Rất nhiều người dân được cứu sống nhưng họ không hề biết ai đã cứu mình, bởi khi được cứu, họ đang trong trạng thái tột cùng sợ hãi và được cứu trong đêm tối, giữa mênh mông nước lũ. Chúng tôi đã đi, đã tìm và đã gặp những người dũng cảm đạp sóng, vượt lũ để cứu dân, họ rất ít nói về mình và chúng tôi gọi họ là những anh hùng thầm lặng.
Cán bộ, chiến sĩ Công an đạp sóng, vượt lũ cứu xe khách cùng 18 hành khách bị nước lũ cuốn trôi. |
Đưa thuyền biển vào tâm lũ cứu hộ
Theo con đường làng đầy cát chúng tôi về thăm nhiều nhà ngư dân ở xã Hải Ninh, những người đã cõng trên lưng những con thuyền nan đi biển để vào vùng tâm lũ cứu dân. Trên vai của nhiều ngư dân nơi đây vẫn còn nhiều vết bầm tím và sẹo vì gánh thuyền hôm lũ. Khi nói về việc lao vào hiểm nguy trong lũ dữ để cứu bà con, nhiều ngư dân trả lời nhẹ tênh: “Biết bà con nguy cấp, không vô sao đành. Lúc đó có nghĩ chi đến kiêng cự, nguy hiểm, chỉ nghĩ đến rốn lũ được sớm từng mô hay từng nớ để cứu dân...”.
Nhớ lại đêm đại hồng thủy nước dâng cao, chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, nhiều vùng của huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, thị xã Ba Đồn... chìm sâu trong mênh mông biển lũ. Hàng ngàn người dân phải đu vào ngọn cây, dỡ ngói để leo lên nóc nhà tránh lũ. Trong đêm tối, nước lũ mênh mông, người dân chỉ biết cầu cứu bằng cách gọi điện thoại, lên mạng xã hội kêu gọi cứu nạn.
Ngay trong đêm tối, cả Quảng Bình như vỡ trận vì nước lũ. Người dân nhiều nơi kêu cứu, chính quyền các địa phương đã phải huy động tổng lực để cứu dân trong đêm. Tuy nhiên, công tác ứng cứu gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến xấu, mưa to, gió lớn, nước ngập sâu và chảy xiết. Hệ thống điện lưới, thông tin liên lạc tại nhiều địa phương đã bị mất, việc cứu hộ, cứu nạn, di chuyển hàng vạn người dân hết sức khó khăn...
Hải Ninh là xã vùng biển của huyện Quảng Ninh, Ngư Thủy Bắc là xã ven biển của huyện Lệ Thủy, người dân những nơi này chủ yếu làm nghề đi biển. Khi lên mạng, biết bà con vùng lũ Tân Ninh, Duy Ninh, Hàm Ninh, Hiền Ninh, Hồng Thủy, Thanh Thủy... đang vật lộn với dòng nước lũ. Nhiều ngư dân tập hợp lại, bàn với nhau đưa thuyền biển vào làng để cứu người dân.
Lúc đầu có một vài người không đồng ý vì ngư dân luôn xem thuyền đi biển là tài sản lớn nhất của cuộc đời. Đưa thuyền vào vùng lũ đi trên những cánh đồng nhiều cột điện, nhiều cây cối, ngư dân không quen địa hình nên thuyền rất dễ bị cây cối đâm vào gây hư hỏng. Mặt khác, thuyền của ngư dân thường hay kiêng cữ như không cho đàn bà, con gái lên thuyền, giờ đi cứu người trong lũ lại chủ yếu là trẻ em, phụ nữ, nhiều người đang gần đến ngày sinh nở, ốm đau...
Nhưng rồi ngư dân đều tặc lưỡi, gạt bỏ những suy tính đời thường, hàng trăm ngư dân xã Hải Ninh đã hùn sức lại cõng những con thuyền biển, vượt những trảng cát dài vào vùng tâm lũ cứu bà con. Vừa cứu người vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, vừa tiếp tế lương thực cho người dân trong lũ. Nhiều ngư dân suốt nhiều ngày liền lênh đênh trên vùng lũ để thực hiện sứ mệnh yêu thương. Với tính cách gan dạ của một đời bám biển, họ không quản nguy hiểm đến những vùng nước lũ chảy xiết như ở xã Tân Ninh hay xã Hồng Thủy để cứu bao người thoát khỏi bàn tay chực chờ của tử thần lũ lụt.
Ông Lê Văn Quyết - Chủ tịch xã An Thủy, huyện Lệ Thủy cùng đội cứu hộ đến từng nhà dân đưa bà con vượt lũ đến nơi an toàn. |
Với những chiếc thuyền nan của mình, ngư dân xã Hải Ninh đã chống chọi với lũ dữ đi ứng cứu, di chuyển được hơn 5.000 người dân các xã vùng rốn lũ ở Tân Ninh, Hàm Ninh, Võ Ninh, Duy Ninh thuộc huyện Quảng Ninh ra khỏi vùng nguy hiểm, đến các địa điểm tạm trú an toàn.
Nhiều ngày liền có mặt những nơi nguy hiểm của lũ để giúp dân, ngư dân Nguyễn Văn Cương tâm sự: Anh em đi biển quen rồi, sóng to, gió lớn cũng không sợ bằng việc đưa thuyền vô vùng lũ lụt, vì nước chảy xiết, đường sá bê tông, nhiều cọc tiêu bị nước lũ che lấp, không cẩn thận chạy thuyền vào những nơi đó là như rơi vào bẫy, thuyền bị nước và cọc đâm thủng, không chìm thì cũng hư hỏng. Chiếc thuyền là cần câu cơm để cả gia đình tựa vào nó mà đi biển kiếm sống, vì vậy khi đang chạy, thỉnh thoảng nghe thuyền đâm mạnh vào vật gì bên dưới dòng nước lũ, anh em cũng xót xa, lo lắng. Nhưng rồi, khi đưa được bà con lên thuyền, thấy nhiều trẻ em, người già đang hoang mang cực độ chuyển sang vui vẻ, anh em ngư dân cũng thấy vui lây, lại đi, lại đạp sóng, vượt lũ đến với bà con.
Trong đợt lũ lụt vừa qua, 123 chủ thuyền ở 2 xã Ngư Thủy và Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy) đã cứu hàng ngàn người dân trong lũ dữ. Đồng thời, nhiều ngư dân đã bám trụ nhiều ngày trời ở các điểm tâm lũ ngập sâu, kéo dài để vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm đến cho người dân vùng lũ. Nhờ đội thuyền của ngư dân tiếp tế nên nhiều người dân ở vùng rốn lũ Cam Thủy, Phong Thủy, An Thủy, Dương Thủy, Mỹ Thủy... mặc dù bị lũ lụt bủa vây nhưng bà con đã không bị rơi vào cảnh đói khát.
Ông Đặng Đại Tình - Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết; với hàng chục chiếc thuyền nan, bà con ngư dân vùng biển cùng hàng chục con người đã kịp thời phối hợp với lực lượng chức năng bám sát tâm lũ liên tục cứu người trong mưa lũ. Đó là tình cảm yêu thương chân tình của ngư dân khi nghe, khi biết bà con trên quê hương mình đang gặp nạn lũ lụt nguy hiểm. Lãnh đạo chính quyền địa phương và người dân vùng lũ rất cảm động, khâm phục hành động kịp thời của ngư dân vùng biển...
Đạp sóng, vượt lũ cứu người
Nhiều ngày qua, người dân vùng cát Quảng Bình vẫn thường nhắc tới ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã An Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình. Một mình ông Quyết đã ứng cứu cả trăm người khi nước lũ vây quanh. Đêm khuya, nước lũ lên bất ngờ, một lúc một dâng cao. Nhiều người dân trên địa bàn hoảng hốt, kêu cứu.
Chủ tịch UBND xã Lê Văn Quýt quyết định chèo thuyền về các điểm nguy hiểm để cứu dân. Chiếc thuyền nhỏ của ông len lỏi giữa biển nước lũ mênh mông. Nhiều điểm ông chèo thuyền đến nhưng dây điện chằng chịt không thể tiếp cận nhà dân, ông đã bỏ thuyền bơi trong nước lũ để dìu người dân ra thuyền vượt khỏi nơi nguy hiểm. Trong màn đêm đen kịt, nhờ sự dũng cảm của mình, Chủ tịch UBND xã Lê Văn Quyết chỉ với chiếc đèn pin đội trên đầu, đã bơi vào các gia đình ở vùng rốn lũ thôn Phú Thọ, Tân Lễ... bên bờ sông Kiến Giang đưa được hơn 100 người đến nơi an toàn.
Hơn một tuần sau khi lũ đã rút, bà Lê Thị Minh ở thôn Phú Thọ giọng vẫn run lên vì sợ hãi khi nói đến lũ lụt “nước không biết ở mô đổ về, chỉ mấy tiếng đã ngập chìm tất cả, may có ông Quyết đến kịp thời cứu giúp, chứ không nhà tôi giờ không biết ra sao nữa”. Được biết, chiều 18-10, khi gia đình bà Minh ăn cơm tối thì nước mới mấp mé ở ngoài sân. Gia đình xem xong chương trình thời sự 19 giờ của Đài Truyền hình Việt Nam thì nước đã tràn vào nhà.
Gia đình bà bắc thang leo lên gác xép để tránh lũ và chỉ vài tiếng sau nước lũ đã dâng cao 2m. Cả nhà bắt đầu hoảng loạn và cầu trời nước lũ thôi dâng cao, bởi với tốc độ nước lên nhanh thì cả ngôi nhà ngập chìm trong lũ, gia đình không biết làm sao. Khi gia đình bà Minh đang hoang mang, tuyệt vọng thì may ông Lê Văn Quyết đến kịp thời, ông đã bơi vào đưa từng người ra thuyền rồi chở lên Trường Tiểu học An Thủy sơ tán an toàn...
Mấy ngày gần đây, không chỉ người trong thôn, trong xã mà nhiều người từ nơi khác cũng muốn tìm đến thắp cho ông Hoàng Thái Nhân (61 tuổi, trú tại thôn Đồng Tư, xã Hiền Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) một nén nhang. Ai cũng cảm thương người làm cán bộ Mặt trận của thôn lăn lộn trong lũ dữ để ứng cứu giúp dân, tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm cho bà con và sau nhiều ngày dầm mình trong nước bạc, để rồi khi lũ vừa rút, ông cũng đổ bệnh và mất.
Theo người dân địa phương, khi nước lũ dâng cao, nhiều nhà dân trong thôn ngập sâu trong lũ lụt, ông Nhân đã không quản ngại đêm hôm nguy hiểm, lăn lộn với lực lượng chức năng để cứu hộ, cứu trợ nhiều nhà dân, đưa nhiều bà con trong thôn vượt lũ đến nơi an toàn.
Sau khi nước lũ vừa rút, ông Hoàng Thái Nhân lại cùng cán bộ thôn, xóm tiếp đón, nhận quà các nhà hảo tâm đưa đến giúp đỡ bà con. Ngày 23-10, sau khi cùng con trai đi phát quà từ thiện cho các hộ gia đình bị ngập nặng trong thôn, khi về đến nhà, ông kêu mệt, muốn nằm nghỉ ngơi một lát. Một lúc sau, người nhà lại đánh thức ông dậy để ăn cơm thì ông đã mất lúc nào không hay...
Trong cơn đại hồng thủy vừa qua ở Quảng Bình, hàng ngàn chiến sĩ công an đã đạp sóng, vượt lũ để cứu hộ, cứu nạn hàng vạn người dân thoát khỏi sự nguy hiểm của lũ dữ. Song, sự gan dạ, dũng cảm đầy mưu trí của những cán bộ, chiến sĩ công an ứng cứu xe khách bị nước lũ cuốn trôi, cứu thành công 18 hành khách giữa đêm khuya, trong mênh mông nước lũ luôn được người dân vùng cát kể cho nhau nghe đầy cảm phục.
Giữa mênh mông nước lũ ở khu vực ngầm Khe Gát, thuộc thị trấn nông trường Việt-Trung, huyện Bố Trạch, chiếc xe ô tô khách mang biển số 43B-024.54 của Công ty TNHH Du lịch Quảng Hà có địa chỉ tại 12 Nguyễn Thị Xuân, thành phố Đà Nẵng, do Phạm Quốc Cường (sinh năm 1985, trú tại Hà Tĩnh) điều khiển bị nước lũ cuốn trôi ra khỏi đường hơn 30m. Trên ô tô khách có 18 người, trong đó có 5 phụ nữ và 1 trẻ em không ngớt la hét, sợ hãi cầu cứu khi nước lũ đã ngập gần nửa xe.
Trời mưa xối xả, nước lũ vẫn tiếp tục lên nhanh, chảy xiết, chiếc xe đang có dấu hiệu sẽ trôi ra xa vô cùng nguy hiểm. Nhiều người nhìn theo chiếc xe tỏ ra thực sự hoang mang, lo lắng. Trong đêm tối, lại mênh mông nước lũ, những cán bộ, chiến sĩ công an ngụp lặn trong dòng nước xiết, đu theo dây để đưa hành khách vào bờ làm hàng trăm người dân đứng xem rơi nước mắt, rồi vỡ òa trong sung sướng khi cháu bé Đinh Hà Anh (2 tuổi) được một chiến sĩ ôm chặt trong lòng, dìu theo sợi dây trong dòng nước xiết đưa vào bờ an toàn.
Nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an Quảng Bình không quản nguy hiểm đã thay nhau đu mình vào dây, vượt cả gần trăm mét nước lũ ra nơi xe gặp nạn, đu theo từng ô cửa xe để đưa hành khách ra. Tổ công tác vượt lũ, tổ công tác lo ánh sáng, thiết bị cứu nạn, tổ đưa hành khách đến nơi an toàn để thăm khám, nghỉ ngơi... đều rất gấp rút, chạy đua với thời gian, chạy đua với nước lũ và 18 hành khách đều được cứu an toàn thoát khỏi dòng lũ lụt hung dữ...
Tác giả: Dương Sông Lam
Nguồn tin: antgct.cand.com.vn