Bạn cần biết

Nguyên nhân gây nấc ở trẻ sơ sinh

Nấc cụt là hiện tượng thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ sơ sinh trong và sau khi bú.

Bạn có thể nhận thấy em bé của mình bị nấc rất nhiều - thậm chí bé bị nấc khi còn trong bụng mẹ. Điều này là hoàn toàn bình thường và thường không có lý do gì để lo lắng.

Vì nấc cụt có xu hướng làm phiền người lớn, bạn có thể cho rằng chúng cũng khiến trẻ sơ sinh khó chịu. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh thường không bị ảnh hưởng bởi chúng. Trên thực tế, nhiều trẻ có thể hết nấc khi ngủ mà không bị khó chịu và nấc cụt hiếm khi cản trở hoặc ảnh hưởng việc thở của trẻ.

Theo Cleveland Clinic, Kylie Liermann, bác sĩ nhi tại khoa Chăm sóc Nhi thuộc Trung tâm Sức khỏe Gia đình Strongsville (Mỹ), cho biết trẻ sơ sinh bị nấc cụt rất phổ biến và không phải là vấn đề. "Trên thực tế, nấc cụt thường khiến cha mẹ lo lắng hơn là em bé", chuyên gia này nói.

Tiến sĩ Liermann giải thích nguyên nhân gây ra nấc cụt ở trẻ sơ sinh và cách loại bỏ chúng để trẻ có thể thở dễ dàng hơn.

Trẻ sơ sinh dễ bị nấc cụt trong khi bú. Ảnh: Babycenter.

Tại sao trẻ sơ sinh bị nấc?

Nấc cụt rất có thể là do kích thích cơ hoành, cơ ở đáy phổi. Đôi khi, cơ đó bắt đầu co thắt hoặc chuột rút. Điều đó khiến dây thanh âm bị kẹp lại, tạo ra âm thanh "hic" đặc biệt đó. Những đứa trẻ đang phát triển có thể bị nấc cụt ngay cả trước khi chúng được sinh ra và nhiều phụ nữ mang thai đã cảm thấy sự rung rinh trong bụng mình.

Nấc cụt đặc biệt phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ đang bú sữa mẹ. Tiến sĩ Liermann nói: "Chúng tôi không biết chính xác lý do, nhưng nấc cụt có thể do tăng khí trong dạ dày. Nếu trẻ bú quá no hoặc nuốt không khí trong khi ăn, điều đó có thể khiến dạ dày nở ra và cọ xát với cơ hoành, tạo ra những tiếng nấc cụt".

Thông thường, nấc cụt không khiến trẻ sơ sinh khó chịu. Nhưng đôi khi, nấc cụt là dấu hiệu của chứng trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Trào ngược khiến axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản của em bé.

Nếu con bạn bị GERD, nấc cụt sẽ không phải là triệu chứng duy nhất. Trẻ sơ sinh bị trào ngược còn có các dấu hiệu như ho, có đờm, khó chịu và khóc, co người, đặc biệt là trong và sau khi bú. Nếu bạn nhận thấy những dấu hiệu này, hãy nói chuyện với bác sĩ về việc liệu bé có thể bị trào ngược hay không và cách xử trí.

Làm thế nào để hết nấc ở trẻ?

Theo tiến sĩ Liermann, nếu em bé của bạn không có các triệu chứng trào ngược, đừng căng thẳng vì nấc cụt. Nhưng nếu những tiếng nấc gây khó chịu, bạn có thể thử một số mẹo nhỏ.

- Thay đổi tư thế cho bú: Theo Healthline, bạn hãy thử cho con bạn bú ở tư thế thẳng đứng hơn. Kê gối cho trẻ để giúp con hít thở ít không khí hơn trong khi ăn.

- Cho trẻ ợ hơi: Tiến sĩ Liermann gợi ý để trẻ ợ hơi thường xuyên hơn vì nó giúp giảm nấc cụt. Vì vậy, cho trẻ ợ hơi trong khi bú để ngăn ngừa nấc cụt. Nếu bạn đang cho con bú, hãy cho trẻ ợ hơi trước khi đổi bên. Nếu trẻ bị nấc cụt, bạn có thể xoa nhẹ chúng bằng cách vỗ nhẹ vào lưng.

- Sử dụng núm vú giả: Không phải lúc nào trẻ sơ sinh cũng bị nấc cụt khi bú sữa. Khi trẻ bắt đầu bị nấc, hãy thử cho con ngậm núm vú giả, vì điều này sẽ giúp thư giãn cơ hoành và có thể giúp chấm dứt cơn nấc.

Tiến sĩ Liermann khuyên cha mẹ không nên quá lo lắng vì nấc cụt tự ngừng và không gây khó chịu cho trẻ sơ sinh. Vì vậy, bạn không nhất thiết phải dùng mọi biện pháp để loại bỏ cơn nấc của trẻ.

Sử dụng núm vú giả có thể làm giảm nấc cho trẻ. Ảnh: Medicalnewstoday.

Một số mẹo nhỏ có thể ngăn ngừa trẻ bị nấc cụt và tiêu hóa tốt hơn:

- Đảm bảo trẻ luôn bình tĩnh khi ăn. Điều này có nghĩa là đừng đợi đến khi bé đói đến mức khó chịu và quấy khóc rồi mới bắt đầu cho bé bú.

- Sau khi cho bé bú xong, tránh vận động mạnh với bé, chẳng hạn tung trẻ lên xuống hoặc chơi đùa mất nhiều năng lượng.

- Giữ trẻ ở tư thế thẳng đứng trong 20-30 phút sau mỗi bữa ăn.

Tác giả: Phương Mai

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP