Chạy cả 2 ứng dụng Uber và Grab, anh Trọng Hùng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) có những chia sẻ khá khách quan về tình trạng tăng giá chóng mặt cước phí Uber, Grab dịch cuối năm này.
Anh Hùng cho biết: “Vài ngày gần đây, tôi thường chạy các chuyến ngoại tỉnh. Cứ nhận được chuyến đi xa mà có nhân giá nữa thì nhàn tênh và khỏe người. Chạy trong phố những ngày này tắc đường oải lắm…”
“Chuyến chạy về Hải Dương dao động từ 900.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng rất nhẹ nhàng mà không mệt mỏi vì đạp côn, đạp phanh. Hoặc các chuyến về Hưng Yên, Nam Định, Bắc Giang,…tôi cũng nhận”, anh Hùng nói.
Anh Hùng chỉ chạy 8 chuyến nhưng thu nhập đã gần 1,5 triệu đồng |
Nhưng nói chung, chạy tỉnh hay chạy phố thì về thời gian và thu nhập theo anh Hùng là cũng tương đương nhau. Nhưng chạy tỉnh nếu nhận được chuyến vào khung giờ nhân giá thì sẽ rất hiệu quả. Đa phần lái xe đều làm trên 10 tiếng/ngày nên việc chạy nội thành với tình trạng tắc đường này sẽ rất mệt mỏi.
Không riêng gì phóng viên, khá nhiều người không hiểu được việc nhân giá của Uber, Grab dịp Tết này, thậm chí ngay cả một số lái xe cũng chỉ biết chạy chứ không hiểu.
Anh Hùng giải thích: “Mức phí cao hay không hoàn toàn do hệ thống máy tính được lập trình sẵn. Khi nhu cầu sử dụng tăng cao và số lượng lái xe chạy giờ cao điểm ít thì hệ thống tự điều chỉnh.”
“Mấy ngày cận Tết, lái xe tỉnh cũng đã nghỉ về quê rất nhiều. Vì thế giá giờ thấp điểm cũng đã nhảy dao động từ 1,2 – 1,4 lần. Giờ cao điểm có thể nhân lên 2 lần, có nơi lên tới 2,5 lần”, anh Hùng cho biết thêm.
Khách hàng thấy giá lên cao thì cũng khá bức xúc và có sự so sánh với taxi truyền thống. Nhiều người cho biết, họ sẽ bỏ Uber, Grab vào giờ cao điểm và sử dụng các dịch vụ khác. Tuy nhiên, nhiều tài xế Uber, Grab vẫn có số chuyến rất cao. Nhiều người khoe chạy được hơn 30 chuyến/ngày trên các trang mạng xã hội.
|
Một số tài xế Uber, Grab cho biết: “Khách phàn nàn cũng có, họ biết là giá sẽ tăng nhưng không nghĩ tăng nhiều thế. Ngoài ra, khi khách đặt chuyến thì đã được báo giá trước nên có thể chủ động quyết định có đi hay không.”
“Nhưng với Uber lại có tình trạng báo giá trước rồi, đến khi xuống xe lại giá khác. Có khá nhiều lí do dẫn đến việc đó như: quãng đường di chuyển, GPS, do khách đặt điểm đón trả bị sai, hoặc do khách đặt nhiều điểm dừng nên hệ thống tính lại cước”, các tài xế cho biết thêm.
Giá đang nhân khá cao, tuy nhiên, các tài xế thực sự hiểu về cách thức hoạt động của Uber, Grab khẳng định với PV là không có chuyện khách bị Uber, Grab chặt chém giá.
Cụ thể, anh Hùng giải thích: “Cùng thời điểm nhưng khác vị trí thì giá cước bị nhân lên sẽ khác nhau. Khu vực có nhu cầu sử dụng cao mà ít lái xe, khu vực đó sẽ bị nhân giá.”
“Khoản tăng giá này để lái xe ở các khu vực gần đó sẽ di chuyển đến điểm nhân giá để được hưởng giá tốt. Đồng nghĩa với đó là nhu cầu đi lại của khách được đáp ứng. Các khu vực nhu cầu sử dụng dịch vụ thấp lại hoàn toàn không nhân giá”, anh Hùng giải thích thêm.
|
Việc tăng cước duy nhất hiện nay theo anh Hùng, đó là Uber mới tăng phí cho chuyến đi ngắn thêm 5.000 đồng. Nghĩa là những chuyến đi dưới 2 km sẽ mặc định là 20.000 đồng, thay vì 15.000 đồng như trước đây. Còn giá cước Uber X vẫn giữ nguyên 7.500 đồng/km và 300 đồng/phút.
Nói là không chặt chém, nhưng thực tế, với một chuyến xe bình thường có giá 40.000 – 50.000 đồng từ Đại học Thương Mại đến khu vực rạp chiếu phim Quốc gia mà Quỳnh Mai hay đi đã bị nhân giá lên tới hơn 100.000 đồng.
Cô bạn này không khỏi bức xúc vì không chỉ thế, các chuyến khác cũng nhân giá tới chóng mặt, khiến Mai phải quyết định chọn phương tiện khác để di chuyển.
Nhiều tài xế khi thấy người dùng phản ứng với mức giá cũng đã có những phản ứng tiêu cực. Họ cho rằng: “Sao lúc dùng mã khuyến mại, lúc chạy rẻ không thấy mọi người kêu. Ngày Tết đi làm ai cũng được thưởng thêm thì chúng tôi được thêm một chút cũng không có gì là quá đáng.”
“Nhiều nơi còn được thưởng 2 – 3 lần so với ngày thường. Không những thế đường đông, chuyến ngắn có khi đi mãi cũng chưa tới. Mất thời gian đồng nghĩa với mất thu nhập”, một tài xế khác than thở trong nhóm.
Tuy nhiên có tài xế kết luận rằng: “Xét cho cùng, việc hỗ trợ lái xe cũng nên xuất phát từ phía công ty đối tác, chứ không nên đánh thẳng vào người tiêu dùng như vậy.”
Tác giả: Thế Hưng
Nguồn tin: Báo Dân trí