Giáo dục

Những người trẻ được dư luận quan tâm nhất năm 2016

Châu Thanh Vũ, Nguyễn Tiến Thành, Phạm Minh Hòa... là những người trẻ được dư luận quan tâm nhiều nhất năm 2016.

Châu Thanh Vũ – chủ nhân học bổng Tiến sĩ 5 năm của ĐH Harvard
Châu Thanh Vũ, sinh năm 1992 là chủ nhân của rất nhiều học bổng danh giá, trong đó có học bổng Tiến sĩ 5 năm của ĐH Harvard. Ảnh: NVCC

Không chỉ ẵm trọn học bổng tiến sĩ 5 năm trị giá gần 400 ngàn đô la của ĐH Harvard, chàng trai quê Ninh Thuận còn giành được học bổng tiến sĩ toàn phần ở 7 trường đại học danh giá của Mỹ, gồm có: Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), ĐH Princeton, ĐH Stanford, ĐH Chicago, ĐH Yale, ĐH Columbia và ĐH Minnesota.

Vốn mơ ước trở thành một kỹ sư phần mềm ở thung lũng Silicon, chàng trai sinh năm 1992 thay đổi mục tiêu sự nghiệp sau 2 năm theo học Trường Liên kết Thế giới UWC với học bổng toàn phần. Vũ đặt mục tiêu mới là trở thành một nhà kinh tế học để thay đổi cuộc sống của mọi người. Đó là lý do Vũ quyết định chọn ĐH Princeton là điểm dừng chân tiếp theo và đặt mục tiêu săn học bổng Tiến sĩ từ năm thứ 2 đại học.

Vũ bày tỏ mong muốn sau khi lấy bằng Tiến sĩ sẽ kết hợp giữa việc làm giáo sư với tư vấn chính sách cho một tổ chức công. Em cũng dự định quay về Việt Nam sớm nhất có thể vì mục tiêu theo học ngành Kinh tế của em là để hiểu rõ hơn và góp phần giúp kinh tế Việt Nam ổn định.

Trong số rất nhiều bạn trẻ Việt Nam nhận được các suất học bổng giá trị của các trường đại học uy tín trên thế giới, có lẽ Châu Thanh Vũ là một trong số những du học sinh nổi bật nhất và xứng đáng với danh hiệu “chàng trai học bổng”.

Tác giả bài luận gây xôn xao giới học thuật

Nguyễn Tiến Thành - tác giả bài luận về bức họa "Trường học Athens", hiện đang là sinh viên ĐH Duke, Mỹ. Ảnh: NVCC

Nguyễn Tiến Thành – cựu học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam là nhân vật được giới học thuật quan tâm ngay sau khi bài luận phân tích bức bích họa “The School of Athens” của em được tờ The Atlantic đăng tải.

Bài luận này là tác phẩm đạt giải Nhất Cuộc thi Writing Prize do tờ The Atlantic tổ chức thường niên và được đánh giá cao về cả hình thức thể hiện lẫn quan điểm. Được biết, cuộc thi này thu hút hơn 2.000 học sinh từ 44 quốc gia trên thế giới tham dự và hội đồng giám khảo gồm 20 giáo sư chuyên về viết luận và lịch sử nghệ thuật cùng ban giám khảo tới từ College Board và The Atlantic.

Nguyễn Tiến Thành vốn là học sinh chuyên Toán cấp 2, lên cấp 3 em chọn chuyên Anh. Thời điểm bài luận được đăng tải, em cũng vừa nhận được học bổng từ 7 đại học danh tiếng ở Mỹ, gồm: Duke, Johns Hopkins, Amherst, Colgate, Carleton, Macalester và Dickinson.

Thành tích học tập của nam sinh này cũng vô cùng đáng nể: giải Nhất học sinh giỏi Quốc gia môn tiếng Anh năm lớp 11, TOEFL 112/120 điểm vào giữa năm lớp 10, SAT 2380/2400 và SAT 2 đạt điểm tuyệt đối môn Toán và Lý (800/800).

Nữ sinh “nhại” 7 thứ tiếng

Trần Nguyễn Khánh Vy - nữ sinh có khả năng "nhại" 7 thứ tiếng, hiện đang là sinh viên Học viện Ngoại giao. Ảnh: NVCC

Nữ sinh Trần Nguyễn Khánh Vy, cựu học sinh lớp 12, Trường chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) khiến nhiều cư dân mạng thích thú vì khả năng "nhại" nhiều thứ tiếng trong ít phút.

Những ngoại ngữ Khánh Vy thể hiện trong clip gồm: tiếng Thái; tiếng Trung; tiếng Hàn; tiếng Anh; tiếng Ý và tiếng Việt. Clip được quay tại Trường THPT Phan Bội Châu, Nghệ An. Sau đó, clip được đưa lên mạng và được hàng ngàn lượt người chia sẻ.

Ngoài khả năng “nhại” ngoại ngữ, Vy còn có khả năng “nhại” giọng nhiều vùng miền khác nhau. Hiện tại, Khánh Vy đang là sinh viên năm nhất Học viện Ngoại giao.

Nữ sinh tặng hoa Tổng thống Mỹ Barack Obama

Trần Mỹ Linh - nữ sinh tặng hoa Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm Việt Nam. Ảnh: AP

Trần Mỹ Linh - sinh viên ĐH Khoa học, xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội là cô gái tặng hoa Tổng thống Mỹ Barack Obama ngay khi ông bước chân xuống sân bay Nội Bài trong chuyến thăm Việt Nam. Ngay sau khi những hình ảnh cô gái 21 tuổi chào đón Tổng thống Mỹ được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, Mỹ Linh là nhân vật khiến nhiều người tò mò về danh tính.

Không phải ngẫu nhiên Mỹ Linh được chọn là người đại diện cho Việt Nam gửi lời chào tới Tổng thống Mỹ. Trước đó, Mỹ Linh là một sinh viên xuất sắc cả về thành tích học tập lẫn hoạt động ngoại khóa ở trường ĐH Khoa học, xã hội và nhân văn.

Em từng đạt giải Khuyến khích Kỳ thi Olympic tiếng Anh toàn quốc, đoạt giải Đại sứ Tài năng VNU 2015 và tham gia tích cực các hoạt động của trường, lớp. Đặc biệt, khả năng nói tiếng Anh của Mỹ Linh được nhận xét là rất chuẩn, đúng ngữ điệu và không khác gì người nước ngoài.

Con gái chị lao công thành nữ sinh Harvard

Trần Thị Diệu Liên, 19 tuổi - cô gái vượt lên hoàn cảnh để giành học bổng hơn 300 ngàn USD của ĐH Harvard. Ảnh: VietAbroader

Trần Thị Diệu Liên, nữ sinh 19 tuổi, cựu học sinh Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM là một trong những bạn trẻ hiếm hoi nhận học bổng hơn 300 ngàn đô la Mỹ của ĐH Harvard danh giá. Đáng chú ý hơn cả là Liên sinh ra trong một gia đình lao động, bố là thợ làm biển quảng cáo, mẹ là lao công. Gia đình không có tiềm lực tài chính, nên việc học tập ở trường cũng như quá trình chuẩn bị hồ sơ xin học bổng của Liên gần như dựa hoàn toàn vào khả năng tự học và sự nỗ lực của bản thân em.

Cuối cùng, ước mơ du học của Liên đã được trường đại học hàng đầu thế giới ghi nhận và trao cơ hội để biến thành sự thật. Bản thân Liên thừa nhận rằng câu chuyện của em là một minh chứng cho thấy tiềm lực tài chính của gia đình không quyết định việc bạn có thể học được các trường đại học Mỹ hay không. Liên rất mong câu chuyện của mình sẽ truyền động lực, cảm hứng cho những bạn trẻ khác tiếp tục theo đuổi ước mơ và con đường mình đã chọn.

Nữ sinh lớp 8 và bài thơ xuất sắc

Nữ sinh lớp 8 Nguyễn Bích Ngân - tác giả bài thơ "Xin đổi kiếp này". Ảnh: NVCC

Sau khi bài thơ "Xin đổi kiếp này" được đăng tải và lan truyền, tác giả bài thơ - em Nguyễn Bích Ngân, học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Cộng đồng mạng quá đỗi ngạc nhiên khi biết rằng tác giả của những câu thơ vô cùng sâu sắc này lại là một cô bé 14 tuổi.

Chủ đề bài thơ là lời cảnh báo mọi người về vấn nạn ô nhiễm môi trường đang ngày càng đáng báo động. Ngân cho biết, em không hay làm thơ, và chỉ làm thơ khi có cảm xúc. Mặc dù được nhận xét là một cô bé trầm tính và có vẻ già trước tuổi, nhưng Ngân vẫn có những sở thích của một cô bé 14 tuổi: chụp ảnh, vẽ, nghe nhạc Big Bang.

Theo chia sẻ của cô giáo chủ nhiệm, Ngân là một học sinh giỏi Văn của lớp. Giọng văn của em rất cá tính và khác biệt. Bản thân Ngân cho biết em rất bất ngờ khi bài thơ của mình được quan tâm và gửi lời cảm ơn mọi người.

Chàng trai bán hàng rong, dạy học miễn phí

Phạm Minh Hòa - người sáng lập và điều hành tổ chức tình nguyện viên quốc tế Mercury. Ảnh: NVCC

Chàng trai xứ Thanh Phạm Minh Hòa là nhân vật được nhiều người săn đón trong những ngày cuối tháng 11 ngay sau khi bài viết về em được đăng tải.

Xuất thân từ gia đình nhà nông, Hòa lên Hà Nội bán hàng rong cùng bố mẹ từ nhỏ. Học hết phổ thông, Hòa cũng không học qua một trường đại học, cao đẳng nào. Nhưng hiện em là người sáng lập và điều hành một tổ chức tình nguyện viên quốc tế, giúp cho hàng ngàn bạn trẻ Việt Nam được học tiếng Anh miễn phí từ chính những người bản xứ.

Những lớp học tiếng Anh miễn phí do Hòa thành lập có cơ sở ở Hà Nội và đang mở rộng sang các tỉnh thành khác. Các tình nguyện viên quốc tế tới từ các trường đại học, các tổ chức trên khắp thế giới được Hòa đón nhận và tổ chức các hoạt động trải nghiệm, giao lưu văn hóa, trong đó có dạy tiếng Anh miễn phí ở Việt Nam.

Với mạng lưới quan hệ của mình với các trường đại học cộng với những giá trị mà em mang lại cho cộng đồng, Hòa được một số trường đại học nước ngoài đồng ý cấp học bổng, tuy nhiên em chưa thực sự hứng thú với những lời đề nghị này, vì vẫn còn rất nhiều trăn trở và nhiệt huyết với công việc hiện tại.

Nữ sinh 2.000 USD thổi bùng tranh cãi

Phạm Thị Thanh - nữ sinh Học viện Kỹ thuật mật mã, người đặt câu hỏi gây tranh cãi. Ảnh: Nguyễn Thảo

Câu hỏi "phải học tập và làm việc như thế nào để có lương khởi điểm 2.000 USD/ tháng?" của nữ sinh Phạm Thị Thanh trong một buổi tọa đàm đã khiến cộng đồng mạng bùng nổ tranh cãi.

Nhiều người cho rằng ước mơ của nữ sinh này quá viển vông, thiếu thực tế trong khi sinh viên mới ra trường, thiếu đủ các kỹ năng thì lương 200 USD có khi còn chưa chắc xin được. Tuy nhiên, một bộ phận khác cho rằng thực tế cho thấy vẫn có những sinh viên xuất sắc ra trường đã được các doanh nghiệp lớn, thậm chí là doanh nghiệp nước ngoài săn đón và mức lương 2.000 USD không phải là không thể. Và hơn bao giờ hết chúng ta đang cần những người trẻ dám mơ ước, dám đặt mục tiêu lớn để nỗ lực hướng tới.

Chia sẻ sau đó, Phạm Thị Thanh cho biết không phải em "đòi" mức lương 2.000 USD, mà em đang muốn hỏi nhà tuyển dụng cần ở người trẻ những kỹ năng gì để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp khi doanh nghiệp luôn nói họ phải đào tạo lại sinh viên mới ra trường.

Cậu bé Google Phan Đăng Nhật Minh

Phan Đăng Nhật Minh được đặt biệt danh là "cậu bé Google" cách đây 2 năm khi em tham gia chương trình truyền hình "Chinh phục". Những gì nam sinh người Quảng Trị thể hiện trong mùa thi "Đường lên đỉnh Olympia" năm nay càng minh chứng cho điều này.

Nhật Minh liên tiếp phá vỡ các kỷ lục trước đó. Nam sinh còn khiến khán giả vô cùng thán phục trước khả năng trả lời rất nhanh ngay sau khi đọc câu hỏi xong.

Giáo viên chủ nhiệm của Nhật Minh cho biết em là một học sinh giỏi đều các môn tự nhiên và xã hội, đặc biệt là 2 môn Toán và Hóa. Chàng trai này cũng nằm trong đội tuyển thi học sinh giỏi Toán của tỉnh.

Sở hữu thành tích học tập đáng nể nhưng theo Nhật Minh chia sẻ, em dành rất ít thời gian học bài sau giờ học trên lớp. Thời gian rảnh rỗi em nghe nhạc, đọc sách khoa học và lên mạng tìm hiểu kiến thức xã hội.

Đưa cầu truyền hình của "Đường lên đỉnh Olympia" về Trường THPT Hải Lăng là ước mơ từ nhỏ của em.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thảo

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP