Giáo dục

Người thầy khởi xướng "nghìn việc tốt"

Nhà giáo nhân dân - Anh hùng lao động Nguyễn Đức Thìn là tác giả của phong trào “Nghìn việc tốt” được phát động hơn 50 năm trước. Đến nay, dù đã ở tuổi 76, đau ốm quanh năm nhưng chưa lúc nào thầy Thìn ngơi nghỉ.

Thầy giáo Nguyễn Đức Thìn ngày phát động phong trào “Nghìn việc tốt”


Từ một đốm lửa nhỏ

Thầy Nguyễn Đức Thìn nhớ lại thời điểm năm 1961 khi được điều động về trường cấp II Tam Sơn (Từ Sơn, Bắc Ninh) dạy học đã được kiêm luôn chức Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong: “Lúc đó đất nước đang trong chiến tranh lửa đạn cho nên mình nghĩ, làm phụ trách Đội thì cũng phải hướng đội viên đến điều gì đó có ích. Thế là mình hướng các em thi đua thắp sáng ngọn đèn Ngô Gia Tự”.

Không ngờ khi phong trào được phát động, các em học sinh đã hưởng ứng nhiệt liệt. Từ phong trào này, những hoạt động hướng các đội viên đến những công việc thường nhật nhưng thiết thực như: vệ sinh trường lớp, làm sạch đường làng ngõ xóm và giúp những người nghèo khó được coi như nền tảng cho một cuộc vận động mới.

Dựa trên những thực nghiệm của “Phong trào Ngô Gia Tự”, năm 1963, phong trào “Nghìn việc tốt” chính thức được phát động. Từ ngôi trường cấp II Tam Sơn, “Nghìn việc tốt” được lan rộng khắp huyện rồi khắp tỉnh. Các tỉnh khác thấy Bắc Ninh có phong trào hay và ý nghĩa thì đến học hỏi. Dần dần, “Nghìn việc tốt” không chỉ nằm trong phạm vi một tỉnh mà có ở khắp các trường học trong cả nước.

“Với các em học sinh, chúng ta hướng đến những việc nhỏ như: lớp học nghìn việc tốt, xóm thôn nghìn việc tốt và đặc biệt là giúp các em hiểu rằng việc tốt là tất cả những việc có ích trong cuộc sống hàng ngày. Từ đó, trong tâm trí của các em học sinh được hình thành những nhân cách đứng đắn để làm người tử tế”, thầy Thìn chia sẻ.

Từ ngôi trường khởi đầu của phong trào này, nhiều học sinh đã trưởng thành từ những việc làm nhỏ bé ấy. Sau này, các học sinh như Nguyễn Văn Lan, Ngô Văn Mai và 90 học sinh khác đã gác sách bút, dù có người còn được gọi đi học nước ngoài. Tất cả đã tình nguyện lên đường ra chiến trường và nhiều người trong số đó ngã xuống vì đất nước.

“Cũng từ một phong trào rất nhỏ thôi, nhưng nhiều em học sinh đã biết phấn đấu và sau này trở thành những người trí thức thành đạt như GS.TS Nguyễn Toàn Thắng, Trần Thị Minh Nguyệt, Ngô Ngọc Cát”, thầy Thìn cho biết.

Sau nghỉ hưu, thầy Thìn vẫn tiếp tục truyền cảm hứng “nghìn việc tốt” cho các thế hệ học sinh


Vượt qua biên giới

Những năm 1970, phong trào “Nghìn việc tốt” không chỉ được nhân rộng trên tất cả các trường học của Việt Nam mà còn được nhiều quốc gia khác sang học hỏi kinh nghiệm.

“Không chỉ báo chí trong nước, mà báo chí nước ngoài cũng về tận Bắc Ninh để tìm hiểu, chụp ảnh viết bài và coi đây như một sáng kiến không chỉ trong ngành giáo dục, mà cũng là sáng kiến chung để hình thành nhân cách một con người”, thầy Thìn cho hay.

Nhiều nước Đông Âu đã cho đoàn học sinh sang Việt Nam tìm hiểu. Từ phong trào này, nhiều trường học trên khắp Đông Âu đã tích cực làm theo và đem lại những kết quả tốt đẹp.

Nhiều lần thầy Nguyễn Đức Thìn cũng dẫn đoàn học sinh Việt Nam sang các nước Đông Âu để thuyết trình về “Nghìn việc tốt” trong học đường. Ngay từ thời kỳ đó, việc tốt của học sinh nhỏ tuổi đã được gắn liền với việc trồng cây, gây rừng. “Bảo vệ rừng, làm cho đất nước, quê hương xanh tốt cũng là một việc tốt. Ý tưởng này được các học sinh nước ngoài nhiệt tình hưởng ứng”, thầy Thìn cho biết.

Năm 1971, trường Tam Sơn (Bắc Ninh) đã kết nghĩa với các đội viên trường Talơman của CHDC Đức (nay là CHLB Đức). Từ đó đến nay, hai trường của hai quốc gia vẫn giữ liên lạc với nhau. “Nghìn việc tốt” như một vườn hoa tỏa hương ở khắp nơi.

Thầy Nguyễn Đức Thìn cho rằng: “Trong quá trình hình thành nhân cách của một em học sinh nhỏ tuổi, những uốn nắn giản đơn là rất quan trọng. Vì vậy, tiêu chí của “Nghìn việc tốt” cũng chỉ nằm trong 4 câu thơ: “Làm nghìn việc tốt/Cùng trừ việc xấu/Cộng nhân yêu thương/Chia niềm thông cảm”.

Hình ảnh thiếu nhi “Nghìn việc tốt” trên một tờ báo thời chiến


Chiến đấu với chính mình

Nổi tiếng khắp nơi với phong trào “Nghìn việc tốt”, không ngờ có thời gian thầy Thìn phải từ bỏ tất cả vì căn bệnh phong quái ác.

“Năm 1978, toàn bộ thần kinh ngoại biên của tôi bị liệt, chân tay mất hết cảm giác và toàn thân gần như không thể hoạt động được. Sống mà như đã chết nên tôi suýt đánh mất mình”, thầy Thìn nhớ lại.

Thời điểm trước những năm 1980, bệnh phong là một nỗi kinh hoàng đối với toàn xã hội. Những người chẳng may mắc phải căn bệnh này sẽ vĩnh viễn bị xã hội cách ly. Thầy Thìn chia sẻ: “Không biết bao nhiêu đêm ngày tôi đã mất ăn mất ngủ. Nhưng tôi nghĩ, dù sao thì nó cũng chỉ là một căn bệnh. Có bệnh thì phải chữa là đương nhiên. Chiến đấu với bản thân mình mới là khó nhất. Trong khi đó, mình là người dạy cho các em những điều hay ý đẹp, thì tại sao mình không áp dụng được với mình”.

Suốt 4 năm chiến đấu với bệnh tật tại làng phong Quỳnh Lập (Nghệ An), đến khi ra viện thì các ngón tay của thầy Thìn bị co rút lại. Việc cầm bút và phấn đối với người thầy lúc này cực kỳ khó khăn. Nhưng với ý chí sắt đá, thầy Thìn đã gắng gượng đứng trên bục giảng làm tròn trách nhiệm của một người thầy.

Khi nghỉ hưu, tác giả của “Nghìn việc tốt” vẫn không chịu ngồi yên. Dù thân thể bệnh tật, đau ốm liên miên nhưng thầy Thìn vẫn đi đến các trường, phần để khuyến khích học sinh làm việc tốt, phần nữa để góp sức mình vào công cuộc giáo dục tri thức cho thế hệ trẻ.

Không chỉ có vậy, từ mấy năm nay, thầy Thìn còn tham gia vào Ban quản lý di tích Đền Đô - nơi an nghỉ của “Lý Bát đế”, tức 8 vị vua nhà Lý. Mỗi đoàn khách và từng đoàn học sinh từ khắp các nơi đến lại được nghe thầy Thìn kể chuyện lịch sử đầy thú vị.

Với sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Đức Thìn, cựu đội viên Đội thiếu niên Đình Bảng, không khí thi đua “Nghìn việc tốt” ở trường THCS Tam Sơn vô cùng sôi nổi. Hàng ngày, các đội thiếu niên tiền phong từng lớp ghi vào sổ vàng những việc tốt.

Đó là việc một em bị ốm, các em trong lớp thay nhau đến thăm nom, giúp đỡ, chép hộ bài; thay nhau cõng một bạn bị đau chân không đi học được; đưa cụ già về nhà; giúp đỡ người kéo xe bò vượt dốc... Việc tốt diễn ra khắp mọi nơi, từ trường về nhà, khiến chính người lớn cũng làm theo.

“Làm việc tốt không khó. Nhưng nếu chúng ta không hướng các em đến với cái tốt thì là một khiếm khuyết lớn. Các nước trên thế giới cũng có những phong trào, những môn học hướng đến cái tốt, cái tử tế. Tạo cho các em một nếp nghĩ, một cách làm tốt cũng là tạo ra một nhân cách tốt”, thầy Nguyễn Đức Thìn chia sẻ.

Tác giả bài viết: Kiều Trang

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP