Tin địa phương

Người phụ nữ xây trường mầm non bên bờ sông giới tuyến

Nghị lực vượt qua đói nghèo, bà Nguyễn Thị Anh Đào ở khóm Hải Hòa, thị trấn Hồ Xá (Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã lăn lộn làm đủ thứ nghề để kiếm sống.

Trời không phụ người, bằng sự thông minh và sáng tạo, cuối cùng vợ chồng bà Đào đã phát triển kinh tế gia đình, trở thành một trong những gia đình giàu có nơi bờ Bắc sông Bến Hải. Đáng trân quý, họ đã dùng số tiền dành dụm được xây dựng một ngôi trường mẫu giáo, ươm mầm cho tương lai…

Hỏi chuyện mới hay, bà Đào quê ở xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Năm 16 tuổi (1977), bà tham gia lực lượng thanh niên xây công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị. Ba năm sau đó, bà được tuyển vào làm công nhân Nông trường Bến Hải, Vĩnh Linh.

Bà Nguyễn Thị Anh Đào kể chuyện xây dựng trường mầm non bên bờ sông giới tuyến.

Nhờ tính nết thật thà, sống tình cảm với mọi người xung quanh và đặc biệt rất yêu thương con trẻ, nên trong đợt tìm kiếm, tuyển chọn đối tượng đi học ngành Giáo dục mầm non năm 1981 của chính quyền cơ sở, cô thanh nữ trẻ đẹp, tốt tính tốt nết ấy đã được lựa chọn. Gắn bó với nghề giáo được 13 năm, bà Đào chảy nước mắt chia tay với nghề.

“Hồi đó, tiền lương giáo viên rất còm cõi, mới lãnh tuần trước, tuần sau đã cạn túi không còn một xu. Cuộc sống quá khó khăn, tui đành phải chia tay với nghề, xin Nhà nước cho được nghỉ hưu theo chế độ. Sau khi nghỉ, tui bươn chải làm đủ thứ nghề để kiếm sống, từ việc đi chặt củi, bứt đót, bứt tranh đến việc phụ hồ, khuân vác hàng thuê tại các bến xe, bến tàu. Nhiều hôm vợ chồng bàn tính đầu tư buôn bán thứ gì cho đỡ vất vả hơn, song việc bán buôn lúc đó thật sự chẳng dễ dàng gì, hơn nữa mình còn chẳng có chút đồng vốn lận lưng, việc đi vay mượn mấy ai dám cho mình vay”, bà Đào trầm ngâm nhớ lại.

Cuộc sống cứ mãi trong khó nghèo, vợ chồng bà Đào chỉ biết động viên nhau cố gắng nuôi con cái, chăm lo cho chúng được học hành.

“Một lần vào khoảng đầu năm 2008, khi tui đang làm công việc phụ hồ, thấy ngày nào cũng có thương lái vào ra các con hẽm của thị trấn Hồ Xá hỏi mua heo sữa. Tui tò mò tìm hiểu thì biết được thị trường heo sữa lúc đó đang phát triển rất mạnh. Một ý nghĩ về đầu tư bán buôn heo sữa chợt ập đến, chạy nhanh qua đầu mình. Tối hôm đó về nhà tui thức trắng. Đến sáng sớm hôm sau tui quyết định không đi làm mà kêu chồng đến để bàn bạc việc vay mượn tiền đầu tư buôn bán hàng hóa trên. Được chồng nhiệt tình ủng hộ cộng với sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền và các đoàn thể ở địa phương, gia đình tui được Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Hồ Xá cho vay 6 triệu đồng, với lãi suất ưu đãi, thời hạn trả cả gốc lẫn lãi trong 5 năm. Nhờ đó, tui đã có được vốn liếng để khởi nghiệp!”, bà Đào kể lại.

Bắt được mối xuất, mỗi ngày bà rong ruổi trên chiếc xe đạp đi khắp hang cùng ngõ hẻm của thôn xóm tìm mua heo sữa. Nhờ kiên trì, vài năm sau đó, chiếc xe đạp được thay bằng xe máy để tiếp tục công việc bán buôn.

Cũng thời điểm đó, bà mạnh dạn mở đại lý phân phối thức ăn chăn nuôi cho bà con trong vùng. Chuỗi trang trại do bà cùng cấp thức ăn ngày được mở rộng ra không chỉ trong tỉnh mà còn các tỉnh lân cận như Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế.

Đến nay, bà Đào đã có trên dưới 300 đại lý do bà quản lý ở các tỉnh này. Qua 8 năm buôn bán heo sữa, bà thu được lợi nhuận hàng chục tỷ đồng. Năm 2016, bà mạnh dạn đầu tư 15 tỷ đồng xây dựng trang trại nuôi 500 con heo nái để cung cấp nguồn heo giống và 2.000 con heo thịt sạch mỗi năm cung cấp cho thị trường châu Âu.

Giữa năm 2017, bà thành lập Công ty TNHH Hùng Dung chuyên sản xuất tinh bột nghệ, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Với hai mô hình sản xuất, kinh doanh đó, bà giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 20 lao động ở địa phương với thu nhập ổn định.

Bằng những đóng góp của mình, bà Đào vinh dự được tặng giải thưởng Bông Sen Hồng - giải thưởng dành cho những cá nhân trong phong trào “Học hay - Làm sáng tạo - Sống văn hóa” của huyện Vĩnh Linh và dự Hội nghị điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017.

Điều đáng trân quý, vợ chồng bà Đào đã dùng số tiền dành dụm bằng mồ hôi công sức của chính mình làm ra, xây dựng một ngôi trường mầm non ngay bên bờ sông giới tuyến. Việc xây dựng ngôi trường nhằm “nối lại” nghề xưa của bà Đào, một cái nghề mà suốt cuộc đời bà luôn trân trọng và ước ao thực hiện được nó một cách trọn vẹn...

Tác giả: Phan Thanh Bình

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP