Du lịch

Những ngọn lửa vĩnh cửu ở châu Á

Ngọn lửa cháy mãi từ năm này qua năm khác đã trở thành biểu tượng cho cánh cổng dẫn vào địa ngục, cả trong truyền thuyết và những bộ phim Hollywood.


“Cổng địa ngục” ở Derweze, Turkmenistan: Hố lửa khổng lồ này nằm ở sa mạc Karakum, trung tâm Turkmenistan. Hố xuất hiện từ năm 1971 khi các nhà địa chất người Nga khoan giếng dầu thử nghiệm ở vùng này. Giàn khoan đột ngột sụp xuống, toàn bộ dụng cụ bị một hố sâu 70 m nuốt chửng. Họ quyết định đốt cháy lượng dầu tràn ra để tránh nổ. Ngọn lửa vẫn duy trì từ đó tới giờ. Ảnh: Nydailynews.


“Cổng địa ngục” nằm trong một ngôi làng nhỏ với dân số chỉ khoảng 350 người. Muốn tới đây, du khách phải vượt qua khoảng cách 260 km không một bóng người. Ảnh: Dangerouspowerofnature.


‘’Hỏa sơn” ở Yanar Dag, Azerbaijan: Tương truyền, Yanar Dag (nghĩa là “Hỏa sơn”) là một ngọn núi với khí gas liên tục phun ra từ mặt đất và đã bị một người chăn cừu vô tình đốt cháy vào khoảng năm 1950. Ngày nay, lửa trên núi có lúc bốc cao tới 3 m. Du khách có thể nhìn thấy nơi này từ thủ đô Baku. Ảnh: Odditycentral.


Người dân địa phương thường tắm ở các suối nước nóng trên sườn đồi. Ánh sáng kỳ bí vào buổi đêm khiến nơi đây thu hút nhiều tín đồ Bái hỏa giáo tới làm lễ. Ảnh: Roughguides.


“Hỏa thạch” ở Yanartaş, Thổ Nhĩ Kỳ: Ngay ngoài khu nghỉ dưỡng Antalya, thung lũng Olympos, các kẽ hở trên ngọn núi hiểm trở phun ra lửa. Buổi tối là thời điểm lý tưởng nhất để ngắm nhìn ánh sáng bập bùng từ các hố nhỏ rải rác khắp núi. Ảnh: Roughguides.


“Lửa tận thế” ở Baba Gurgur, Iraq: Hố lửa này đã cháy liên tục hàng nghìn năm qua, và được cho là hỏa ngục trong kinh Cựu ước. Phụ nữ thường tới đây để cầu mong ngọn lửa cho họ sinh con trai. Du khách có thể tới thăm thành phố Kirkuk gần đó, với di tích của thành cố 5.000 năm tuổi.


Đền Ateshgah, Baku, Azerbaijan: Cách trung tâm Baku một khoảng không xa, ngôi đền đá được xây từ thế kỷ 17 có một ngọn lửa cháy gần như liên tục từ thời đó tới giờ. Ảnh: Airportbaku.


Ngọn lửa từng được tiếp nhiên liệu bởi một túi khí gas tự nhiên ngay dưới ngôi đền. Tuy nhiên, sau khi khu vực này bị đào bới để tìm dầu mỏ, ngọn lửa đã tắt vào năm 1969. Từ đó tới nay, khí gas công nghiệp được sử dụng thay thế. Ảnh: Lifeinbaku.

Tác giả bài viết: Hoàng Linh

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP