Năm mẹ con chị Miệp trong căn phòng trọ nhỏ |
Người mẹ đơn thân đó là chị Thị Miệp (người S'Tiêng), ở tận xã biên giới của tỉnh Bình Phước, đã cùng các con đến Đà Nẵng và được những người dân tốt bụng ở đây cưu mang.
Những người dưng tốt bụng
Chị Đ. (Đà Nẵng) chia sẻ khi biết hoàn cảnh chị Miệp quá tội nên chị đã giúp chút thức ăn, đồ dùng, giới thiệu chỗ rửa chén bát thuê...
Khi biết năm mẹ con không có giấy tờ tùy thân, chị Miệp mù chữ, sức khỏe "có vấn đề" nên chị Đ. trăn trở lắm. "Không có giấy tờ, con cái cũng không, nên năm mẹ con như người vô danh vậy", chị Đ. tâm sự.
Những băn khoăn đó, chị Đ. đã chia sẻ với vợ chồng luật sư Châu Việt Vương - Mai Quốc Việt (Đoàn luật sư Đà Nẵng) để cùng chung tay.
Gia đình chị Đ. đã dang rộng vòng tay để chị Miệp nhập khẩu vào nhà mình, từ đó có cơ sở giúp chị làm căn cước công dân. Còn vợ chồng luật sư Vương viết các giấy tờ liên quan, chở chị Miệp đi làm căn cước công dân.
Sau khi chị Miệp có căn cước công dân, vợ chồng luật sư Việt lại ra phường làm giấy khai sinh cho tụi nhỏ. Nhưng chỉ có hai cháu bé làm được. Hai cháu còn lại do không có giấy chứng sinh hoặc giấy chứng sinh sai tên mẹ nên bị vướng.
Anh Việt được hướng dẫn là phải quay về Bình Phước để làm thủ tục cấp lại đúng thông tin... "Tình trạng năm mẹ con như vậy nên việc đi về quê gần như bất khả thi", luật sư Việt cho biết và anh đã viết đơn gửi cơ quan chức năng để đề nghị có hướng dẫn làm giấy khai sinh cho hai cháu bé.
Vợ chồng luật sư Việt cũng làm văn bản gửi vào quê chị Miệp để xác minh giấy khai sinh của các bé.
Suốt gần 1 năm qua, vợ chồng luật sư Việt tìm cách giúp đỡ cho người mẹ đơn thân và bốn đứa trẻ. Hôm nhận được hướng dẫn của Sở Tư pháp Đà Nẵng, vợ chồng anh Việt chở nhau bằng xe máy xuống phòng trọ để báo tin mừng và hẹn chị Miệp ra phường. Sáng 15-6, vợ chồng anh Việt đã đưa chị Miệp ra phường thực hiện các thủ tục cuối cùng để cấp giấy khai sinh cho các bé.
Ông Đinh Hữu Phúc, chủ tịch UBND phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), cho biết đã hoàn thiện thủ tục cấp giấy khai sinh cho các con chị Miệp và đang chờ bộ cấp mã định danh là ký giấy khai sinh. Còn ông Nguyễn Hà Bắc, bí thư Quận ủy Liên Chiểu, cũng khẳng định: "Chắc chắn các cháu sẽ được đi học".
Vợ chồng anh Việt tự nguyện làm chứng để làm giấy khai sinh cho các cháu bé - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG |
Nhiệt tình với người yếu thế
Chúng tôi đến văn phòng làm việc khi mà luật sư Vương đang xem xét các giấy tờ liên quan mẹ con chị Miệp. "Sức khỏe của chị Miệp như vậy nên chúng tôi phải tạm thời bảo quản các giấy tờ của mẹ con chị ấy", luật sư Vương cho biết.
Còn luật sư Việt và luật sư Mai Duy Phước đang tất bật hồ sơ trợ giúp miễn phí cho hai đứa trẻ trong một vụ kiện.
"Hai bạn này hoàn cảnh rất tội. Cha vừa mất, mẹ đã lập gia đình mới. Tài sản là ngôi nhà thì bị người thân chiếm giữ, cầm cố và nợ ngân hàng. Chúng tôi cố gắng hết sức để giúp các em giành lại quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình", luật sư Phước cho hay.
Ngơi tay, cả luật sư Việt và Phước chia sẻ có những người tìm đến với văn phòng luật sư của các anh trong tình cảnh quá đáng thương.
Nhấp ngụm nước, luật sư Việt nhớ lại trường hợp ông A. mà hai luật sư Việt - Phước đã trợ giúp miễn phí trong ngót 1 năm. Bấy giờ, ông A. là nhân viên của một ngân hàng. Chỉ vì giúp người anh họ nên đã cùng mượn một số tiền. Nhưng người vay tiền sau đó cao chạy xa bay, ông A. và anh họ bị chủ nợ tố cáo. Dù không chiếm đoạt một đồng nào nhưng ông A. đã phải bán một lô đất để khắc phục hậu quả.
"Cha ông A. bị tai biến. Vợ mới sinh con nhỏ. Vợ chồng có ba con nhưng một cháu bị chậm phát triển. Ông A. là lao động chính nhưng từ ngày vướng vào vụ việc nên phải nghỉ việc. Cả gia đình chông chênh", luật sư Việt nhớ lại.
Khi tòa phán quyết cho ông A. được hưởng án treo, luật sư Việt và luật sư Phước vẫn nhớ mãi hình ảnh của thân chủ mình với những giọt nước mắt giàn giụa trên khuôn mặt của một người đàn ông.
Chia sẻ về vợ chồng luật sư Việt, luật sư Lê Cao - giám đốc Công ty luật FDVN, Đoàn luật sư TP Đà Nẵng - cũng cho biết: "Vợ chồng Việt luôn rất nhiệt tình hỗ trợ những thân phận yếu thế. Họ là những luật sư đã thể hiện được sứ mệnh của nghề nghiệp".
Chỉ cần 4 đứa con được đi học Một bên mắt đã bị hư, cuộc sống lam lũ đã khiến chị Miệp già dặn hơn cái tuổi 36 của mình. Cuộc sống gia đình không hạnh phúc, chị Miệp bồng bế, dẫn tụi nhỏ ra Đà Nẵng kiếm sống. Những ngày đầu cực khổ vô cùng vì đất lạ, người lạ và nhất là không có giấy tờ tùy thân, không ai nhận làm việc. Giữa những chông gai ấy, năm mẹ con chị Miệp đã được những người dưng cưu mang. Tôi hỏi, chị ước mơ gì, chị Miệp nói: "Không ước chi, chỉ cần bốn đứa con được đi học. Tui còn khỏe là còn đi mần được". |
Tác giả: ĐOÀN CƯỜNG
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ