Tin địa phương

Nhiều nỗ lực trong quản lý, xử lý chất thải rắn

Xác định công tác quản lý, xử lý chất thải rắn là một trong những nội dung quan trọng trong kế hoạch bảo vệ môi trường, góp phần kiểm soát ô nhiễm và hướng tới phát triển bền vững. Trong những năm qua, tỉnh Quảng Bình đã đẩy mạnh thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp trong công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ đến nay tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn đạt khoảng 75,5%.

Chuyển biến tích cực sau một năm vào cuộc quyết liệt

Xác định công tác quản lý rác thải sinh hoạt hiện nay là vấn đề nóng, phức tạp và bức xúc, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tích cực tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường hiệu quả quản lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh. Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều Chỉ thị, Quyết định, Công văn về việc phê duyệt Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh.

Công tác quản lý, xử lý chất thải rắn tỉnh Quảng Bình đạt trên 75%

Hàng năm, Sở đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn để chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại trong thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nên thời gian qua, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định, cơ sở hạ tầng xử lý rác thải từng bước được quan tâm đầu tư, mạng lưới hợp tác xã, tổ đội vệ sinh môi trường ở các địa phương ngày càng được mở rộng và phát triển về số lượng cũng như chất lượng.

Đến nay, tỷ lệ thu gom rác thải trên địa bàn toàn tỉnh đạt khoảng 75,5%, trong khi đó tỷ lệ thu gom rác thải trên địa bàn toàn tỉnh cùng kỳ năm 2017 đạt khoảng 66,36%. Các huyện đều đã có bãi chôn lấp, xử lý rác thải sinh hoạt đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật(trừ thị xã Ba Đồn đang sử dụng chung bãi rác huyện Quảng Trạch để xử lý).

Huyện Tuyên Hoá được đầu tư thêm 02 lò đốt rác thải sinh hoạt (01 lò tại xã Tiến Hoá đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm và 01 lò đang lựa chọn vị trí thích hợp để thi công xây dựng). Đã có 02 nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt đang triển khai thực hiện: Nhà máy xử lý rác thải tại xã Lý Trạch do Công ty TNHH Phát triển dự án Việt Nam đầu tư, đã hoàn thành dây chuyền phân loại và đi vào hoạt động thử, các dây chuyền còn lại (lên men, sản xuất phân hữu cơ, nhiệt phân để phát điện) dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2018; Nhà máy xử lý rác thải tại xã Quảng Tiến do Công ty TNHH Môi trường xanh miền Trung đầu tư, hiện đã hoàn thành mặt bằng, chuẩn bị triển khai xây dựng, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2019.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt sau một năm tình trạng rác thải nông thôn đã có nhiều chuyển biến

Cùng với việc thực hiện các chủ trương, chính sách và quy định của Pháp luật trong quản lý chất thải sinh hoạt, hàng năm Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng các chương trình phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, các ngành và địa phương để tuyên truyền nâng cao nhận thức chung về bảo vệ môi trường và tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ cấp huyện, xã về các văn bản pháp luật và hướng dẫn kỹ thuật về bảo vệ môi trường.

Trao đổi với PV Báo TN&MT, ông Phan Xuân Hào, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: “Những năm gần đây, Sở đã có những biện pháp quyết liệt tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ban, ngành, địa phương triển khai một cách đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nói chung, quản lý rác thải sinh hoạt nói riêng. Sơ với cùng kỳ năm ngoái, thời điểm này tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên toàn tỉnh đạt khoảng 66%, đến nay tỷ lệ này đã đạt 75,5%. Sở đã tham mưu cho tỉnh Chỉ thị số 17 năm 2017 để tăng cường công tác quản lý chất thải rắn, Quyết định số 03 năm 2018 quy định phân công cho các sở, ngành và các cấp địa phương trong trách nhiệm quản lý chất thải rắn ở trên địa bàn”, ông Hào cho biết thêm.

Công tác xử lý rác vào các giải đoạn và sau mưa lũ cũng được chú trọng

Cần sự đồng hành của các ban ngành

Mặc dù, đạt được nhiều tiến bộ, tuy nhiên, công tác quản lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Một số ban ngành, địa phương vào cuộc chưa quyết liệt. Ở một số địa bàn, tình trạng tập kết rác không đúng nơi quy định, vứt rác bừa bãi vẫn xảy ra, ý thức người dân chưa cao, nhiều công trình xử lý rác đã lạc hậu, xuống cấp…

Nói về những tồn tại hạn chế ông Phan Xuân Hào nói: Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xử lý chất thải rắn trên địa bàn hiện nay còn gặp nhiều khó khăn như: Nguồn vốn ngân sách còn hạn chế, phần lớn các bãi chôn lấp chất thải rắn ở các huyện đầu tư thiếu đồng bộ, trang thiết bị vận hành bãi rác còn thiếu. Công tác kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ cao còn khó khăn. Tại khu vực nông thôn ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận dân cư còn thấp, vẫn còn xảy ra tình trạng xả rác thải bừa bãi trực tiếp ra môi trường.

Bãi rác tại huyện Quảng Trạch và TX.Ba Đồn đang được đầu tư xây dựng

Để tháo gỡ những hạn chế vướng mắc, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình đề nghị các cấp chính quyền địa phương cần; khẩn trương hoàn thiện việc lập điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn sinh hoạt; ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích thành phần tư nhân tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, duy trì tốt hoạt động vệ sinh tại khu dân cư, thực hiện đổ thải đúng nơi quy định. Ban hành các quy chế, quy định, hương ước quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Hoàn thiện cơ chế phí vệ sinh môi trường và điều chỉnh hợp lý mức phí vệ sinh môi trường đảm bảo thu đủ bù chi. Bố trí và xây dựng các điểm tập kết rác thải phù hợp. Tăng dần nguồn thu phí vệ sinh, giảm dần hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn.

Việc quản lý, thu gom và xử lý chất thải rắn bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách cần chú trọng tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng về vệ sinh môi trường, kiểm soát chặt chẽ giảm nguồn rác thải phát sinh. Đặc biệt, để công tác quản lý rác thải sinh hoạt đạt hiệu quả cao cần sự vào cuộc đồng bộ của ban, ngành, địa phương, đơn vị, thực hiện tốt trách nhiệm quản lý rác thải sinh hoạt trong phạm vi, lĩnh vực có liên quan.

Tác giả: Hồng Thiệu - Phan Ba

Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP