Thế giới

Những biện pháp thể hiện sự cứng rắn của Trump với Nga

Xóa bỏ thế độc quyền của Nga trên thị trường khí đốt châu Âu là một trong những cách thức Trump đang tiến hành để chống lại Moskva.

Tổng thống Mỹ Trump (trái) và Tổng thống Nga Putin tại Phần Lan ngày 16/7. Ảnh: AFP.

Cuộc gặp ngày 16/7 giữa Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Nga Putin đã tạo ra những phản ứng đối lập. Đối với truyền thông Nga, hội nghị thượng đỉnh là thành công lớn trong việc cải thiện quan hệ Washington - Moskva. Đối với đảng Dân chủ, một số nghị sĩ đảng Cộng hòa và truyền thông Mỹ, đó là bằng chứng cho thấy Trump đã trở thành "con rối" của Putin.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ khoa học chính trị người Nga Roman Dobrokhotov, hành động của Trump mới là thứ giúp đánh giá đúng quan hệ Nga - Mỹ. Dobrokhotov chỉ ra trên Aljazeera rằng Trump đã thực hiện nhiều chính sách cho thấy sự cứng rắn của ông với Nga.

Dầu, khí đốt, thép và nhôm

Dầu và khí đốt được cho là vũ khí đối ngoại chính cũng như công cụ chủ chốt để đảm bảo ổn định trong nước của Điện Kremlin. Giá dầu tăng vào đầu những năm 2000 đã đóng góp rất nhiều vào sự phát triển của nước Nga. Nhờ có khí đốt, Moskva đối phó dễ dàng hơn với Liên minh châu Âu (EU). Nga là nhà xuất khẩu khí đốt chủ yếu của châu Âu, cung cấp tới 50% nhu cầu khí đốt của khu vực này. Các đường ống dẫn dầu và khí đốt cũng là một trong những công cụ kiểm soát chính của Điện Kremlin đối với các nước xuất khẩu năng lượng ở Trung Á, như Kazakhstan và Turkmenistan.

Tuy nhiên, đó cũng chính là điểm yếu của Moskva. Nền kinh tế Nga ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu dầu và khí đốt, chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trump đã gia tăng áp lực để buộc Arab Saudi tăng sản lượng nhằm bù vào phần dầu mỏ bị hụt do các biện pháp trừng phạt đối với Iran, từ đó kiềm chế giá dầu. Điều này không có lợi cho nền kinh tế Nga, vốn chịu ảnh hưởng từ sự sụt giảm giá dầu năm 2014.

Quan trọng hơn, Trump liên tục chỉ trích và kêu gọi châu Âu hủy bỏ Nord Stream 2 (Dòng chảy phương bắc 2) - dự án đường ống dẫn khí nhằm tăng nguồn cung khí đốt của Nga cho Bắc Âu, đặc biệt là Đức. Nord Stream 2 được cho là "đứa con tinh thần" của Putin và đóng vai trò quan trọng không chỉ đối với kinh tế mà còn vị thế của Nga trên khắp châu Âu. Putin đã đầu tư rất nhiều nguồn lực ngoại giao, vận động hành lang và tài chính cho dự án này.

Chỉ vài ngày trước khi gặp Putin, Trump đã liên tục chỉ trích Thủ tướng Đức Angela Merkel về việc phụ thuộc vào khí đốt Nga. Ông nói rằng Đức bị Nga "giữ làm con tin".

Tổng thống Mỹ Trump (phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel nói chuyện bên lề hội nghị NATO tại Bỉ ngày 11/7. Ảnh: Reuters.

Hơn nữa, bằng việc ngăn chặn Nord Stream 2, Trump sẽ giữ thị trường châu Âu mở cửa với khí hóa lỏng (LNG) của Mỹ. Tháng 6/2017, Ba Lan đã nhập khẩu lô hàng LNG đầu tiên từ Mỹ. Một tháng sau, Trump đến Ba Lan và chào bán LNG tại cuộc họp của 12 quốc gia Trung và Đông Âu đang phụ thuộc nhiều vào khí đốt Nga.

"Hãy để tôi làm rõ một điểm quan trọng. Mỹ không bao giờ sử dụng năng lượng để ép buộc các bạn và chúng tôi cũng không để người khác làm như vậy", ông phát biểu tại cuộc họp và không khó để hiểu ông muốn ám chỉ điều gì.

Không lâu sau, Lithuania, Tây Ban Nha và Anh đã nhập khẩu những lô LNG đầu tiên từ Mỹ. Hồi tháng ba, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ báo cáo rằng lượng xuất khẩu LNG của Mỹ tăng gấp 4 lần từ năm 2016 đến năm 2017; xuất khẩu sang các nước châu Âu (bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ) tăng gấp 5 lần.

Ngoài dầu và khí đốt, Nga còn phải chịu các cuộc "tấn công" về thuế quan từ Mỹ - đối tác thương mại lớn thứ năm. Kim loại là một phần quan trọng trong xuất khẩu của Nga, do vậy, quyết định của Trump về việc áp mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm cũng là tin xấu cho Moskva.

Syria và Ukraine

Bên cạnh đó, nhìn vào các điểm nóng đối đầu Nga - Mỹ trên thế giới như Syria và Ukraine, chính sách của Trump còn cứng rắn hơn người tiền nhiệm Barack Obama, theo Csmonitor.

Obama chưa từng tấn công trực tiếp Syria trong khi Trump đã hai lần ra lệnh không kích Syria. Obama tránh cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, còn Trump đã gửi các tên lửa chống tăng Javelin tiên tiến cho lực lượng Kiev.

Các biện pháp trừng phạt Nga được chính quyền Obama đưa ra sau khi Nga sáp nhập Crimea. Chúng đã được nhân lên và không hề có dấu hiệu được gỡ bỏ dưới thời Trump. Obama đã trục xuất nhiều nhà ngoại giao Nga vì cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ nhưng Trump mới là người đưa ra lệnh trục xuất phái viên Nga với số lượng lớn chưa từng có trong lịch sử.

Trump cũng muốn được thừa nhận rằng ông không mềm mỏng với Nga như nhiều người nghĩ. "Hãy nhìn vào những gì chúng tôi đã làm. Hãy nhìn vào các biện pháp trừng phạt", Trump nói tại cuộc họp nội các ở Nhà Trắng ngày 18/7. "Chưa từng có tổng thống Mỹ nào cứng rắn với Nga hơn tôi", ông nhấn mạnh.

Nhiều người Nga hy vọng cuộc gặp Trump - Putin sẽ giúp cải thiện quan hệ Nga - Mỹ bởi mối quan hệ này đã ở mức tệ nhất. "Chúng tôi tin rằng quan hệ Nga - Mỹ đã chạm đáy, không thể tệ hơn được nữa nên chỉ có khả năng nó sẽ cải thiện thôi", nhà phân tích địa chính trị Sergei Strokan bình luận.

Tác giả: Phạm Khánh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP