Trái với không khí mua bán tấp nập gần 1 tháng trước, những ngày này, quầy bán thịt lợn của anh Nguyễn Văn Huy (ở chợ Tân An, phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột) luôn trong tình trạng ế ẩm. Anh Huy cho biết, kể từ khi dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện ở Việt Nam, nhiều người dân ở thành phố Buôn Ma Thuột đã quay lưng với thịt lợn. Trước đây, mỗi ngày quầy hàng luôn có hàng trăm khách tới mua, sức tiêu thụ luôn từ 2 đến 2,5 tạ thịt lợn/ngày, nhưng thời điểm này thì chỉ bán được khoảng 80kg.
"Từ hôm có thông tin dịch tả lợn Châu Phi thì bán rất ế. Trước tết chưa có dịch thì 90.000/kg nhưng giờ giảm giá xuống 70.000-75.000/kg mà cũng ít người mua. Trước dọn hàng từ sáng sớm ra bán đến 10 giờ trưa là hết, nhưng giờ phải đến 6-7 giờ tối mà không bán hết", anh Huy nói.
Dù giá chỉ ở mức 70.000-75.000 đồng/kg nhưng sức mua thịt lợn ở Đắk Lắk vẫn giảm mạnh |
Tương tự, bà Hoàng Thị Chi, tiểu thương bán thịt lợn ở Chợ Trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, dù thịt lợn của cửa hàng được lấy từ nguồn đảm bảo, có dấu kiểm dịch của Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm Đắk Lắk nhưng người dân vẫn không mặn mà.
"Ví dụ nếu con nào bị dịch thì họ đã tổ chức tiêu hủy, con nào không bị bệnh thì mới đưa vào lò mổ để bán. Thịt mang vào lò mổ là lành, được kiểm dịch cẩn thận, nên người mua không sợ. Nếu người mua quay lưng thì tội cho người buôn và cả người nuôi heo”, bà Chi chia sẻ.
Theo thông tin mới nhất từ Chi Cục thú Y Đắk Lắk, ở tỉnh chưa phát hiện cá thể lợn nào nhiễm bệnh tả lợn Châu Phi. Bệnh này xuất hiện ở 18 tỉnh thành phố trong cả nước, gây chết 100% trên những con lợn nhiễm bệnh nhưng không lây sang người. Vì vậy, người tiêu dùng cần bình tĩnh, không nên tẩy chay thịt lợn, tạo thêm gánh nặng cho người chăn nuôi.
Do tâm lý, người tiêu dùng ở Đắk Lắk vẫn rất dè dặt với thực phẩm thịt lợn |
Ông Thủy Lệ Vũ, Quyền Chi Cục trưởng Chi Cục chăn nuôi và thú y tỉnh Đắk Lắk cho biết, địa phương đang triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi lây truyền vào địa phương.
"Hiện nay chưa có phát hiện nào thấy được dấu hiệu có bệnh dịch tả lợn Châu Phi ở tỉnh Đắk Lắk, tuy nhiên, Chi Cục thú y đang phối hợp với các ngành chức năng để tuyên truyền đến người dân nâng cao cảnh giác phòng ngừa dịch tả lợn Châu Phi. Chúng tôi khuyến cáo người chăn nuôi khi chọn giống cần chọn những cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, không mua trôi nổi ngoài thị trường. Ngoài ra, sau khi mua về thì phải tiêm phòng các loại văcxin phòng dịch bệnh theo đúng quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; xử lý khử trùng tiêu độc định kỳ, vệ sinh chuồng trại để tránh mầm bệnh có thể xuất hiện", ông Thủy Lệ Vũ cho biết.
Đắk Lắk hiện có tổng đàn lợn khoảng 750.000 con. Trên địa bàn tỉnh cũng có hơn 30 cơ sở giết mổ tập trung, mỗi ngày cung cấp cho thị trường các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh khoảng 1.000 con, tổng sản lượng khoảng 60-70 tấn thịt. Tất cả các lò mổ này đều đã được ngành chức năng địa phương tổ chức kiểm tra, kiểm soát thường xuyên và đóng dấu kiểm dịch lên sản phẩm thịt lợn; được đưa đến các điểm bán hàng tin cậy, góp phần thu hẹp nguồn lan truyền, qua đó kiểm soát thành công dịch tả lợn Châu Phi. Việc người tiêu dùng có tâm thế đúng đắn với thịt lợn là điều rất quan trọng để giúp người chăn nuôi vượt qua thời điểm khó khăn như hiện nay./.
Tác giả: Tuấn Long
Nguồn tin: Báo VOV