Năm 2023, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam tới 4,47 tỷ USD, tăng 77,6% so với năm 2022. Ngoài ra, 707 dự án mới, 179 dự án điều chỉnh vốn và 412 lượt góp vốn, mua cổ phần đã được các nhà đầu tư Trung Quốc đăng ký vào Việt Nam.
Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư, tính tới cuối tháng 7/2024, Trung Quốc đang là đối tác dẫn đầu về số lượng dự án mới rót vốn vào Việt Nam.
Nhà đầu tư Trung Quốc tăng tốc rót vốn vào Việt Nam. (Ảnh: ST) |
Hiện tại, Việt Nam đang có 4.750 dự án đầu tư đến từ Trung Quốc ở 19 ngành nghề khác nhau. Tổng vốn đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam đạt hơn 28,5 tỷ USD.
Trong đó, 2 ngành được các nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm nhất, đó là công nghiệp chế biến chế tạo với 2.630 dự án với vốn đầu tư 22,7 tỷ USD, chiếm 79,6% tổng vốn đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam. Tiếp đến là ngành xe máy, với 1.216 dự án với số vốn đầu tư là 522,6 triệu USD, chiếm 1,83% tổng vốn đầu tư.
Một số ngành nghề khác tại Việt Nam cũng nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư Trung Quốc, như: Xây dựng với 205 dự án, vận tải kho bãi với 123 dự án, nghệ với 204 dự án, hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ có 97 dự án,....
Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, TP HCM là địa phương có nhiều dự án đầu tư Trung Quốc nhất với 731 dự án, tiếp đến là Bắc Ninh với 702 dự án, Hà Nội với 659 dự án,..
Tuy nhiên, Tây Ninh mới là địa phương có số vốn đầu tư cao nhất. Hiện, Tây Ninh có 104 dự án đầu tư của Trung Quốc, số vốn đầu tư đạt 4,8 tỷ USD. Tiếp đến là Bắc Giang với 183 dự án, vốn đầu tư đạt gần 2,28 tỷ USD; Bình Thuận có 9 dự án nhưng vốn đầu tư đạt 2 tỷ USD; Bình Dương có 542 dự án với số vốn là 1,7 tỷ USD,...
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Cố Triều Khánh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam khẳng định: Môi trường đầu tư tại Việt Nam đang ngày cải thiện và hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có cả nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam phân tích: Việt Nam có nhiều lợi thế thu hút dòng vốn FDI, như tình hình chính trị, an ninh ổn định, nền kinh tế tăng trưởng nhanh, dân số hơn 100 triệu dân với số lượng trung lưu tăng nhanh chóng.
Đó là chưa kể, Việt Nam có vị trí chiến lược, nằm ở “cửa ngõ” giao thương giữa ASEAN và Trung Quốc.
“Hiện tại Việt Nam có hơn 4.000 hội viên là các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động khắp các tỉnh, thành tại cả 3 miền. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc trong ngành điện tử, bán dẫn như Huawei, Gongjin Electronics,... đã tới Việt Nam xây dựng nhà máy”, ông Cố Triều Khánh nói.
Tác giả: Định Trần
Nguồn tin: congluan.vn