Giáo dục

Nhận định đề thi thử nghiệm THPT quốc gia: Không dễ đạt điểm cao!

Đánh giá về đề thi thử nghiệm THPT quốc gia mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, nhiều giáo viên cho rằng, đề thi đã bao quát toàn bộ chương trình, thí sinh đạt được điểm 5 cũng không hề đơn giản.

Đề thi thử nghiệm THPT quốc gia, phân loại tốt học sinh
Môn Ngữ Văn: Đạt được điểm 5 không hề dễ dàng

Cô giáo Hoàng Thị Huyền cho biết, đề thi vẫn gồm 2 phần: Đọc hiểu – làm văn. Phần đọc hiểu có ngữ liệu rất hay, là một đoạn thơ trích trong tác phẩm “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm. Trong chương trình Ngữ văn 12, học sinh đã từng được học đoạn trích “Đất Nước” cũng trích trong tác phẩm này nên ngữ liệu ít nhiều mang lại cảm giác gần gũi cho các em. Hệ thống câu hỏi thú vị, nhưng khó đạt điểm tuyệt đối.

Phần làm văn, câu nghị luận xã hội yêu cầu học sinh trình bày về vấn đề sức mạnh của niềm tin trong cuộc sống. Câu hỏi không đánh đố học sinh mà đi thẳng vào vấn đề. Đây sẽ là câu hỏi mang tính cứu cánh đối với những học sinh trung bình – yếu.

Câu nghị luận văn học yêu cầu nghị luận về một ý kiến bàn về văn học. Cụ thể, đề yêu cầu chứng minh vẻ đẹp của sông Hương ở cả phương diện “vẻ đẹp trời phú” và “vẻ đẹp con người”. Về cơ bản, đây là những đặc điểm của con sông Hương mà học sinh đã được học nhưng cách hỏi thông qua một lời nhận định khiến học sinh phải suy luận mới tìm ra đúng cách làm bài.

Nhìn chung, đề thi minh họa THPT Quốc gia lần 2 mang tính phân loại cao. Đối với học sinh khá, giỏi thì đây sẽ là một đề thi hay, là cơ hội để các em thể hiện kiến thức và kỹ năng. Nhưng đối với học sinh trung bình - yếu thì việc đạt được điểm 5 cũng không dễ dàng.

Môn Địa lý: Học sinh phổ thông làm được từ 7 – 8 – 8,5 điểm

Đối với môn Địa lý, cô giáo Bùi Thị Hương Thu cho rằng, đề đảm bảo đúng cấu trúc gồm, 7 câu Địa lý tự nhiên, 3 câu Địa lý dân cư, 10 câu Địa lý ngành kinh tế, 10 câu Địa lý vùng kinh tế, 10 câu Bài tập và Atlat Địa lý. Nội dung đề thi nằm hoàn toàn trong chương trình Địa lý 12 với đầy đủ các phần lý thuyết ( kiến thức Địa lý tự nhiên, Địa lý dân cư, Địa lý ngành kinh tế, Địa lý vùng kinh tế) và kỹ năng (kỹ năng làm việc với biểu đồ, bảng số liệu và kỹ năng làm việc với Atlat). Câu hỏi có sự phân hóa ở 4 mức ( nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao)

"Nhìn chung đề thử nghiệm kì thi THPTQG môn Địa lý lần 2 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có nội dung tương đối cơ bản, không khó để học sinh phổ thông làm được từ 7 – 8 – 8,5 điểm" - cô Thu nhận định.

Môn Vật lý: Không còn câu hỏi khó về mặt Toán

Đối với môn Vật lý, theo thầy giáo Phạm Quốc Toản, nhìn một cách tổng quan, đề minh họa môn Vật lí rất “cơ bản và đậm chất Vật lí”, các câu hỏi đều bám sát chương trình sách giáo khoa lớp 12, không có câu khó về mặt Toán học. Nhìn chung phụ huynh và học sinh có phần yên tâm với các môn tổng hợp. Thầy Toản cho rằng, nếu giữ nguyên tinh thần của đề minh họa thì 50 phút 40 câu là hết sức khả thi, có tính phân loại với đối tượng học sinh trung bình và học sinh khá.

Tuy nhiên để phân loại học sinh giỏi và xuất sắc thì e rằng hơi khó. Thực ra để phân loại đối tượng giỏi và xuất sắc thì bài thi làm trong vòng 50 phút mà lại trắc nghiệm thì rất khó. Số lượng điểm tuyệt đối có lẽ là tăng lên rất nhiều. Với đề thi thử nghiệm này, các câu hỏi vẫn sắp xếp theo tinh thần từ dễ đến khó, câu khó vẫn rơi vào điện xoay chiều, sóng cơ học và dao động cơ. Câu khó về mặt Toán học đã không còn.

Về cấu trúc, vẫn theo tinh thần như các năm trước, kiến thức vẫn trải rộng 7 chương, tỉ lệ các chương vẫn thế, chỉ có điều số lượng câu hỏi chỉ là 40

Phân bố đề trải dài theo 7 chương của chương trình cơ bản: Dao động cơ (7 câu); Sóng cơ học và sóng âm (5 câu); Dòng điện xoay chiều (10 câu); Dao động và sóng điện từ (3 câu); Sóng ánh sáng (7 câu); Lượng tử ánh sáng (3 câu); Hạt nhân nguyên tử (5 câu).

Về mặt nội dung, nhìn chung, 3 chương (Dao động cơ, Sóng cơ học và sóng âm, Dòng điện xoay chiều) vẫn chiếm khoảng 50% (22 câu); 4 chương còn lại chiếm 50% (18 câu). Sự chênh lệch số câu các chương không quá nhiều, chương ít nhất có 3 câu, chương nhiều nhất có 10 câu.

Theo thầy Toản, kiểu câu hỏi cũng đa dạng hơn, tổng thể có 16 câu (40%) định tính và 24 câu (60%) định lượng. Có 3 câu liên quan đến khai thác đồ thị (24, 31,39). Nhiều câu hỏi mang tính ứng dụng kiến thức Vật lí trong đời sống và kỹ thuật. Để đạt được điểm 8 là không khó các em chỉ cần nắm vững kiến thức là có thể đạt được. Ở mức độ điểm 9 -10 thì cần các em tư duy cao hơn một chút, hiểu sau và nắm vững kiến thức.

Môn Hóa học: Nhẹ nhàng hơn so với các đề năm trước

Nhận xét về môn Hóa học, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Diệp cho biết, đề thi nhiều lý thuyết hơn hẳn so với bài toán 26-14 (gần gấp đôi), tập trung vào vô cơ nhiều hơn 18-22.

Về độ khó, đề thi lần 2 này không khó (so với lần 1 có phần dễ hơn), nhiều bạn học khá cũng có thể hoàn thành đề.

Kiến thức tập trung hoàn toàn ở 12, chỉ có đưa đẩy thêm một số ý rất nhỏ của chương trình 11, câu hỏi không mới, và thực tế là khi giới hạn lại chương trình chỉ có 12, rất khó để sáng tạo nhiều câu hỏi mới.

Bài tập tính toán không quá khó, nó nằm ở một mức giới hạn xử để thí sinh xử lý trong vòng thời gian 50 phút được dàn trải đều ở tất cả các chương: Mảng bài tập khó về vô cơ rơi vào dạng bài toán điện phân dung dịch và bài tập nhiệt phân (câu 25, câu 37 và câu 39). 2 câu nhiệt phân khá hay có thể được khai thác thêm nhiều dạng câu hỏi từ đây.

Mảng bài tập khó về hữu cơ rơi vào dạng bài toán về biện luận este , amin, aminoaxit hoặc peptit (câu 36, câu 38 và câu 40). Bài tập lý thuyết hỏi rất chi tiết và tường tận trong SGK hóa 12, học sinh nắm không vững lý thuyết sẽ làm sai ngay lập tức, đặt biệt các câu phát biểu đúng/sai, các câu hỏi đếm, các câu thí nghiệm,...

"Đề minh họa cũng phân hóa rõ ràng giữa các mức độ nhận biết – thông hiểu, vận dụng xong chưa có tính phân hóa ở mức độ vận dụng cao có thể nói là đề dễ và nhẹ nhàng hơn nhiều so với các đề thi trước đây" - cô Diệp nhận định.

Môn Toán: Học sinh cần nắm rõ bản chất giải tự luận thì mới hoàn thành đc câu hỏi

Thầy Nguyễn Quốc Chí cho rằng, đề minh họa lần này có khác biệt khá nhiều so với lần một được phát hành lần đầu. Với đề lần một đã có nhiều ý kiến cho rằng đề lần một “hơi dễ” và khó phân loại được học sinh khá với học sinh giỏi. Thì đề lần hai lần này quả thật là xuất sắc và giải quyết được rất nhiều vướng mắc không chỉ về kiến thức cho học sinh và còn về định hướng giảng dạy cho giáo viên .

Phải nói rằng đề thi lần này mang tính phân loại quá tốt với những câu hỏi cuối cùng của mỗi nội dung, mỗi chương học đều là những câu hỏi thật sự khó (với mức 2 phút/ câu). Những câu hỏi thuộc mức độ vận dụng cao của đề thi là những câu hỏi mang tính sáng tạo cao trong cách giải, vững chắc trong kiến thức gốc và nhiều bài toán mang đúng tính chất thực tế ứng dụng được đưa vào giúp môn toán phần nào không chỉ còn là kiến thức suông.

Một điểm tích cực nữa trong đề thi là việc đề thi lần này Bộ ra đề chuẩn trong khâu chống mẹo vặt khi dùng máy tính cầm tay giải toán. Chủ đích của người ra đề rất rõ với những bài toán hết sức cơ bản nhưng biến tấu khác đi một chút . Tuy không làm thay đổi độ khó nhưng vẫn khiến học sinh cần nắm rõ bản chất giải tự luận thì mới hoàn thành được câu hỏi, chứ không có tình trạng dùng máy tính cầm tay giải ngay bài toán như đề lần một.

"Đề lần 2 này ngoài việc giúp học sinh thử sức, tiếp cận đề thi hoàn chỉnh nó còn có tác dụng định hướng cao trong việc dạy học của giáo viên. Nếu ai làm đề sẽ thấy rõ, Bộ dường như muốn truyền đi thông điệp tới giáo viên hãy dạy học sinh đúng bản chất, đúng cách giải, chắc kiến thức SGK ... Chứ đừng chạy theo mẹo vặt , thủ thuật , vì những kiến thức đó không tồn tại được lâu và người ra đề thừa hiểu cách hóa giải" - thầy Chí nhận định.

Tác giả bài viết: Nhật Hồng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP