Giáo dục

Nhiều khó khăn trong xây dựng và đổi mới thư viện trường tiểu học

Mỗi người chúng ta ai cũng biết Thư viện nói chung và thư viện trường học góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập cho giáo viên và học sinh. Trước sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện thông tin đại chúng và Internet, trong thư viện sách vẫn đóng vai trò là chiếc chìa kháo vạn năng để mở cửa kho tàng trí tuệ, tri thức vô tận. Do đó, từ lâu, đọc sách trở thành một nhu cầu. Văn hóa đọc với ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc trong trường tiểu học càng có ý nghĩa.

Một số hình ảnh


Ngày 02/01/2003, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định Số 01 về Tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông. Thực hiện quyết định này trong các năm qua, công tác thư viện trong các nhà trường nói chung và các trường tiểu học ở huyện Thanh Chương đã đạt được những kết quả nhất định. Đến nay toàn huyện đã 36 trường Tiểu học có thư viện riêng, 42/42 trường có người làm công tác thư viện. Trong đó có 21 trường có cán bộ thư viện chuyên trách, còn lại là GV kiêm nhiệm.

Tổ chức hoạt động của thư viện các trường tiểu học trên địa bàn chuyển biến đáng kể theo chiều hướng phát triển ngày càng phong phú, đa dạng về loại hình: Thư viện chung; thư viện lớp học; thư viện xanh, thư viện thân thiện, thư viện di động;… phát huy hiệu quả, lôi cuốn học sinh, giáo viên tham gia đọc sách, báo, truyện. Công tác quản lý, kiểm tra đánh giá hoạt động thư viện được quan tâm hơn. Hằng năm, kết hợp với công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ năm học, trường chuẩn quốc gia, Phòng Giáo dục đã trực tiếp kiểm tra công tác thư viện của các nhà trường.

Tuy nhiên trên thực tế công tác thư viện trong các trường tiểu học vẫn còn hiều bất cập, khó khăn hạn chế. Đó là công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh về vai trò, tác dụng thư viện vẫn chưa thật sự đầy đủ. Sự hiểu biết về vai trò và phương pháp hoạt động thư viện của các cán bộ thư viện, CBQL giáo dục và giáo viên còn hạn chế, ảnh hưởng rất lớn đến việc gây dựng, tổ chức các hoạt động lôi cuốn học sinh vào thư viện; Nhân viên thư viện chủ yếu kiêm nhiệm, ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn thư viện.

- Ngân sách đầu tư cho thư viện còn ít; cơ sở vật chất, trang thiết bị, số lượng đầu sách trong thư viện vốn sách báo còn nghèo nàn chưa đáp ứng được nhu cầu đọc, mượn của giáo viên, học sinh.

Trong những năm gần đây, Công nghệ Internet phát triển như vũ bão nên văn hóa đọc trong xã hội đang có xu hướng dịch chuyển sang “Văn hóa Online” mà không biết sự đa dạng, phức tạp của thông tin làm cho con người dễ mất phương hướng trong nhận thức

Trước tình hình này dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Giáo dục, phòng Giáo dục huyện Thanh Chương vừa tổ chức các hoạt động phát động khai mạc Tuần lễ “hưởng ứng học tập suốt đời với chủ đề: phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số” và Hội thảo “xây dựng và đổi mới hoạt động thư viện, phát triển văn hóa đọc trong trường tiểu học” nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức. Đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động thư viện trường học tiểu học. Xã hội hóa các nguồn lực xây dựng thư viện trường học. Tổ chức các sự kiện, các hoạt động giao lưu, các buổi tọa đàm, ngày hội đọc, hoạt động ngoài giờ lên lớp. Tuy nhiên, theo các đại biểu tham dự hội thảo thì từng ấy là chưa đủ và rất khó thực hiện. Nhà nước và ngành cấp trên cần xây dựng cơ chế đầu tư nguồn lực. Phải rà soát, đánh giá thực trạng của đội ngũ nhân viên thư viện để có kế hoạch bổ sung, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ. Phải thường xuyên phối hợp với Công ty sách- TBTH, Thư viện tỉnh tổ chức thường niên “Ngày hội đọc” cấp trường, cấp huyện; định kỳ 2 năm một lần ở cấp tỉnh để duy trì và phát triển văn hóa đọc đối với tuổi trẻ học đường, từ đó, phát triển trong cộng đồng.

Xây dựng và đổi mới hoạt động thư viện, phát triển văn hóa đọc là một nhu cầu cần thiết, quan trọng đối với mọi người, nhất là trong các nhà trường, trong đó có các trường tiểu học nhưng trên thực tế còn nhiều khó khăn, bất cập trong quan điểm chỉ đạo, cách thức tổ chức xây dựng và đổi mới hoạt động thư viện, phát triển văn hóa đọc. Vì vậy ngoài cố gắng của ngành rất cần sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về cơ chế chính sách và sự đồng thuận của toàn xã hội.

Tác giả bài viết: Trần Đình Hà (Đài Thanh Chương)

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP