Giáo dục

Nhiều nguyện vọng càng dễ đậu đại học?

Bộ GD&ĐT tạo điều kiện tối đa cho thí sinh bằng quy định được thoải mái lựa chọn số nguyện vọng. Tuy nhiên, điều này đang tạo nên sự băn khoăn, lo lắng.

Kỳ tuyển sinh 2016, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng (NV) 1 có 396.496 thí sinh đăng ký vào 602.747 lượt trường. Như vậy, 75% thí sinh đăng ký 2 trường cùng lúc đã tạo ra một tỷ lệ “ảo” rất cao. Các trường bị đẩy vào thế tuyển mãi chưa đủ chỉ tiêu, trong khi thí sinh lao đao vì không trúng tuyển trường như ý muốn.

Làm sao tránh ảo?

Theo dự thảo tuyển sinh 2017, thí sinh được thoải mái lựa chọn số NV, số trường khi tham gia xét tuyển nhưng phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (NV1 là cao nhất).

Thí sinh chỉ trúng tuyển vào một NV ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách đã đăng ký. Nhiều thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách thì xét theo tiêu chí người đăng ký NV ưu tiên cao hơn và theo điều kiện phụ mỗi trường.

Như vậy, so với năm 2016, kỳ tuyển sinh năm 2017, số NV và số trường được đăng ký đều nhiều hơn, nguy cơ tăng tỷ lệ ảo là không tránh khỏi. Lãnh đạo nhiều trường cũng bày tỏ lo lắng sẽ lao đao khi giải bài toán gọi thí sinh nhập học như thế nào để vừa tránh ảo vừa đủ chỉ tiêu.

Ông Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng đào tạo, ĐH Thủy lợi, cho rằng thí sinh đăng ký càng nhiều NV thì tình trạng hồ sơ ảo càng lớn. Dù các trường đều biết thông tin đăng ký của thí sinh nhưng rất khó biết được các em có đến trường nhập học hay không.

Theo ông Thạc, tăng lựa chọn cho các thí sinh cũng đồng nghĩa việc các trường, đặc biệt là trường tốp dưới, sẽ gặp một số khó khăn trong xét tuyển.

Ông Thạc cho rằng nếu thí sinh đăng ký tới 5 - 7 NV, nhiều khả năng các em hướng tới các NV sau chứ chưa chắc đi học. Đó cũng là vấn đề mà các trường cần lưu tâm.

Thí sinh làm hồ sơ xét tuyển vào ĐH Công nghiệp TP.HCM. Ảnh: Tấn Thạnh/Người Lao Động.

Chỉ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất

Trước những lo lắng của các chuyên gia về việc cho thí sinh đăng ký nhiều NV dẫn đến nhiều thí sinh ảo, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định cho thí sinh đăng ký nhiều NV là nhằm tạo điều kiện tối đa cho thí sinh được trúng tuyển vào ngành mình yêu thích ở các trường có mức độ cạnh tranh khác nhau.

Theo ông Ga, dù đăng ký nhiều NV nhưng thí sinh phải sắp xếp các NV theo thứ tự ưu tiên và trong đợt xét tuyển chính (đợt 1), thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 NV cao nhất có thể trong danh sách các NV đã đăng ký.

Điều này được thực hiện nhờ phần mềm thống kê NV xét tuyển của thí sinh chạy tự động trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Do mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 NV nên hạn chế được tối đa tình trạng “thí sinh ảo” trong đợt xét tuyển chính.

Ông Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, ủng hộ phương án thí sinh được chọn nhiều NV và nhiều trường.

“Khi có cơ sở dữ liệu của tất cả thí sinh đăng ký thì có khả năng lọc ảo và bộ sẽ giúp cho việc lọc ảo đó. Thí sinh chọn NV thì cũng sẽ chọn cả phương án dự phòng ở tốp trên, tốp giữa để bảo đảm mình có cơ hội vào ĐH”, ông Tớp nói.

Để tạo thuận lợi cho thí sinh đăng ký xét tuyển, ông Bùi Văn Ga cho biết Bộ GD&ĐT sẽ cho phép thí sinh được đăng ký trước khi thi, cùng lúc với làm thủ tục đăng ký dự thi.

Khi có kết quả thi, thí sinh được điều chỉnh NV bằng phương thức trực tuyến trong khoảng thời gian quy định. Do đó, cổng thông tin tuyển sinh chỉ hỗ trợ cho một số ít thí sinh có nhu cầu điều chỉnh NV.

Khó xảy ra nghẽn mạng

Thứ trưởng GD&ĐT khẳng định việc công bố kết quả thi do các sở GD&ĐT thực hiện; xét tuyển ĐH do các trường thực hiện; còn cổng thông tin tuyển sinh của bộ chỉ làm nhiệm vụ lưu trữ cơ sở dữ liệu để các trường khai thác, xét tuyển và chạy phần mềm thống kê NV giúp các trường loại bỏ “thí sinh ảo”.

Do đó, so với năm 2016, hệ thống năm nay chạy nhẹ tải hơn nhiều nên khó có thể xảy ra nghẽn mạng.

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP