Trong nước

Những dấu mốc đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam

Đơn vị Hải quân đầu tiên được hình thành trước ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hai máy bay của vua Bảo Đại là phương tiện đầu tiên của Không quân Việt Nam.

Nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944), VnExpress điểm lại một số dấu mốc đầu tiên của quân đội có thể nhiều người chưa biết.

Đơn vị hải quân Việt Nam đầu tiên

Ít người biết ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, quân đội Việt Nam đã có một bộ phận hải quân nhỏ và lập được những chiến công đầu tiên. Theo cuốn Lịch sử Hải quân Việt Nam, cuối tháng 8/1945, tại Hải Phòng, Bộ Tư lệnh khu Duyên hải đã tổ chức Ủy ban Hải quân Việt Nam với quân số gần 200, trong đó tiêu biểu là Đại đội Ký Con, phương tiện là một số tàu nhỏ và 3 canô thu được của Pháp. Các tàu nhỏ được đổi tên thành Bạch Đằng, Giao Chỉ.

Với cách đánh du kích, Đại đội Ký Con đã lập được một số chiến công ở cửa biển Hải Phòng và vùng ven biển Đông Bắc. Trận đánh đầu tiên được lịch sử hải quân Việt Nam ghi lại là đánh tàu Crayssac tại vùng biển Hòn Gai đầu tháng 9/1945.

Theo lệnh Khu trưởng chiến khu Duyên hải Nguyễn Bình (sau được phong là Trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam), đại đội Ký Con dùng hai tàu Bạch Đằng, Giao Chỉ và một canô, với một trung đội bộ đội phối hợp với các thuyền đánh cá của nhân dân tiến ra vây bắt tàu địch. Trước sức ép của quân dân, tàu Crayssac phải đầu hàng, chỉ huy và các thủy thủ người Pháp bị bắt làm tù binh, nhiều binh sĩ người Việt tình nguyện tham gia cách mạng.

Tàu Crayssac được trang bị một khẩu pháo 37 mm, 2 trọng liên, 2 đại liên, một bazoka, 2 súng carbin cùng một số súng trường. Ngày 8/9/1945, Khu trưởng Nguyễn Bình đã đến thăm con tàu chiến lợi phẩm, ra lệnh gỡ biển tên tàu, gắn chữ Ký Con bằng đồng vào mũi tàu, biên chế con tàu vào lực lượng vũ trang chiến khu Duyên hải (sau là chiến khu 3).

Sau đó, quân Pháp đưa tàu Audacieuse đến vùng biển Hòn Gai để tìm kiếm tàu Crayssac. Quân khu Duyên hải dùng ngay tàu Ký Con để đánh đuổi và chiếm được tàu Audacieuse, bắt 8 sĩ quan và thủy thủ, thu một đại liên, một bazoka và một số vũ khí trang bị khác. Đến ngày 12/9/1945, hai tàu Ký Con, Audacieuse cùng một số canô được tổ chức thành một thủy đội thuộc Ủy ban Hải quân Việt Nam, làm nhiệm vụ tuần tiễu vùng ven biển từ Hòn Gai đến Hải Phòng.

Đơn vị pháo binh đầu tiên

Từ những khẩu pháo thu của quân đội Pháp, đơn vị pháo binh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập. Ngày 29/6/1946, tại sân Vệ Quốc đoàn Trung ương (trại 40 Hàng Bài), Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Quốc gia Việt Nam Hoàng Văn Thái đọc Quyết định thành lập Đoàn pháo binh Thủ đô gồm 3 trung đội: Pháo đài Láng, Pháo đài Xuân Tảo và Pháo đài Xuân Canh (nay thuộc huyện Đông Anh). Đây chính là nền móng để xây dựng lực lượng pháo binh Việt Nam sau này.

Đến tháng 9/1946, Tổng Tham mưu trưởng quyết định thành lập thêm Trung đội Pháo đài Thổ Khối (huyện Gia Lâm), nằm bên tả ngạn sông Hồng, đồng thời thành lập Đại đội Pháo binh Thủ đô, thống nhất chỉ huy 4 trung đội pháo đài. 29/6/1946 trở thành ngày truyền thống của Pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam.


Khẩu pháo 57 ly được lưu giữ tại di tích lịch sử Pháo đài Láng. Ảnh: Võ Hải.

Theo Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam, các pháo đài Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh do quân Pháp xây dựng vào năm 1940, đặt các khẩu pháo phòng không 57 ly nhằm phòng thủ cho thành phố Hà Nội trước nguy cơ bị không quân Nhật tấn công.

Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp, các pháo đài này bị quân Nhật chiếm. Sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, tất cả cơ sở quân sự ở miền Bắc được bàn giao cho quân đội Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch. Khi quân Tưởng rút, quân và dân Việt Nam tiếp nhận pháo đài. Do thiếu pháo thủ, một số thanh niên làng Láng được gọi tăng cường, nhanh chóng làm chủ kỹ thuật.

Pháo đài Láng chính là nơi nổ phát súng đầu tiên phát hiệu lệnh toàn quốc kháng chiến lúc 20h03 ngày 19/12/1946. Ngay sau đó, các pháo đài Xuân Canh, Xuân Tảo cũng lập tức nổ súng, dùng các khẩu pháo phòng không để đổi cách bắn, rót đạn xuống các doanh trại của quân Pháp đóng trong thành cổ Hà Nội.

Sau đó 2 ngày, ngày 21/12/1946, Pháo đài Láng tiếp tục lập chiến công bằng việc bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên của quân Pháp trong cuộc kháng chiến kéo dài tới 9 năm sau đó. Các pháo thủ pháo đài Láng đã bắn máy bay bằng cách ngắm bắn trực tiếp do không có máy ngắm. Với thành tích này, Trung đội pháo binh Pháo đài Láng đã được Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi thư khen ngợi.

Đến tháng 1/1947, sau khi thành công trong việc kìm chân quân đội Pháp trong thành phố Hà Nội suốt hai tháng, các đơn vị pháo binh ở pháo đài Láng được lệnh rút lên chiến khu. Do các khẩu pháo nặng nề không thể di chuyển được, các pháo thủ đã tháo quy lát của pháo mang đi chôn giấu.

Hiện nay, một khẩu pháo 57 ly còn được lưu giữ tại di tích lịch sử Pháo đài Láng, tại con phố cùng tên ở phường Láng Trung, quận Đống Đa, Hà Nội.

Máy bay đầu tiên

Dù mãi đến năm 1955, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam mới quyết định thành lập Ban Nghiên cứu sân bay, tiền thân của lực lượng không quân hiện nay, tuy nhiên từ ngay sau cách mạng tháng 8, quân đội Việt Nam đã có những chiếc máy bay đầu tiên.

Theo cuốn Lịch sử không quân nhân dân Việt Nam, đó là hai máy bay riêng của vua Bảo Đại, sau khi thoái vị đã hiến cho chính phủ lâm thời. Cả hai đều là máy bay 2 chỗ ngồi, gồm một chiếc Tiger Moth (2 tầng cánh, do Anh sản xuất) và Morane Saulnier (một tầng cánh, do Pháp sản xuất).

Hai máy bay được tháo cánh và bí mật chở bằng tàu hỏa từ Huế ra Bắc rồi chuyển về cất ở sân bay Tông (Sơn Tây) vào đầu năm 1946. Khi đó sân bay Bạch Mai và Gia Lâm đang bị quân đội Tưởng Giới Thạch chiếm giữ.

Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, hai chiếc máy bay tiếp tục được tháo rời, chuyển bằng thuyền lên Bình Ca, rồi lên Soi Đúng (Tuyên Quang). Trong quá trình vận chuyển, bị máy bay Pháp phát hiện và bắn phá, cả hai máy bay bị hư hỏng ít nhiều.


Học viên Lớp hàng không đầu tiên của quân đội Việt Nam bên chiếc máy bay Morane của vua Bảo Đại. Ảnh tư liệu.

Ngày 9/3/1949, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam, đã ra quyết định thành lập Ban Nghiên cứu Không quân thuộc Bộ Quốc phòng, sau chuyển sang Bộ Tổng Tham mưu, do ông Hà Đổng, làm Trưởng ban, với nhân sự gồm một số kỹ thuật viên và phi công là hàng binh người châu Âu.

Sau quá trình chuẩn bị đường băng là bãi trồng ngô dài 400 m, rộng 25 m tại Soi Đúng, tả ngạn sông Gâm, cách thị trấn Chiêm Hóa, Tuyên Quang 10 km về phía nam, máy bay được lệnh chuẩn bị bay thử. Xăng dầu cho máy bay được chuyên chở bằng thùng phuy từ Cao Bằng về. Ban Nghiên cứu đã quyết định chọn chiếc Tiger Moth để bay.

Chiều 15/8/1949, phi công Nguyễn Đức Việt, hàng binh gốc Đức, tên thật là Verner Schulze, đã cùng ông Nguyễn Văn Đống, Trưởng ban Cơ khí cất cánh bay lần đầu tiên. Máy bay chỉ bay được vài trăm mét, sau đó đâm xuống sông Gâm, ông Đống bị thương nhẹ. Chiếc máy bay sau đó được cán bộ Ban Nghiên cứu cùng bà con lội ra sông, tháo từng bộ phận, đem về cất giấu.

Đây là mốc lịch sử quan trọng của Không quân nhân dân Việt Nam, lần đầu tiên máy bay mang cờ đỏ sao vàng bay trên vùng trời Tổ quốc.

Ông Verner Schulze, sinh năm 1920 nguyên là phi công trong quân đội Đức bị quân Pháp bắt làm tù binh và bắt buộc tham gia đội quân lê dương tại Việt Nam. Được sự móc nối của cán bộ Việt Minh, ông bỏ hàng ngũ quân Pháp tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông trở về Đức sinh sống.

Tác giả bài viết: Lê Tiên Long

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP