Cuộc sống

Những nữ du kích quả cảm bên dòng Bến Hải

Trong căn nhà nhỏ nằm giữa vườn cây trái sum suê, bà Nguyễn Thị Hiệt, (76 tuổi, thôn Nam Phú, xã Vĩnh Nam, Vĩnh Linh, Quảng Trị), tự hào kể cho chúng tôi nghe lại chuyện chiến đấu, sản xuất của Tiểu đội nữ du kích Nam Phú bên dòng sông Bến Hải giới tuyến lịch sử một thời kháng chiến đánh giặc cứu nước và đã vinh dự được tặng Huy hiệu Bác Hồ...

Trong ký ức của bà Hiệt, đó là những ngày tháng đẹp đẽ nhất trong cuộc đời, được sát cánh cùng với bộ đội chiến đấu, giành giữ từng tấc đất cho quê hương. Bà kể: “Năm 1965, địch ném bom suốt ngày đêm ở Vĩnh Linh. Lực lượng Bộ đội, Công an, dân quân du kích Khu Vĩnh Linh đã lập nên nhiều điểm, trạm chiến đấu, đánh trả máy bay địch.

Tui lúc đó thuộc Tiểu đội nữ du kích Nam Phú. Chị em chúng tôi ngày đêm mướt mồ hôi, quần quật gùi cõng lương thực, súng đạn, vũ khí chiến đấu ra chiến trường cho bộ đội, rồi từ chiến trường cõng cáng bộ đội chiến đấu bị thương về các trạm xá, bệnh viện dã chiến trên địa bàn để băng bó, cứu chữa cho họ… Có ngày đêm, chị em chúng tôi đi hàng chục chuyến, xa hàng chục cây số như đến bến đò B Tùng Luật, xã Vĩnh Giang; thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành để làm nhiệm vụ này”.

Bà Hiệt nhớ lại những năm tháng chiến tranh hào hùng của Tiểu đội nữ du kích Nam Phú bên dòng sông Bến Hải giới tuyến lịch sử.

Tôi hỏi bà Hiệt: “Mệ còn nhớ chiến công mà sau này Bác Hồ đã tặng các mệ Huy hiệu của Bác không?”. Ở tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng đôi mắt bà Hiệt vẫn còn rất sáng, trí nhớ của bà vẫn còn rất minh mẫn. Bà lấy từ trong chiếc tủ gỗ cũ kỹ ra những kỷ vật thời chiến tranh, được bà cất giữ rất cẩn thận. Trong đó, có một cuốn sổ nhỏ với những nét chữ đã phai màu mực, giấy ngả màu ố vàng, mục mủn lỗ chỗ do thời gian.

Bà Hiệt khẽ nói: “Hồi đó được tham gia kháng chiến là niềm tự hào. Ngày và đêm chúng tôi gùi lương, tải đạn ra các trận địa cho bộ đội đánh giặc, mà nào có ai nghĩ ngợi đến chuyện sống chết, thành tích gì đâu. Tuy nhiên, có đôi lần tui cũng đã ghi lại những trận đánh ác liệt, chị em chúng tôi sống sót được như hạt gạo trên sàng, để làm kỷ niệm”.

Tôi cố quan sát thật kỹ từng nét chữ trong cuốn sổ nhật ký, thấy một đoạn còn có thể đọc được: “Ngày 4-5-1965, sau 12 loạt bom mà chị em mình vẫn sống sót được. Lại mỗi người còn vác được 10 thùng đạn ra cho bộ đội Sông Lô đánh địch thả bom dọc Bắc sông Bến Hải. Bộ đội nhìn mấy chị em mình không tin, lại còn trêu là Tề Thiên Đại Thánh hay sao mà việc vác đạn cứ nhanh như việc hô biến vậy!...”.

Theo lịch sử Đảng bộ xã Vĩnh Nam: Lúc 14h30’ ngày 8-2-1965, 24 máy bay A.1H do Nguyễn Cao Kỳ, Thiếu tướng Tư lệnh Không quân quân đội Sài Gòn chỉ huy, xuất phát từ sân bay Đà Nẵng, được hơn 60 máy bay thuộc các phi đội A.1E và F.100 của Mỹ từ các tàu sân bay đậu ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ phối hợp yểm trợ, đã ném bom xuống nhiều khu dân cư, nhiều xí nghiệp, trường học ở thị trấn Hồ Xá, doanh trại Sư đoàn 341 thuộc khu vực Vĩnh Linh, mở đầu cho cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân lớn nhất, dài nhất, tàn bạo nhất trong lịch sử đối với mảnh đất Vĩnh Linh nhỏ hẹp.

Với tinh thần cảnh giác cao, quân và dân Vĩnh Linh đã đánh trả quyết liệt bằng tất cả các loại vũ khí có trong tay. Hàng trăm tay súng của du kích xã Vĩnh Nam, trong đó đại đội du kích Hợp tác xã Nam Hồ ở trong vùng oanh tạc đã kịp thời phối hợp với các đơn vị bộ đội cao xạ, đội tự vệ của thị trấn Hồ Xá, và các cơ quan, xí nghiệp trên địa bàn thị trấn, đã giăng lưới lửa bủa vây chặn bàn tay tội ác của giặc cướp trời…

Với tinh thần “hầm là nhà” để bảo toàn lực lượng, đến cuối năm 1965, mỗi hộ gia đình trong xã Vĩnh Nam có từ 1 đến 3 hầm chữ A, hầm ngủ. Toàn xã có 3.700 hầm chữ A. Mọi sinh hoạt, làm việc, học tập, nghỉ ngơi đều trong hầm và dưới hào giao thông.

Hình ảnh Tiểu đội nữ du kích Nam Phú được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người năm 1966.

Dưới mưa bom bão đạn, 10 cô gái Nam Phú tuổi mười tám, đôi mươi đã bất chấp nguy hiểm xông pha tải đạn, cứu thương; sát cánh cùng bộ đội, dân quân đánh trả máy bay địch. Họ “tay cày, tay súng”, bám đồng ruộng vừa chiến đấu, vừa sản xuất. Tấm gương tiêu biểu của tập thể 10 cô gái Nam Phú: Nguyễn Thị Xu, Nguyễn Thị Hiệt, Nguyễn Thị Vòng, Nguyễn Thị Hòe, Lê Thị Hớn, Nguyễn Thị Lành, Lê Thị Thẻo, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Thỉ, Đoàn Thị Đỉu “chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi” đã được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người, năm 1966.

Trở lại câu chuyện với bà Hiệt, tâm sự với chúng tôi, bà bảo, người còn sống không gì may mắn bằng. Nên những năm qua, mặc dù tuổi đã cao, sức yếu, bà vẫn đều đặn nhờ con cháu đưa mình đến gia đình những chị em đã từng chiến đấu, hy sinh để thắp nén nhang tưởng nhớ, tri ân họ…

Đôi mắt đỏ hoe, giọng bà Hiệt như lạc đi: “Chị em chúng tôi sống chiến đấu cùng với nhau đến năm 1967, thì Nguyễn Thị Thỉ, lúc đó mới 20 tuổi, trẻ măng, đã hy sinh. Thỉ bị trúng đạn rocket của địch khi đang gánh cơm ra chiến trường tiếp sức cho bộ đội…

Tội nghiệp nó, nó là đứa hiền lành, tốt tính, lại đẹp nhất trong đám mấy chị em. Nó làm Trưởng phân chi hội phụ nữ Nam Phú, ai cũng yêu mến nó!”. Lần tiếp sức đó, ngoài bà Thỉ còn có bà Trần Thị Xiêm, cán bộ phụ nữ thôn Nam Hùng và nhiều người khác ở Vĩnh Nam đã hy sinh, do bom đạn địch.

Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, nhờ vào sự chịu khó, kiên trì học hành của mình, bà Hiệt đã được tín nhiệm cử giữ chức Chủ tịch xã Vĩnh Nam 5 năm liền, năm 1976, bà được tiếp tục cho đi học văn hóa, chính trị, về làm cán bộ kiểm tra Huyện ủy Vĩnh Linh, rồi làm cán bộ Hội Phụ nữ Vĩnh Linh, đến năm 1991, thì về nghỉ hưu tại Nam Phú và sống với hai người con…

Chị Đoàn Thị Nhung chăm sóc bà Nguyễn Thị Xu.

Tiểu đội nữ du kích Nam Phú ngày ấy hiện 7 người còn sống. Ngoài bà Hiệt, còn có nhiều hoàn cảnh éo le, như bà Nguyễn Thị Lành có chồng nhưng do bị nhiễm nặng chất độc bom đạn nên không có con. Hay bà Nguyễn Thị Xu (hiện 90 tuổi), từng có chồng đi bộ đội, ngày cưới do hoàn cảnh chiến tranh mà hai người không có được đêm tân hôn, đến hơn 25 năm sau mới biết được tin chồng đã hy sinh.

Sau này, bà Xu đi bước nữa, cũng là bộ đội, song ông ấy đã chiến đấu, hy sinh ở chiến trường miền Nam khi hai người chưa kịp có con với nhau. Người thân đều mất trong chiến tranh nên bà Xu sống thui thủi một mình hàng chục năm qua. May mắn lúc tuổi già, có người hàng xóm tốt bụng là chị Đoàn Thị Nhung, Phó trạm Y tế xã Vĩnh Nam, xem bà Xu như mẹ ruột, chăm sóc lúc trái gió trở trời, ốm đau phải nằm một chỗ…

Bà Xu vẫn còn lưu giữ được những kỷ vật chiến tranh là những kỷ niệm đẹp đẽ nhất trong cuộc đời, trong số đó có tấm hình 10 cô gái Nam Phú được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người vào năm 1966…

Nhắc về Tiểu đội nữ du kích Nam Phú bên dòng sông Bến Hải giới tuyến lịch sử, chị Phùng Thị Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Nam tự hào chia sẻ: “Noi gương các thế hệ đi trước trên quê hương Vĩnh Nam anh hùng, lớp trẻ chúng tôi đã không ngừng cố gắng học tập, noi theo; nỗ lực làm những việc có ích nhất cho cộng đồng, xã hội để không phụ công ơn to lớn của lớp ông cha mình đã đổ xương máu hy sinh vì nền độc lập, vì sự tự do của đất nước.

Đảng ủy, chính quyền và các đoàn thể xã Vĩnh Nam cũng đã chăm sóc chu đáo những người có công với cách mạng, trường hợp neo đơn không nơi nương tựa như mẹ Xu thì xây dựng nhà tình nghĩa cho mẹ. Đồng thời, phát động phong trào thi đua học tập tấm gương chị Đoàn Thị Nhung về công tác đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, xã hội từ thiện để con người thực sự yêu thương, gắn kết, sống ân tình, tử tế với nhau”…

Tác giả: Phan Thanh Bình

Nguồn: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP