Cuộc sống

Những mùa trăng xưa

Những mùa trăng xưa đã xa, vạn vật đã đổi thay, không còn đêm rước đèn của lũ trẻ con chân đất nơi thôn nghèo, nhưng với tôi trung thu vẫn mãi là ngày Tết.

Mấy đứa bạn cười chọc quê khi tôi kể 13,14 tuổi mới nếm vị bánh trung thu và vào cấp 3 mới tận mắt xem múa lân lần đầu. Tôi sinh ra ở một làng quê nghèo miền Trung, nơi cách đây gần hai mươi năm, bánh trung thu là một thứ xa xỉ và múa lân chỉ có ở trên TV, cùng lắm trên tỉnh, trên huyện. Một đoàn múa lân hoành tráng về làng biểu diễn là ước mơ của trẻ con quê tôi hồi đó.

Tôi cũng chẳng xấu hổ, chỉ thấy cái sự quê kiểng của mình thật ngộ. Ngộ vì lần đầu ăn bánh trung thu ở nhà bác tôi trên thành phố, tôi đã không quá sung sướng như vẫn hằng tưởng tượng. Mình tôi ăn chiếc bánh thập cẩm to, nhân đầy đặn mà vẫn thấy thiếu. Thiếu cảnh các em tôi giành bánh với tôi, thiếu ba tôi đằng hắng nạt mấy chị em phải chia sẻ cùng nhau và mẹ tôi ân cần nhắc mời ông bà trước.

Ngộ vì lần đầu xem cảnh múa lân tưng bừng, hoành tráng, lòng tôi đã không rộn ràng mà mắt lại cay xè. Đó là năm đầu tiên tôi trọ học xa nhà. Trung thu đứng giữa dòng người nhộn nhịp, ồn ã tiếng reo hò, bất chợt tôi nhớ nhà vô cùng. Những âm thanh giản dị ùa về - tiếng hát đồng dao về ánh trăng rằm, tiếng loa phát thanh thông báo ra nhà văn hoá để nhận quà trung thu, tiếng lũ trẻ í ới giục nhau ăn cơm xong còn đi rước đèn. Ngần ấy âm thanh cũng đủ xao động buổi chạng vạng trăng tròn đang dần nhú.

Đêm buông xuống hẳn, trăng lên cao, vằng vặc, long lanh sáng tỏ những hiên nhà, những ngõ xóm. Tôi nhớ trung thu năm nào, dù bận rộn đến đâu, ba mẹ cũng đưa ba chị em tôi đi rước đèn. Trước trung thu cả tuần, mẹ đã sắm cho mỗi đứa một chiếc đèn ông sao. Năm nào sang thì có thêm mặt nạ Tôn Ngộ Không, Thuỷ Thủ Mặt Trăng hay chiếc trống ếch. Những món quà giản dị mà sao ngày ấy chúng tôi háo hức, trân quý như một gia tài nhỏ, đi ra đi vào ngắm mà không dám chơi, cứ đợi đến đêm rằm tháng Tám mới đem ra dùng cho mới nguyên. Cầm đèn, trống trên tay và khoái chi đeo mặt nạ vào, chúng tôi theo ba mẹ ra nhà văn hóa thôn nơi đã chộn rộn tiếng nói cười, hát hò của không chỉ trẻ em mà còn người già, người trẻ.

Đêm hội bắt đầu bằng bài phát biểu năm nào cũng giống nhau của bác trưởng thôn, rồi các tiết mục văn nghệ của các anh chị đoàn viên. Trẻ con sau đó xếp hàng đợi được tặng quà trung thu. Quà chỉ đơn sơ vài chiếc kẹo, dăm ba cái bánh quy, một quả chuối, mấy hộp thạch rau câu, vậy mà chúng tôi vui lắm, đứa không thích kẹo thì đem đổi lấy bánh, lấy thạch, có đứa cứ khăng khăng đổi hết lấy chuối để đem về cho cụ nó, người đã sún gần hết răng chỉ có thể nhóp nhép nhai thứ quả này.

Phần hấp dẫn nhất của lễ hội là khi mọi người kéo nhau đi rước đèn, đoàn rước đèn đi từ đầu đến cuối thôn, vừa đi vừa hát vè, đọc thơ, vui đáo để. Ba sẽ thắp lên ngọn nến trong đèn ông sao, chúng tôi phải cố đi cho thật khéo để vừa theo kịp đoàn người, vừa giữ cho ngọn nến không tắt. Chao ôi một nghi lễ đặc biệt của trẻ thơ. Sau này lớn lên tôi chưa từng gặp thứ áp lực nào ngây ngô, ngọt ngào đến thế. Chân chúng tôi cứ líu ríu lại, miệng không thể ngừng cười toe toét và tim thì đập rộn rã. Vào khoảnh khắc đó, tôi thấy ba mẹ dường như cũng trẻ lại, những nếp nhắn dãn ra. Dường như ai cũng quên hết muộn phiền, chỉ còn ánh trăng, ngọn đèn và tiếng cười con trẻ.

Những mùa trăng xưa đã xa, vạn vật đã đổi thay, không còn đêm rước đèn của lũ trẻ con chân đất nơi thôn nghèo, nhưng với tôi trung thu vẫn mãi là ngày Tết. Càng xa rời thơ ấu, tôi càng hiểu Tết trung thu đặc biệt đến vậy là vì ý nghĩa chia sẻ, sum vầy. Bạn bè quây quần “phá” bữa cỗ đơn sơ; gia đình cùng nhau đi rước đèn. Trung thu hiện đại không có nghĩa là không còn thiêng liêng, đặc biệt. Chỉ cần được bên nhau, chỉ cần chiếc bánh nhỏ bên tách trà mạn, và người với người còn sẻ chia những tâm sự, trung thu vẫn luôn là Tết đoàn viên.

Tác giả: Bình Tâm

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP