Giáo dục

Nguy cơ chuyển sang kiểu dạy học đối phó

Dù Bộ GD-ĐT đã công bố phương án thi THPT quốc gia năm 2017, giáo viên và học sinh chuẩn bị ôn tập theo hướng thi mới nhưng dư luận vẫn còn bàn tán nhiều về vấn đề thi trắc nghiệm hay luận đề đối với một số môn học.

dayhoc LPCE
Học sinh lớp 12 một trường THPT tại TP.HCM ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Bất cập với mục tiêu giáo dục phổ thông

Thi tức là đánh giá thành quả học tập hay đo lường năng lực mà học sinh (HS) đã đạt được. Trong khoa học về đo lường và đánh giá giáo dục (Measurement and Evaluation), trắc nghiệm (test) và luận đề (essay) là hai loại công cụ cùng được thường xuyên áp dụng. Cả hai loại này đều có hiệu lực tốt nhưng mỗi loại lại có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Vì thế, việc lựa chọn trắc nghiệm hay luận đề tùy thuộc vào mục tiêu giáo dục và điều kiện của việc đánh giá.

Trong chương trình giáo dục phổ thông, mỗi môn học đều có mục tiêu giáo dục theo 3 lĩnh vực là nhận thức, kỹ năng và thái độ - tình cảm. Đối với mục tiêu nhận thức, các đề trắc nghiệm có hiệu lực rất cao, nhất là với 2 trình độ “biết” và “hiểu”. Nhưng đối với các loại mục tiêu kỹ năng và thái độ - tình cảm, thì luận đề có ưu thế hơn để HS tự thể hiện mình bằng văn viết. Do vậy, xuất phát từ thực tiễn dạy học ở trường phổ thông, giáo viên dễ dàng nhận ra rằng phương án thi trắc nghiệm của Bộ là bất cập đối với mục tiêu giáo dục phổ thông.



Với những ưu điểm và nhược điểm của 2 loại công cụ như trên, môn học nào cũng có thể (hoặc cần phải) áp dụng một trong 2 hoặc cả 2 công cụ đo lường này; và không thể có môn nào chỉ trắc nghiệm mà không có luận đề (hoặc ngược lại). Nói chung, để đánh giá HS tốt nghiệp THPT, dạng đề thi tốt nhất cần có 2 phần: phần 1 - trắc nghiệm (để đo kiến thức tổng quát toàn bộ chương trình học) và phần 2 - luận đề (để đánh giá các kỹ năng phân tích, tổng hợp và thái độ - tình cảm mà HS đã đạt được). Như vậy, một đề thi trong đó lịch sử chỉ là môn trắc nghiệm, lại ghép chung với địa lý và giáo dục công dân, là không thể đáp ứng đầy đủ với mục tiêu giáo dục phổ thông.

Nhiều trường ĐH phải tổ chức thi thêm

Đối với đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ thì lại khác. Loại đề thi này nhằm đánh giá những năng lực cần có của thí sinh để có thể theo học các chuyên ngành ở bậc sau trung học. Những năng lực này có thể hình thành từ một môn học cơ bản nào đó, nhưng cũng thường được tạo nên từ một số môn học tích hợp với nhau, thậm chí từ các hoạt động ngoài chương trình học phổ thông. Do đó, những đề thi tích hợp từ các môn học gần gũi nhau (sử - địa - giáo dục công dân hoặc lý - hóa - sinh…) hoàn toàn có thể áp dụng trong đề thi này. Hơn nữa, với loại đề này, trắc nghiệm có ưu thế hơn hẳn so với luận đề vì chấm bằng máy với tốc độ rất nhanh và cho kết quả khách quan chính xác. Nhưng như vậy không có nghĩa là bỏ thi theo luận đề. Ngược lại, đối với những ngành khoa học cơ bản như toán hay ngữ văn, luận đề là vô cùng cần thiết để đánh giá kỹ năng viết và giải toán của thí sinh.

Đề thi minh họa cho thấy bài trắc nghiệm được soạn thảo đủ để đo lường các năng lực cơ bản của thí sinh trước ngưỡng cửa các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, kết quả của kỳ thi này vẫn không đủ để đáp ứng yêu cầu tuyển sinh của tất cả các trường. Sẽ có nhiều trường phải tổ chức thi thêm để đánh giá năng lực cần có của thí sinh đối với những chuyên ngành của mình. Như vậy, kỳ thi này vẫn còn bất cập ngay cả với việc tuyển sinh.

Sai lầm gán ghép “2 trong 1”

Dạy học và thi cử có mối tương quan mật thiết với nhau theo hai chiều, theo kiểu “dạy thế nào thì thi thế ấy” và ngược lại “thi thế nào thì dạy thế ấy”. Phương án thi không đáp ứng được đầy đủ mục tiêu giáo dục phổ thông, mà chủ yếu phục vụ cho việc tuyển sinh. Như vậy, với phương án này, hiệu ứng ngược “thi thế nào thì dạy thế ấy” sẽ phát huy tác dụng. Ở nhà trường, các mục tiêu giáo dục phổ thông sẽ không được chú trọng đầy đủ trong quá trình dạy học các bộ môn, để chuyển sang kiểu dạy học đối phó với những yêu cầu của việc tuyển sinh. Nói cách khác, quá trình dạy học THPT có nguy cơ biến thành quá trình luyện thi. Từ đó có thể hình dung chất lượng giáo dục phổ thông sẽ bị ảnh hưởng như thế nào.

Như vậy, vấn đề đặt ra cho phương án thi không giới hạn trong phạm vi lựa chọn giữa trắc nghiệm với luận đề mà chính là ở hiệu lực của kỳ thi đó. Sự bất cập về hiệu lực của phương án này vẫn xuất phát từ ý tưởng sai lầm về kỳ thi “2 trong 1”, gán ép 2 mục đích cho một kỳ thi (vừa xét tốt nghiệp lại vừa tuyển sinh ĐH, CĐ). Giải pháp cho vấn đề này là phải tách bạch 2 mục đích khác nhau của kỳ thi này ra để chọn lấy một phương án thỏa đáng. Trong tình hình giáo dục hiện tại, phương án đúng đắn duy nhất là: cải tiến kỳ thi THPT để đáp ứng đầy đủ mục tiêu giáo dục phổ thông hiện có; còn việc tuyển sinh thì giao cho các trường tự chọn phương án tuyển sinh cho mình.

Tác giả bài viết: Tiến sĩ Lê Vinh Quốc

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP