Thời gian qua, tình trạng người lao động tìm đến các cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Bình Định như: Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, hoặc các tổ chức Công đoàn cơ sở để khiếu nại về việc họ bị chủ doanh nghiệp “quỵt” tiền BHXH, BHTN, BHYT. Đặc biệt nhóm lao động thai sản, ốm đau,... diễn ra khá phổ biến. Trong khi đó, do những chế tài đối với các doanh nghiệp chưa đủ mạnh nên tình trạng trên vẫn tiếp diễn trong suốt thời gian dài.
Nhiều doanh nghiệp đang "quỵt" tiền bảo hiểm của người lao động với số tiền lớn |
Theo số liệu từ cơ quan BHXH tỉnh, tổng nợ đến 30/11/2017 là hơn 358 tỷ đồng. Trong đó, nợ BHXH hơn 143 tỷ đồng, nợ BHTN gần 5,7 tỷ đồng và nợ BHYT gần 209 tỷ đồng.
Những doanh nghiệp “tai tiếng” nợ đọng BHXH với số tiền lớn và kéo dài hiện nay phải kể đến các đơn vị như Công ty cổ phần Xây dựng 47 nợ 15 tháng với số tiền gần 25 tỷ đồng của 1.127 lao động; Công ty cổ phần 504 nợ 88 tháng với số tiền gần 8,7 tỷ đồng của 34 lao động; Công ty cổ phần đường Bình Định nợ 7 tháng với số tiền trên 2,7 tỷ đồng của 304 lao động,...
Ngoài ra, còn có cả trăm đơn vị khác đang nợ đọng BHXH của người lao động với khoản tiền hàng tỷ đồng.
Ông Phạm Mai, Giám đốc BHXH tỉnh Bình Định nhận xét: Gần đây, các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh thực hiện các quy định về BHXH đối với người lao động có chuyển biến tích cực, quyền lợi người lao động được bảo đảm tốt hơn. Song, hiện vẫn còn không ít doanh nghiệp chây ì, nợ kéo dài, thậm chí không thực hiện đóng BHXH khiến quyền lợi hàng ngàn lao động bị ảnh hưởng.
Ông Huỳnh Văn Báu (55 tuổi, ở xã Cát Tân, huyện Phù Cát, Bình Định) làm việc cho Công ty Cổ phần Đường Bình Định (BISUCO) từ năm 1997 đến năm 2017. Tuy nhiên, do Cty không chưa thanh toán nợ cho BHXH tỉnh Bình Định, nên ông cùng nhiều anh em khác cũng nghỉ việc cùng lúc đều không được BHXH Bình Định chi trả bảo hiểm thất nghiệp với số tiền lớn. |
“Nguyên nhân nợ BHXH mà các doanh nghiệp thường đưa ra là: Do kinh tế khó khăn, làm ăn thua lỗ, không có lãi hoặc hàng hóa không tiêu thụ được. Tuy nhiên, doanh nghiệp nợ BHXH đồng nghĩa với việc doanh nghiệp chiếm đoạt quyền lợi người lao động. Bởi khi doanh nghiệp nợ BHXH thì các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, BHTN,… của người lao động sẽ không được giải quyết các chế độ đó”, ông Mai cho hay.
Tác giả: Doãn Công
Nguồn tin: Báo Dân trí