Giới trẻ

Nhiều khách hàng vẫn bị “rác” quảng cáo rao vặt tra tấn

Hình ảnh “rác quảng cáo” vẫn còn tràn lan trên khắp các tuyến phố gây mất mỹ quan đô thị. Khó có thể tìm được một bức tường nơi công cộng hoặc nhà dân mà trên đó không có những tờ rơi được dán, quét sơn… nhếch nhác, phản cảm.

Ông Phạm Vũ Hồng, ở quận Ba Đình, Hà Nội nói: “Không hiểu sao thời đại này người ta lại quảng cáo theo kiểu “tra tấn” như vậy. Một căn nhà mới vừa lăn sơn, chỉ qua một đêm trên bức tường còn nguyên mùi sơn ấy xuất hiện các dòng chữ: “Khoan cắt bê tông”, “Thông tắc bể phốt”, “Cho vay không thế chấp”…!”

Ông Hồng cho hay, dù lớn tuổi nhưng khi có nhu cầu về những dịch vụ trong gia đình thì lên mạng tìm là có ngay. Năm vừa qua, gia đình ông quyết định ốp gạch men cả mặt tiền ngôi nhà, thế mà tuần nào cũng phải mang chậu nước và giẻ ra lau vết quảng cáo trên tường.

Tình trạng tiếp thị dán, phát tờ rơi vẫn diễn ra phổ biến ở khắp các ngõ ngách trên địa bàn các TP, đặc biệt là các dự án chung cư giá rẻ mới đi vào hoạt động, thiếu quản lý chặt chẽ của đơn vị tòa nhà. Không ít bà nội trợ đã dính bẫy của nhân viên tiếp thị bởi những lời dụ dỗ ngọt ngào. Nhiều người dân còn lo ngại tới tình trạng lộn xộn và mất cắp có thể xảy ra. Việc tiếp thị dán tờ rơi gây ảnh hưởng không nhỏ tới mỹ quan cũng như sự xuống cấp của chung cư, nhà riêng và các công trình phúc lợi khác.

Người dân Hà Nội vẫn bị tấm giấy dán rao vặt tra tấn. Ảnh: N.Khuê

Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền hình ảnh một “chàng Tây” tự tay sơn sửa lại con ngõ 50 phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Chỉ cần vài thùng sơn nhỏ, nam thanh niên này đã biến các bức tường đơn điệu, rêu phong và xấu xí với nhiều vết dán, sơn quảng cáo… thành những bức tranh sinh động và đầy màu sắc. Việc làm của chàng trai nơi đất khách chắc hẳn sẽ làm lay động suy nghĩ về ý thức giữ gìn vệ sinh chung của nhiều người để góp phần tạo nên đô thị xanh, sạch, đẹp và văn minh hơn.

Trên thực tế, khi chúng tôi hỏi nhiều người dân là tại sao không gọi theo số điện thoại trên tờ rơi, tờ dán bẩn trên tường nhà và báo cáo cho tổ dân phố hoặc các cơ quan chức năng để giải quyết, phần lớn họ trả lời là phiền hà và rồi đâu lại vào đó.

Theo tìm hiểu, nhân viên tiếp thị, phát tờ rơi hay nhắm thời gian trong giờ hành chính. Khi đó ở nhà chỉ có trẻ con, người già và giúp việc. Còn nhân viên dán tờ rơi, quét sơn số điện thoại lên tường nhà dân… thường đi làm vào khoảng 12g đêm về sáng khi mọi gia đình đã đi ngủ nên rất khó phát hiện. Nhưng cũng có nhiều trường hợp bị bắt quả tang và bị chủ nhà đánh và rất có thể xảy ra án mạng khi chủ nhà quá bức xúc.

Kể lại một lần đi dán quảng cáo thuê cho một cửa hàng cầm đồ, Nguyễn Văn Công sinh viên trường ĐH Văn hóa vẫn còn run sợ: “Hôm đó, khoảng 12g đêm, em đang loay hoay, một tay xách xô hồ, tay kia quét và dán tờ rơi lên tường nhà một người dân ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội thì bị bắt quả tang. Số em đen, dán ngay vào nhà một tay “anh chị” người “toàn mực”, nhà lại gắn camera an ninh, em bị đánh chảy máu mồm, sau đó chủ nhà bắt em lau rửa sạch bức tường đó”.

Hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng là một trong những hành vi quảng cáo bị cấm theo khoản 16 Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012. Theo khoản 1 Điều 51 Nghị định 158/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, những hành vi nói trên sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng và phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.

Mới đây, nghị định 28/2017 sửa đổi Nghị định 131 và 158 của Chính phủ xử phạt hành chính về quyền tác giả, văn hóa, thể thao, du lịch, quảng cáo đã được ban hành và có hiệu lực từ 5-5-2017. Theo đó, những người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi làm ảnh hưởng mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng. Nghị định mới tăng mức xử phạt với nhiều hành vi: người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo bằng cách treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng sẽ bị phạt 5-10 triệu đồng.

Điều 61 của Nghị định đưa ra mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 200-500 nghìn đồng với hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội. Mức phạt 5-10 triệu đồng được áp dụng với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi làm ảnh hưởng mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội. Ngoài ra, người vi phạm còn phải khắc phục hậu quả là tự tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo. Thẩm quyền xử phạt các hành vi này thuộc về Chủ tịch UBND các cấp, lực lượng CAND và thanh tra chuyên ngành văn hóa.

Hiện nay, UBND các phường, quận trên các đô thị lớn đã triển khai kế hoạch khuyến khích, thưởng cho người dân phát hiện trường hợp phát tờ rơi, dán rao vặt trên địa bàn, bước đầu đã thu hút được sự đồng tình của người dân và các đoàn thể tại địa phương và cần được đẩy mạnh vì một Thủ đô xanh - sạch - đẹp - văn minh

Tác giả: Nguyễn Khuê

Nguồn: Pháp luật & xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP