tiếng nói chung để cùng giải quyết cuộc khủng hoảng, đối phó với kẻ thù chiến lược.

Học giả Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Akyol nhận định có một thế lực đứng sau vụ ám sát, nhằm chia rẽ mối quan hệ song phương: "Cả 2 nhà lãnh đạo tin rằng có âm mưu của các nước phương Tây nhằm biến mối quan hệ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên thù địch".

Theo các nhà quan sát, nguyên thủ 2 quốc gia không có ý định phá vỡ thoả thuận đã đạt được về vấn đề Syria, cho phép từng nước theo đuổi mục tiêu chiến tranh của mình.

Thổ Nhĩ Kỳ không thể từ bỏ chiến dịch quân sự nhắm vào lực lượng người Kurd ở phía bắc Syria, còn mục tiêu của Nga là chiến dịch tại Aleppo và làm suy yếu lực lượng chống đối Assad.

Cả Ankara và điện Kremlin khẳng định cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran về vấn đề Syria sẽ vẫn diễn ra theo kế hoạch vào ngày 20/12 tại Moscow.

Các chuyên gia nhận định cả hai đều không có ý định đẩy sâu cuộc khủng hoảng như sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay chiến đấu Nga hồi tháng 11/2015.

Tác giả bài viết: Trà My

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP