Giải trí

Nhạc chế độc hại trên TikTok Việt

Nhạc chế đã tồn tại lâu nhưng nhờ có sự phát triển của TikTok, trào lưu này khiến những ca khúc chế phản cảm trở nên nhanh chóng phổ biến. Tuy nhiên, những video xấu, độc trên mạng xã hội này không được TikTok chủ động ngăn chặn.

“Giễu cợt” thơ văn trong âm nhạc “rác”, hô biến thành bài nhạc trở thành trào lưu TikTok gây nhức nhối dư luận. Trước khi trở thành chủ đề khiến dư luận xôn xao, chỉ trích, nhiều ca khúc nhạc chế đã có được sự chú ý nhất định, cho thấy sự lệch lạc trong nhận thức một bộ phận giới trẻ.

Xuyên tạc nội dung, chế nhạc phản cảm

Những ngày qua, bản nhạc lan truyền trên TikTok và hastag "Chubeloatchoat" (PV: Chú bé loắt choắt) với hơn 25 triệu lượt xem trên nền tảng này tính đến 26/4. Hiện, tác giả đã quyết định xóa bỏ đoạn remix trên nền tảng này và gửi lời xin lỗi.

Nhiều người khó hiểu khi hình tượng “Lượm" trong bài thơ nổi tiếng của Tố Hữu – đại diện cho những thiếu niên tham gia cách mạng, làm công tác liên lạc phục vụ chiến đấu ở mặt trận Thừa Thiên - Huế, thời kỳ kháng chiến chống Pháp – lại bị chế thành lời ca nhảm nhí, vô nghĩa, xúc phạm. Càng bức xúc hơn khi bản remix này được nhiều người trẻ sử dụng “đu trend” đến vậy.

Bài thơ Lượm bị biến tấu phản cảm, tạo trào lưu xấu, độc trên TikTok.

“Chú bé loắt choắt, cái xắc xinh xinh, cái chân thoăn thoắt, cái đầu cắt moi / Gió đưa cành trúc thật Prada / Trên mạng đang hot trend gì vậy ta / Họa hổ họa bì gian nan họa cốt / Tiên nhân tri diện đường Nguyễn Tri Phương / Cười người hôm trước hôm sau người cười / Trăm nghe không bằng mắt sáng 10/10 / Muốn sang đây được phải bắc cầu kiều / Muốn con hay chữ phải tốn tiền nhiều”, sự chế cháo ngôn từ bài thơ gây phản cảm.

Bên cạnh đó là những hình ảnh, video đính kèm “nhức mắt” khi những TikToker này còn đang ngồi trên ghế nhà trường và có hành động tạo dáng phản cảm, không phù hợp lứa tuổi.

“Những nội dung như vậy mà cũng lên top trending, nhận thức của một bộ phận giới trẻ ngày nay nguy hiểm thật”, “Không hiểu giới trẻ ngày nay nghĩ gì mà cứ mang cái đấy là làm trò, nghĩ là thế nào cũng được”… nhiều ý kiến bức xúc cho hay.

Cách đây không lâu, bản nhạc chế Doraemon của Lê Dương Bảo Lâm bị đánh giá phá nát câu chuyện gắn liền với tuổi thơ của bao người lại “lên ngôi”, chễm chệ trên xu hướng TikTok. Tiếng cười dễ dãi, đôi khi là “xàm” dễ dàng được trẻ nhỏ học thuộc lòng, nghêu ngao hát theo.

Đoạn nhạc có nội dung: “Má Xeko thì nghèo, má Chaien thì giàu còn Nobita luôn ăn hiếp bạn bè. Nobita thầm yêu Xuka, hái hoa hồng tặng cho Chaien. Nếu Chaien bằng lòng lấy Nobita làm chồng, thì Nobito chào đời”.

Mặc nội dung hoàn toàn sai lệch, Lê Dương Bảo Lâm vẫn hát nhiều lần trên các game show. Sau khi bị lên án, nam diễn viên đã chỉnh sửa lời nhạc, đảo vị trí theo đúng nội dung trong bộ truyện tranh đình đám của Nhật Bản.

Lê Dương Bảo Lâm bị chỉ trích vì xuyên tạc nội dung truyện tranh nổi tiếng Nhật Bản.

Vanh Leg – cái tên nổi tiếng với những ca khúc nhạc chế - từng gây tranh cãi vì biến tướng lời phản cảm ca khúc Thương quá Việt Nam thành “Chim trong lồng chim bay ra, chim tung cánh xé tan quần què. Chim bay về một nơi xa” trong video Giấc mộng ca sĩ.

Nhiều gia đình có con “ngã ngửa” khi nghe đứa trẻ hát các ca khúc có ca từ dung tục, bắt nguồn từ “rác phẩm” trên mạng xã hội. Ca khúc Huyền thoại mẹ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng bị đem chế lời gây phẫn nộ: “Đêm chong đèn ngồi đếm bạc, tờ năm chục màu xanh, mẹ cầm súng đứng canh, con cầm dao ngồi cạnh…” hay Tiếng chày trên sóc Bom Bo bị chế lời thô thiển: “Hết tiền tiêu người yêu anh cũng bán/ Bán năm trăm để lấy tiền tiêu tiền tiêu xong lại nhớ đến người yêu. Ở đợ ba năm về chuộc người tình…”.

TikTok chậm trễ trong việc kiểm duyệt nội dung độc hại

Là người có ảnh hưởng trên không gian mạng TikTok với hơn 2,4 triệu người theo dõi, TikToker Hiếu Shyn lên tiếng về bản nhạc chế Lượm: "Lời bài hát không có một ý nghĩa gì cả, nhiều người bảo nó vô tri nhưng nó vui. Nó vui ở chỗ nào? Nó không hề vui. Bài thơ sáng tác về hình ảnh cậu bé giao liên Lượm hay tất cả cậu bé giao liên khác trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đấy là ngợi ca một hình ảnh đẹp, một hình ảnh biểu tượng của thế hệ thiếu niên yêu nước".

Nhà văn Tống Phước Bảo (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) viết trên trang cá nhân: "Khi người trẻ tạo trend gây ra sự lố lăng, tạp nham và mất đi nét đẹp văn chương thì quả là cần phải báo động. Văn hóa với người trẻ càng ngày càng bị sự dễ dãi của cộng đồng mạng dẫn dắt".

Những nội dung “bẩn” xuất hiện ở mọi nền tảng mạng xã hội không riêng gì TikTok, song chính TikTok khiến nhiều người quan tâm và ảnh hưởng sâu rộng. Theo công ty nghiên cứu thị trường DataReportal, có trụ sở tại Singapore, Việt Nam có khoảng 70 triệu người dùng mạng xã hội, đồng nghĩa với việc người dùng TikTok chiếm tới gần 71,3% trong số đó.

Chia sẻ trên Guardian, Philipp Lorenz-Spreen, nhà khoa học nghiên cứu tại Viện Max Planck về Phát triển Con người ở Berlin, cho hay: “Chúng ta biết quá ít về TikTok và những tác động của nó. Điều này một phần là TikTok tương đối mới và một phần do thuật toán của nó rất phức tạp. Thay vì hình ảnh hoặc bài đăng của người bạn theo dõi, TikTok giới thiệu cho bạn loạt video và đánh giá xem bạn thích gì để cung cấp nhiều video hơn, thay thế ‘sự khó khăn khi quyết định xem gì’”.

Nhà nghiên cứu mô tả việc này giống cung cấp dopamine - chất dẫn truyền thần kinh, tác động lên cảm xúc, tư duy và chuyển động của cơ thể. Các ứng dụng truyền thông xã hội tận dụng cơ chế này để kiếm lợi nhuận.

Theo Guardian, hiệp hội phòng chống ngược đãi trẻ em (NSPCC) và tổ chức Molly Rose của Anh đã yêu cầu TikTok tăng cường kiểm duyệt nội dung, xóa bỏ video nội dung độc hại, song phía TikTok được cho quá chậm trễ trong việc phản hồi dù bị nhiều tổ chức phản ánh.

Tác giả: Hà Trang

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP