Du lịch

Những lễ hội dịp Tết ở miền Trung - Nam bộ không nên bỏ lỡ

Những ngày đầu xuân, dải đất miền Trung và vùng Nam bộ diễn ra rất nhiều lễ hội đặc sắc, mang không khí vui tươi.

1. Lễ hội làng Sình (Huế)
Lại Ân còn gọi là làng Sình, nằm bên hữu ngạn sông Hương, ở hạ lưu ngã ba Sình, trước thuộc huyện Tư Vinh hay tổng Mậu Tài, nay là xã Phú Mẫu huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Hội vật làng Sình diễn ra vào ngày 9 - 10 tháng Giêng. Ngoài yếu tố tâm linh truyền thống, lễ hội còn là một hoạt động vui, khoẻ đầy tinh thần thượng võ, kích thích việc rèn luyện sức khoẻ, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí, nhất là với lớp trai trẻ - Ảnh: Internet

2. Lễ hội Đền Vua Mai (Nghệ An)
Ảnh: Internet
Những ngày đầu xuân (từ mùng 3 đến mùng 5 Tết), du khách thập phương lại về Nam Đàn tham dự lễ hội đền Vua Mai - lễ hội tổ chức thường niên nhằm tưởng nhớ Vua Mai Hắc Đế tên thật là Mai Thúc Loan, sinh ra và lớn lên tại xã Đông Liệt, nay là xã Nam Thái (huyện Nam Đàn, Nghệ An).

3. Lễ hội Đống Đa - Tây Sơn, Bình Định
Ảnh: Internet
Đây là dịp tưởng nhớ công tích lẫy lừng của các thủ lĩnh phong trào Tây Sơn, đặc biệt là người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ và kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa. Lễ hội diễn ra từ mùng 4 đến mùng 5 tháng Giêng âm lịch, tại Bảo tàng Quang Trung, thị trấn Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định.

4. Lễ hội Đền Bà Đen, Tây Ninh
Ảnh: Internet
Lễ hội Đền Bà Đen diễn ra từ ngày mùng 10 đến rằm tháng Giêng hàng năm với hàng trăm ngàn du khách các tỉnh đều đến đây đi lễ, xin phước lành bà Linh Sơn Thánh Mẫu . Lễ hội Đền Bà Đen hay còn gọi là lễ hội đền Linh Sơn Thánh Mẫu, đền nằm trên lưng chừng núi cao khoảng 380m. Đền đến nay đã được trùng tu nhiều lần với con đường bậc thang cho người đi bộ từ chân núi đi lên.

5. Lễ hội miếu Bà chúa xứ núi Sam, An Giang

Đây được xem là lễ hội lớn nhất trong những lễ hội sau Tết ở miền Nam, diễn ra từ ngày 23 đến ngày 27/4 Âm lịch tại thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Phần lễ gồm 5 nghi lễ truyền thống là lễ tắm bà, lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về miếu bà, lễ túc yết, lễ xây chầu và lễ chánh tế.

Ngoài phần lễ, nơi đây còn diễn ra nhiều hoạt động văn nghệ hấp dẫn như biểu diễn lân sư rồng, hát bội, nghệ thuật dân ca Khmer để phục vụ người dân nơi đây và du khách thập phương.

Lễ hội truyền thống miếu bà chúa xứ núi Sam đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh: Internet

6. Lễ hội miếu Bà Thiên Hậu, Bình Dương

Theo tín ngưỡng của người Hoa, bà Thiên Hậu là một vị thần phò trợ cho họ trong những chuyến đi dài trên biển, tiếp đến là che chở cho họ ở những vùng đất mới. Tương truyền bà là người có thật, tên gọi Lâm Mị Châu người Phúc Kiến, đời Tống với những biệt tài rất đặc biệt từ lúc còn nhỏ như nghe và nhìn thấy một sự vật cách xa hàng vạn dặm.

Đây được xem là lễ hội Bà lớn nhất trong số các lễ hội sau Tết ở miền Nam, diễn ra vào ngày rằm tháng Giêng Âm lịch - Ảnh: Internet

Điểm nhấn của ngày chính lễ là nghi thức rước kiệu bà đi một vòng quanh thành phố. Sau đó, mọi người có thể vào viếng Bà, thắp nén hương thơm để tưởng nhớ tới công đức của Bà.

7. Lễ hội Dinh Cô, Bà Rịa - Vũng Tàu

Lễ hội Dinh Cô diễn ra từ ngày 10 tới ngày 12/2 Âm lịch tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nơi đây thờ bà Lê Thị Hồng Thủy - sau khi chết xác trôi dạt vào bờ được người dân chôn cất cô và lập miếu thờ trên đồi cao.

Từ ngày có miếu thờ, người dân nơi đây có cảm giác như có thêm sức mạnh tinh thần trong những chuyến hải trình trên biển - Ảnh: Internet

Vào ngày chính hội, du khách đều cầm trên tay một cành huệ trắng - tượng trưng của sự tinh khiết của cô gái và một nén nhang để thắp trên bàn thờ. Và hàng trăm ngàn ghe thuyền xếp hàng ngay ngắn trên biển để chuẩn bị cho nghi lễ “Nghinh Cô” đầy tôn kính và linh thiêng.

8. Hội đua ngựa Gò Thì Thùng, Phú Yên

Ảnh: Internet
Lễ hội được tổ chức vào mùng 9 tháng Giêng, tại Gò Thì Thùng, xã An Xuân, huyện Tuy An. Mặc dù tham gia đường đua là những chú ngựa hàng ngày thồ hàng và kỵ sĩ là những người nông dân chân chất, nhưng vào ngày hội, du khách sẽ được chứng kiến những màn phi nước đại trong tiếng reo hò cổ vũ của hàng nghìn người xem. Ngoài phần đua, lễ hội còn có các trò chơi dân gian sôi động.

Tác giả bài viết: Trần Huyền

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP