Du lịch

Người người kéo nhau ra 'Ruộng'... ăn bánh canh

Cứ tầm chiều chiều, người dân xung quanh khu vực quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) lại rủ nhau đến xếp hàng để ăn bánh canh tại một ngôi nhà lọt thỏm giữa cánh đồng ruộng mênh mông.

Hôm nay, tôi có hẹn cà phê với đám bạn học cũ, hơn một năm kể từ khi ra trường chúng tôi cũng ít gặp nhau. Trong buổi trò chuyện, một đứa cao hứng khoe sắp được về quê nghỉ phép dài ngày khiến cả đám ganh tị.

Tự dưng tôi nhớ thời còn học đại học, vì nhà xa nên cả năm tôi mới được về quê đúng 2 lần vào dịp tết và nghỉ hè. Cứ mỗi cuối tuần, khi bạn bè khăn gói về thăm nhà thì tôi chỉ ngồi nhìn một cách “thèm thuồng” rồi nói vu vơ: “Tụi mày mà về quê tao, tao sẽ dẫn tụi mày đi ăn nhiều món ngon như bún mắm, mì quảng, cao lầu...”. Và dĩ nhiên là tôi không quên khoe về món bánh canh “Ruộng”, món ăn mà đối với tôi là một “đặc sản” của tuổi thơ.

Đợi đến khi đám bạn nhao nhao lên thắc mắc: “Tại sao lại gọi là bánh canh “Ruộng”?”, tôi sẽ ngay lập tức ra vẻ nghiêm trọng, rồi giải thích: “Bởi vì ngày xưa ở quanh khu đó không có đường sá hay nhà cửa gì, toàn ruộng với ruộng thôi. Rồi tự nhiên có 2 vợ chồng ở đâu tới, dựng lên ngôi nhà ngay giữa ruộng để bán… bánh canh. Vậy là cái tên bánh canh “Ruộng” ra đời”…

Ông Nguyễn Đức (49 tuổi, chủ quán) chia sẻ, thực ra trước đây quán chủ yếu bán cho khách quen là người lao động nghèo. Những năm gần đây, khách du lịch kéo đến ngày càng đông. Tuy nhiên, không vì thế mà quán tăng giá, chủ yếu lấy số lượng để làm lời là chính. ẢNH: LƯU TRÂN

Bánh canh ở đây có 2 loại là bột gạo và bột lọc. Thay vì được ăn kèm với chả cá, cá lóc hay xương thì trong một tô bánh canh “Ruộng” sẽ bao gồm các món ăn kèm như: trứng cút, nem, chả lụa, chả chiên, cá và một cục xương to tổ chảng.

Quán mở cửa từ 11 giờ đến 22 giờ mỗi ngày. Vào giờ cao điểm, ngoài hai vợ chồng chủ quán thì có thêm 3,4 nhân viên phụ bán vẫn không kịp. Nhiều người nóng lòng đã phải tự đến quầy đứng chen chân chờ tới lượt mình và tự phục vụ... ẢNH: LƯU TRÂN

Đặc biệt, bánh canh “Ruộng” không có bánh quẩy mà chỉ có ram chiên giòn để chấm nước lèo. “Cây ram dài khoảng 15cm, thon thon chứ không mập lùn như ram bình thường đâu. Cắn miếng nào là giòn rụm miếng đó, giòn từ ngoài vỏ đến tận nhân”, kể cho bạn bè nghe mà tự dưng mũi tôi lại ngửi thấy mùi thơm của nồi nước lèo, miệng cũng cảm nhận được rõ rệt hương vị đậm đà của món ăn…

Ram được chủ quán tự chế biến với phần nhân bao gồm cọng bún khô chiên xù, khoai mỡ, khoai tây xắt sợi và thịt nạc băm nhuyễn… Tất cả trộn chung với nhau rồi nêm nếm gia vị vừa phải, trung bình mỗi ngày ông Đức phải chiên 1.000 cây ram mới đủ phục vụ thực khách. ẢNH: LƯU TRÂN

“Vậy bây giờ thì sao? Giờ còn bán giữa ruộng không mày?”, câu hỏi của nhỏ bạn vang lên đúng lúc đã kéo tôi về với thực tại. Không đợi bị giục lần 2, tôi kể tiếp, bánh canh “Ruộng” bây giờ nằm ở số 20 Hà Thị Thân (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Quán vẫn nằm nguyên vị trí cũ cách đây 20 năm, chỉ khác là xung quanh không còn đồng ruộng, thay vào đó là “nhà cửa, chùa chiền, xe cộ qua lại cũng đông đúc hơn”.

Một tô bánh canh “Ruộng” sẽ bao gồm các món ăn kèm như: trứng cút, nem, chả lụa, chả chiên, cá.... ẢNH: LƯU TRÂN

Không gian quán không rộng lắm, khách có thể ngồi trong nhà hoặc ngồi ngay khoảng sân trước quán. Khu vực bếp nấu ăn được đặt ngay phía bên phải cửa ra vào, nồi bánh canh không quá đặc sắc và cầu kỳ mà chủ yếu theo kiểu "có răng nấu rứa".

"Hầu hết các nguyên liệu làm nên tô bánh canh đều do tự tay vợ chồng tôi làm và nấu đơn giản theo kiểu truyền thống chứ ít pha trộn phụ gia... Do nhà cũng gần cảng cá nên lúc nào tôi cũng chọn được cá tươi vừa đánh ở biển vào", ông Đức chia sẻ. ẢNH: LƯU TRÂN

Thích nhất là nhìn 2 vợ chồng chủ quán nấu bánh canh phục vụ khách hàng. Người thì trụng sợi bánh canh qua nước sôi, cho thêm các nguyên liệu ăn kèm rồi múc từng vá nước lèo nóng hổi vào… Người còn lại sau khi nhận tô bánh canh sẽ rắc chút tiêu, thêm nhúm hành ngò, hành tây xắt lát mỏng rồi đem ra cho khách, không quên kèm theo một đĩa ram.

Cá ở đây sử dụng là cá chỉ vàng hoặc cá ngừ được tẩm gia vị rồi đem đi luộc, sau đó lóc riêng phần thịt cá ra giã nhỏ, ninh trên bếp với một chút nước sền sệt... ẢNH: LƯU TRÂN

Tiếng lành đồn xa, dần dần người ta thấy bánh canh Ruộng ngon rồi truyền tai nhau kéo đến. Nhiều khách du lịch đến Đà Nẵng cũng tò mò ghé quán thử xem ngon, bổ, rẻ là như thế nào. Đông nhất vẫn là học sinh, sinh viên, có cô cậu ở xa cả chục cây số nhưng vẫn thường xuyên lặn lội ghé quán thưởng thức món bánh canh "là lạ" này. Nhiều gia đình tắm biển xong cũng tạt vào quán ăn cho bằng được tô bánh canh nóng hổi rồi mới chịu về...

Bánh canh ở đây có 2 loại là bột gạo và bột lọc. Trẻ con thường thích ăn bột gạo vì nó không trơn tuột như bột lọc, ngược lại, bánh canh bột lọc dai dai thì được nhiều người lớn ưa thích hơn. ẢNH: LƯU TRÂN

“Giá cả thì sao mày? Chắc cũng không rẻ đâu ha?”, tôi đánh giá câu hỏi này của nhỏ bạn là câu hỏi mang tính “thực tế” cao. Giá bánh canh ở đây có thể nói là khá rẻ, mỗi tô có giá dao động từ 20.000 – 45.000 đồng, tùy kích cỡ và các phần ăn kèm do khách lựa chọn.

Một thực khách tên Minh Hải (54 tuổi, trú phường Nại Hiên Đông, Sơn Trà), nhận xét: "Quán bánh canh ni nói đúng ra đã gắn liền với mấy thế hệ đi biển của người dân rồi. Tui là tui ghiền tô bánh canh thơm ngon ni từ hồi mới mở bán tới chừ. Không phải nói quá chớ bánh canh “Ruộng” không chỉ là món ăn đơn thuần mà phải gọi là đặc sản của thành phố biển Đà Nẵng mới đúng”. ẢNH: LƯU TRÂN

Theo lời chủ quán thì cá ở đây sử dụng là cá chỉ vàng hoặc cá ngừ được tẩm gia vị rồi đem đi luộc, sau đó lóc riêng phần thịt cá ra giã nhỏ, ninh trên bếp với một chút nước sền sệt... Nước luộc cá được tận dụng để nấu nước lèo, vừa giúp nước có độ ngọt tự nhiên, vừa đảm bảo hương vị thơm ngon của món ăn. Có lẽ, chính cách nấu "nguyên thủy" của dân làng chài lại hấp dẫn thực khách bởi sự mộc mạc và thơm đằm vị biển không lẫn vào đâu được...

Khung cảnh một đứa đang thao thao bất tuyệt và nhiều đứa chăm chú lắng nghe bỗng dưng bị phá vỡ chỉ vì… tiếng chuông điện thoại. Tôi còn nhớ như in câu trách móc pha chút nài nỉ của tụi bạn: “Do mày kể chuyện đồ ăn làm tụi tao suýt trễ xe đò, hên má gọi. Mày hứa có dịp dẫn tụi tao về quê mày, ăn hết mấy món ngon thiệt ngon nha”… Tôi “ừ”!

"Tôi ăn ở nhiều chỗ khác nhưng không chỗ mô ngon bằng chỗ ni. Bánh canh “Ruộng” rất đặc biệt vì nước dùng đậm đà, có vị ngọt, sánh dễ chịu. Ram ăn kèm cũng lạ, giòn tan nên tôi thích lắm. Giá cả thì cũng phải chăng, hợp với túi tiền của nhiều người”, bà Bích Liên (48 tuổi, quận Hải Châu) vui vẻ cho biết. ẢNH: LƯU TRÂN

Đó là câu chuyện của chúng tôi khoảng 5 năm về trước, bây giờ cả đám đều ra trường và có việc làm khá ổn định. Tôi cũng có thể linh động hơn trong việc sắp xếp thời gian để về quê mà không phải “thèm thuồng” nhìn bạn bè khăn gói về nhà mỗi cuối tuần.

Trên mỗi bàn đều được bày biện sẵn các loại gia vị như ớt bột khô, ớt sa tế, nước mắm ớt, hành tỏi dầm chua và chanh tươi… để thực khách có thể nêm nếm món ăn theo sở thích riêng. ẢNH: LƯU TRÂN

Song, nếu có ai đó hỏi tôi: “Đà Nẵng quê mày có món gì ngon không?”, tôi sẽ không suy nghĩ mà trả lời ngay: “Tụi mày mà về quê tao, tao sẽ dẫn tụi mày đi ăn nhiều món ngon như bún mắm, mì quảng, cao lầu...”. Và dĩ nhiên là tôi không quên khoe về món bánh canh “Ruộng”, món ăn mà đối với tôi là một “đặc sản” của tuổi thơ.

Tác giả: Lưu Trần

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP