Giáo dục

Nhiều clip học sinh đánh bạn: Lo ngại bạo lực học đường

Trên mạng xã hội liên tiếp xuất hiện clip các nhóm học sinh ở Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Thừa Thiên- Huế... đánh hội đồng bạn học

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ học sinh đánh nhau ở bên ngoài trường học, quay clip và đưa lên mạng xã hội. Đây là thực trạng mang tính tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tinh thần, đạo đức, lối sống của nhiều học sinh. Mặc dù các nhà trường đã và đang xây dựng văn hóa học đường với nhiều quy tắc ứng xử, nhưng còn mang tính một chiều, vẫn chưa có tác dụng răn đe hành vi bạo lực trong lứa tuổi học sinh.


Từ đầu năm học đến nay, trên mạng xã hội liên tiếp xuất hiện clip các nhóm học sinh ở Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Thừa Thiên- Huế... đánh hội đồng bạn học vì những xích mích cá nhân. Các em hành xử như côn đồ, bắt bạn học quỳ xuống đất, nắm tóc, tát, đấm, đá, chửi bạn rất thô tục.

Nạn nhân của các vụ bạo hành không thể chống cự mà chỉ biết im lặng chịu đòn, thậm chí có em bị đánh đến ngất xỉu. Điều đáng lo hơn là có nhiều học sinh khác không ngăn cản mà còn cổ vũ, ghi hình vụ việc và đưa lên mạng xã hội khoe như là một chiến tích, hoặc làm nhục nạn nhân.

Trong clip một thiếu niên mang xăng đốt trường ở tỉnh Khánh Hòa, những học sinh đi cùng còn hò hét, cổ vũ, kích động bạn thực hiện hành vi vi phạm. Mới đây, một học sinh lớp 8 ở tỉnh Yên Bái đã tự tử sau khi bị bắt quỳ giữa đường, bị đánh và quay clip tung trên mạng xã hội.

Sau khi phát hiện các vụ bạo hành, Ban Giám hiệu trường học xử lý kỷ luật những học sinh vi phạm như hạ hạnh kiểm, đình chỉ học một thời gian, thậm chí là đuổi học...Tuy nhiên, cách phạt này không hiệu quả, chưa thực sự giúp các em hiểu và sửa chữa sai lầm của mình.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho rằng, việc xử lý vi phạm cần đi kèm với giáo dục các em nhận thức được việc làm sai.

“Việc xử lý trước mắt có thể là dễ, nhưng cái quan trọng nhất là giáo dục các em lâu dài, không để trường hợp đó có thể xảy ra nữa, không chỉ ở 2 trường đó mà trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Chúng tôi yêu cầu các nhà trường phải phối hợp với chính quyền địa phương, cùng với các cấp các ngành để tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền phổ biến pháp luật để từ đó các em nhận thức ra được việc làm sai của các em và các em không còn tái phạm nữa. Tôi nghĩ phần sau đó chính là phần quan trọng…”, ông Nguyễn Trọng Hoàn cho biết.

Vấn đề bạo lực xảy ra trong lứa tuổi học sinh đang ngày một tăng, không chỉ về số lượng mà tàn bạo hơn về hành xử, mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng, tác động xấu đến việc hình thành nhân cách, đạo đức lối sống của học sinh. Theo các chuyên gia, khi xảy ra các vụ việc học sinh vi phạm đạo đức, nhà trường và giáo viên cũng có một phần trách nhiệm, chưa hoàn thành việc giáo dục nhân cách và bồi đắp đạo đức của học sinh.

Theo ông Trần Quang Mẫn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa, các trường học cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử học đường cụ thể để giảm bớt những tác động tiêu cực từ xã hội bên ngoài tới học sinh.

“Ngành giáo dục có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng bộ quy tắc ứng xử, xây dựng môi trường văn hóa trong trường học. Công tác này không thành công nếu như không có sự đồng thuận giữa các chủ thể trong nhà trường và không dựa trên cơ sở tự giác, tự nguyện của học sinh. Tôi cho rằng quá trình này có thể làm được nếu có sự đồng thuận cả thầy cô giáo cả phụ huynh học sinh và chính các em.”, ông Trần Quang Mẫn nhìn nhận.

Còn Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, học sinh ở lứa tuổi cuối trung học cơ sở, trung học phổ thông có nhiều thay đổi về tâm sinh lý và dễ bị tác động, lôi kéo vào những việc làm sai trái, những trào lưu tiêu cực trên mạng xã hội. Vì vậy, việc xây dựng môi trường văn hóa trong trường học có vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhân cách, và phổ biến kiến thức pháp luật để hình thành ý thức công dân cho các em ở lứa tuổi này.

“Việc giáo dục đạo đức lối sống là vấn đề cần được quan tâm hơn và phải có sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội để thường xuyên quan tâm theo dõi, diễn biến đặc điểm tâm sinh lý của học sinh, kịp thời uốn nắn nhắc nhở. Xây dựng môi trường trong nhà trường đảm bảo lành mạnh, phòng chống bạo lực học đường ngay trong nhà trường. Hiện nay Bộ Giáo dục- Đào tạo cũng đang xây dựng một Nghị định về xây dựng trường học an toàn thân thiện, lành mạnh để trình Chính phủ và đó cũng là một căn cứ pháp lý để chúng ta tạo nên môi trường tốt để giáo dục học sinh…”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết thêm.

Thời gian qua, ngành giáo dục chỉ coi trọng truyền đạt kiến thức học vấn, số giờ dạy đạo đức lối sống còn ít. Trong khi đó, học sinh không hứng thú với bộ môn giáo dục công dân vì bài học khô khan, khó hiểu.

Để xảy ra tình trạng bạo lực ở lứa tuổi học sinh, các chuyên gia cho rằng, gia đình phải có trách nhiệm giáo dục con em mình chứ không thể “khoán trắng” cho nhà trường.

Nếu gia đình và nhà trường chú trọng giáo dục về đạo đức, lối sống, truyền thống văn hóa, giúp các em biết yêu thương, chia sẻ... thì bạo lực học đường sẽ hạn chế đi rất nhiều./.

Tác giả bài viết: Minh Hường

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP