Hiện các thành phố lớn ở các quốc gia đang phát triển đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng từ khí thải động cơ diesel và đốt rác. Đáng lo ngại nhất là bụi dạng hạt lơ lửng trong khí quyển.
Những hạt này có kích thước rất nhỏ, chỉ có thể nhìn thấy dưới kính hiển vi. Khi các hạt này hình thành, gió có thể cuốn chúng đi và phát tán trên một phạm vi rộng lớn.
Mỗi năm có gần 6 triệu người chết sớm vì tiếp xúc phải bụi lơ lửng. Hầu hết trong số này tử vong do các bệnh về tim, phổi và đột quỵ nhưng nhiều người không nhận ra.
6 loại khẩu trang trong thí nghiệm
Tại phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu khoa Khoa học Sức khoẻ Môi trường, ĐH Massachusetts Amherst thực hiện tính hiệu quả trên 6 loại khẩu trang thông dụng ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Kết quả được công bố trên Journal of Exposure Science & Environmental Epidemiology của Springer Nature cho thấy không có loại khẩu trang nào có hiệu quả 100%. Đặc biệt các loại khẩu trang bằng vải ít tiền có hiệu quả bảo vệ rất thấp.
Khẩu trang vải lọc kém nhất
Trong phòng thí nghiệm, 6 loại khẩu trang làm từ các loại vật liệu bao gồm vải, giấy và polypropylene được đeo lên một mô hình đầu người đặt trong một buồng kín được xả đầy bụi lơ lửng.
Nhóm nghiên cứu đặc biệt tò mò về các loại khẩu trang bằng vải ít tiền được sử dụng rộng rãi ở các quốc gia đang phát triển với giá chưa tới 1 USD, có thể giặt và tái sử dụng nhiều lần.
Kết quả: Loại khẩu trang vải co giãn thông thường có tính hiệu quả thấp nhất, chỉ lọc bỏ được 15-57% lượng bụi trong luồng khí đi qua.
Khẩu trang bằng vải thông thường ít tác dụng
Điều này có nghĩa nếu đeo khẩu trang vải thông dụng trong 1 ngày ô nhiễm ở New Delhi với mật độ bụi lơ lửng 350 microgams/m3 thì khối bụi vẫn lọt vào người gấp 10 lần nồng độ tiêu chuẩn của WHO.
Với khẩu trang y tế N95 làm từ polyprolen, trong điều kiện phòng thí nghiệm và mẫu thử nghiệm là các hạt muối có đường kính 300 nm, khẩu trang này có thể loại bỏ được 95% tổng số hạt.
Đây là tiêu chuẩn được sử dụng để bảo vệ công nhân phải tiếp xúc ngắn hạn với môi trường có nguy cơ ô nhiễm cao như khai thác mỏ, cơ khí, hay các ngành nghề độc hại khác.
Các loại khẩu trang có nếp gấp làm bằng vải và cellulose cũng hoạt động hiệu quả như mặt nạ N95.
Kết luận, tất cả các loại khẩu trang đã kiểm tra đều lọc tương đối tốt các hạt có kích thước lớn nhất. Với bụi mịn, loại ít tiền nhất chỉ có thể lọc ở mức độ rất khiêm tốn và không có loại khẩu trang nào có thể bảo vệ được người dùng 100%.
Cũng phải lưu ý đây mới chỉ là thử nghiệm với bụi lơ lửng, trong khi ô nhiễm không khí bao gồm một hỗn hợp rất nhiều hoá chất, nhiều nguồn khác nhau và các hạt vật chất siêu nhỏ có thể thay đổi kích thước theo thời gian.
Hơn thế, khẩu trang có thể đeo vừa khít với người này nhưng không khít với người khác, làm ảnh hưởng tới tác dụng bảo vệ của khẩu trang.
Cần lựa chọn tốt hơn
Trên thực tế, bụi lơ lửng ở những thành phố bị ô nhiễm nặng, đặc biệt ở những nơi gần nguồn đốt như xe hơi, xe tải hay các đám cháy còn có kích thước nhỏ hơn các hạt 300 nm trong thí nghiệm.
Kích thước hạt càng nhỏ càng khó lọc bỏ. Ngay cả N95 cũng không phải được thiết kế để đối phó với các nguồn ô nhiễm không khí đô thị truyền thống.
Điều đó có nghĩa là ngay cả khi người dân ở những quốc gia đang phát triển có đủ tiền mua N95 (số người này không nhiều) thì một lượng đáng kể các hạt bụi độc hại vẫn có thể đi vào phổi của họ.
Một số nhà sáng chế đã thiết kế những khẩu trang vải tốt hơn giống với N95 dành cho người dân bình thường. Những thiết kế mới này đạt được tiêu chuẩn của N95, nhưng vẫn còn chưa rõ sẽ hoạt động hiệu quả đến đâu cho một người lái taxi ở Karrachi hay một người đứng trông cửa hàng ở Sài Gòn. Thêm nữa, họ cũng khó tiếp cận được loại khẩu trang này vì giá thành.
Hình ảnh thường thấy ở Việt Nam
Vậy có thể thiết kế được một loại khẩu trang vừa tiền cho đa số mọi người mà vẫn có hiệu quả tốt? Có thể chứ.
Nhưng cho đến khi điều này xảy ra, chúng ta không thể cho phép người dùng khẩu trang tưởng rằng họ hoàn toàn được bảo vệ từ không khí ô nhiễm. Có những loại khẩu trang có hiệu quả bảo vệ nhất định, vậy vẫn còn tốt hơn là không có gì.
Nhưng mỗi người nên tự điều chỉnh việc phải tiếp xúc với không khí ô nhiễm như chọn nơi sống, bỏ thói quen hút thuốc, hạn chế đi trên những con đường tắc nghẽn giao thông, và dài hạn hơn là cần phải giảm mức độ ô nhiễm ngay ở nguồn gây ra ô nhiễm.
Tác giả bài viết: Phạm Thanh Vân