Thế giới

Nhận quà của Trung Quốc, chuyên gia cảnh báo Nepal có thể rơi vào "bẫy nợ"

Với việc Trung Quốc mang tiền đầu tư vào nhiều các dự án trọng điểm ở Nepal, giới quan sát cho rằng tình hình địa chính trị ở khu vực Himalaya có thể sẽ thay đổi như tại Ấn Độ Dương, đồng thời khuyến cáo Nepal cảnh giác không bị rơi vào “bẫy nợ”.

Công trình Học viện đào tạo thuộc lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nepal do Trung Quốc tài trợ. (Ảnh: SCMP)

“Chất xúc tác” Ấn Độ

“Nơi này giống như Trung Quốc, đúng không”? - Tướng Mandip Shrestha đưa ra nhận xét sau khi đi 1 vòng tham quan cơ sở vật chất vừa được xây cất của Học viện đào tạo thuộc lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nepal.

Đây là một tổ hợp hiện đại bao gồm các trang thiết bị sân đỗ trực thăng, bể bơi, sân bóng, trường bắn, phòng họp cách âm, hội trường lớn và những tòa nhà gạch đỏ trang nhã. Khuôn viên trông ra thung lũng Kathmandu thoạt nhìn không giống bất cứ cơ quan chính phủ nào mà Nepal xây dựng.

Đó là món quà trị giá 350 triệu USD của Trung Quốc, được xây dựng trong 2 năm và mới được bàn giao lại cho lực lượng bán quân sự ở Nepal từ năm ngoái. Lực lượng này phụ trách việc kiểm soát lượng người tị nạn từ Tây Tạng sang Nepal.

Trước khi Học viện đào tạo thuộc lực lượng Cảnh sát Vũ trang được Trung Quốc xây dựng, Ấn Độ đã từng hứa sẽ xây cho Nepal một công trình khác vào năm 1995. Giám đốc Điều hành của Học viện Cảnh sát Quốc gia Nepal Devendra Subedi hồi tưởng lại chuyến thăm của ông tới New Delhi và cho biết phái đoàn của ông rất háo hức khi Ấn Độ khi đó đề nghị xây học viện cảnh sát cho Nepal.

Ông Subedi cho biết trong nhiều năm lực lượng cảnh sát Nepal đã nhắc đi nhắc lại về lời hứa, cho đến một ngày không ai nhắc tới chúng nữa. Khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới thăm Nepal năm 2014 khi mới nhậm chức, ông đã chỉ trích chính quyền tiền nhiệm vì không giữ lời hứa với Nepal. Tuy ông Modi đã dựng tấm biển đánh dấu dự án xây dựng học viện cảnh sát, nhưng dự án này sau cùng cũng bị đóng băng.

Theo SCMP, dự án học viện cảnh sát là một trong vài dự án mà Ấn Độ dường như chưa giữ lời với Nepal, như tuyến đường ở miền Nam Nepal hoặc dự án thủy điện trên sông Mahakali. Nhà quan sát chính trị Yubaraj Ghimire nhận định những động thái trên dường như đã một phần nào đó làm mất đi sự tín nhiệm của Ấn Độ tại Nepal.

Trung Quốc tham gia “cuộc chơi”

Tân Thủ tướng Nepal Khadga Prasad Sharma Oli và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: AFP)

Những vấn đề trên dường như một phần nào đó gây ảnh hưởng tới quan hệ song phương Ấn Độ và Nepal. Gần đây, khi Kathmandu có chính quyền mới, tình hình địa chính trị tại khu vực được cho là đã có sự chuyển dịch nhất định khi Nepal dường như đã làm thân Trung Quốc để đối phó với sức ảnh hưởng của Ấn Độ. Bắc Kinh, đối thủ lớn nhất của New Delhi trong khu vực, cũng rất hào hứng khi tham gia cuộc chơi.

Từ các công trình thủy điện tới xi măng, các doanh nghiệp Trung Quốc đã xuất hiện ở khắp nơi trên lãnh thổ Nepal. Các công ty mạng Internet của Trung Quốc phá vỡ thế độc quyền của Ấn Độ, khách du lịch Trung Quốc ồ ạt đổ về Nepal, các trung tâm dạy tiếng Trung ở Nepal “mọc lên như nấm” và sinh viên Nepal chọn Trung Quốc để du học nhiều hơn Ấn Độ. Hàng trăm quan chức Nepal được mời tới Trung Quốc mỗi năm.

Trong bài phỏng vấn với SCMP gần đây, tân Thủ tướng Nepal Khadga Prasad Sharma Oli cam kết khôi phục dự án đập Budhi Gandaki do Trung Quốc khởi xướng đã bị chính quyền tiền nhiệm đình chỉ. Ông Gandaki cũng nhấn mạnh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường kết nối với Ấn Độ thông qua đầu tư hạ tầng, khẳng định Nepal không muốn phụ thuộc quá nhiều với một trong hai láng giềng.

Tấm biển ca ngợi quan hệ hữu nghị Nepal Trung Quốc tại một trường học Nepal. (Ảnh: SCMP)

Ngoài hào phóng mang tiền tài trợ cho Nepal, Trung Quốc chiếm tới 60% cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tới quốc gia nhỏ bé này nửa đầu năm tài khóa 2017, tương đương 79,26 triệu USD. Theo sau là Ấn Độ với 36,63 triệu USD, rồi tới Mỹ và Nhật Bản.

Tuy nhiên, sự đầu tư của Trung Quốc có thể tạo nên cái gọi là “bẫy nợ” như với trường hợp Sri Lanka. Sau cuộc nội chiến kéo dài tới năm 2009, Trung Quốc đã mang tiền tới giúp Sri Lanka thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Ấn Độ.

Tuy nhiên, về lâu dài, Sri Lanka dường như lại lún sâu vào nợ nần và lại càng phụ thuộc hơn nữa vào Trung Quốc. Bằng chứng là cuối năm ngoái, nước này đã cho Trung Quốc thuê cảng biển chiến lược Hambantota theo hợp đồng thuê có thời hạn 99 năm và nhận về 1,12 tỉ USD. Động thái này đã mang lại cho Trung Quốc sự hiện diện quan trọng tại Ấn Độ Dương, ngay cửa ngõ đối thủ Ấn Độ, cũng như góp phần quan trọng vào tham vọng "Vành đai, con đường" do Trung Quốc khởi xướng.

Chuyên gia Geja Sharma Wagle của Học viện Nghiên cứu Chính sách Nepal cho rằng nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng của Nepal hiện tại rất lớn và họ cần tiền vốn. Trong khi đó, Trung Quốc lại mong muốn đầu tư ra nước ngoài, vì vậy, Trung Quốc mang tiền đầu tư ở Nepal có thể được coi là nhu cầu tự nhiên.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Nepal cần tỉnh táo với "bẫy nợ” ở khu vực Nam Á. Đây là hiện tượng mà không phải chính phủ nào cũng có thể học được trừ khi phải trải qua nó. Chuyên gia Nishchal Nath Pandey, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nam Á tại Nepal, nhận định rằng tình trạng khó khăn và thiếu thốn cơ sở vật chất hạ tầng có thể khiến các quốc gia “gật đầu” với mọi đề xuất đầu tư từ bên ngoài mà không quan tâm tới hậu quả tiềm tàng có thể xảy tới trong tương lai, sau nhiều năm nữa.

Tác giả: Đức Hoàng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP