Ngày 9/1, tại buổi gặp gỡ giữa thường trực Thành ủy TP HCM với lãnh đạo các cơ quan báo chí về việc triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế đặc thù, Tổng biên tập báo Công an thành phố Trần Trọng Dũng nói rằng, người dân không quan tâm đến các vấn đề vĩ mô, mà chỉ muốn biết cơ chế này có hay không làm cho thành phố bớt kẹt xe, ngập nước.
"Cả đề án Đô thị thông minh cũng thế, người dân không quan tâm các chuyện lớn lao đâu, chỉ quan tâm hai vấn đề nóng nhất đó thôi", ông Dũng nói.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: Thiên Ngôn. |
Cùng quan điểm, ông Mai Ngọc Phước - Tổng biên tập báo Pháp luật TP HCM - đề nghị thành phố cho biết cụ thể giải pháp chống kẹt xe, ngập nước khi áp dụng cơ chế đặc thù. Ngoài ra, vấn đề tăng lương, tăng lệ phí và mức phạt giao thông cũng là những việc người dân muốn biết.
Ông Nguyễn Đức Liên - Trưởng đại diện báo VietNamNet tại TP HCM - nói, vấn đề người dân muốn biết là "họ được lợi ích gì khi thành phố có cơ chế mới", nhất là về giáo dục, y tế, giải pháp về an ninh trật tự.
Trong khi đó bà Lê Huyền Ái Mỹ - Tổng biên tập báo Phụ nữ TP HCM - cho rằng, báo chí đang chờ thành phố xác định 18 đầu việc trong các lĩnh vực: chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên; tự quyết một số loại thuế, phí; tăng lương cán bộ gấp 1,8 lần quy định... sẽ được thực hiện như thế nào trong ba năm tới.
Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cám ơn các ý kiến và cam đoan tạo điều kiện tối đa cho báo chí tiếp cận thông tin về cơ chế đặc thù. Nghị quyết 54 của Trung ương đã cho HĐND thành phố những cơ chế vượt trội hơn quy định hiện hành nên phải có Nghị quyết của Quốc hội.
"Có thể có một số quy định mới được thí điểm khi thành phố triển khai cơ chế đặc thù nhưng chắc chắn không vi phạm quy định của pháp luật, và không ảnh hưởng đến quyền lợi của tỉnh thành nào", bà Tâm khẳng định.
Bà Lê Huyền Ái Mỹ. Ảnh: Thiên Ngôn. |
Còn Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố đã lập hai tổ công tác để triển khai cơ chế đặc thù. Ông đứng đầu tổ nghiên cứu về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên; tăng lương cán bộ… Tổ còn lại do Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến phụ trách về các thủ tục đầu tư, tài chính, ngân sách.
"Tinh thần là hai tổ tuần nào cũng họp, dự kiến cuối tháng 3 sẽ cơ bản hoàn thành kế hoạch và phải xong trước tháng 6 thì mới kịp triển khai", ông Phong nói.
Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chỉ ra TP HCM có hai đặc thù là đô thị lớn nhất cả nước và là trung tâm kinh tế lớn nhất nước.
Quan trọng nhất là thành phố có dân số lớn nhất nước (năm 1975 chỉ có 3,5 triệu dân nhưng nay đã hơn 8 triệu), mật độ dân số bằng gần 17 lần cả nước. Bình quân 8 năm tăng thêm một triệu dân đã kéo theo nhu cầu về xã hội tăng, tạo áp lực đô thị rất lớn, khiến tình trạng kẹt xe ngày càng nghiêm trọng.
"Từ hai đặc điểm dân số lớn nhất, quy mô kinh tế lớn nhất, và trước thách thức cạnh tranh cùng biến đổi khí hậu, TP HCM đối mặt với nhiều thách. Nếu không có cơ chế đặc thù, thành phố không thể phát triển và đóng góp nhiều hơn cho cả nước", ông Nhân nói.
Tác giả: Thiên Ngôn
Nguồn tin: Báo VnExpress