Chiều 27/3, người dân xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã đến bờ sông Son phản đối, yêu cầu các tàu ngừng hút cát vì sợ sạt lở, nguy cơ cuốn trôi đất sản xuất 2 bên bờ sông. Tối cùng ngày, bà con tập trung tại trụ sở UBND xã Hưng Trạch đề nghị chính quyền địa phương can thiệp và yêu cầu doanh nghiệp không được phép khai thác cát tại khu vực sông Son đoạn chảy qua địa bàn. Ông Bùi Văn Kiệt, ở xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch cho biết, việc khai thác cát này chưa thông qua ý kiến của người dân các thôn, bà con chưa biết hoạt động này đã có giấy phép hay chưa.
Doanh nghiệp tạm dừng việc khai thác cát |
Ông Bùi Văn Kiệt đề nghị địa phương, doanh nghiệp cần có cuộc đối thoại để làm rõ, công khai các quy định và phải chịu trách nhiệm nếu sau này việc hút cát gây ảnh hưởng môi trường, làm mất đất sản xuất của người dân: “Sợ tàu hút cát gây sạt lở 2 bên bờ, không còn đất canh tác, ảnh hưởng mồ mả gần đó. Người dân không đồng tình việc hút cát, mọi người đều nhất trí với nhau rằng không cho các tàu hút cát khu vực này, cho nên đơn vị này chưa thỏa thuận được với người dân mà vừa qua tự nhiên thấy có tàu hút cát nên người dân bức xúc chạy tới đuổi. Nếu như đơn vị này được cấp phép khai thác thì người dân chúng tôi yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép có đóng dấu rõ ràng, về thỏa thuận với dân, phải có văn bản chịu trách nhiệm nếu sạt lở sau này có xảy ra”.
Được biết, đơn vị khai thác cát trên sông Son đoạn chảy qua xã Hưng Trạch là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành (Công ty Phương Thành).
Sông Son đoạn chảy qua thôn Khương Hà, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch |
Ông Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch cho biết, UBND tỉnh Quảng Bình đã đồng ý cấp mỏ khai thác cát dọc sông Son qua xã Hưng Trạch, Cự Nẫm với cơ chế đặc thù nhằm cung cấp vật liệu san lấp đường phục vụ dự án đường bộ cao tốc Bắc- Nam phía Đông qua địa bàn tỉnh.
Về quy trình thì xã thực hiện theo công văn của tỉnh, phối hợp với Công ty Phương Thành tổ chức các cuộc họp cán bộ chủ chốt ở địa phương, thông qua nội dung các văn bản. Chính quyền cũng tổ chức họp bàn với đại diện người dân để phổ biến chủ trương, các văn bản cho người dân được biết. Xã cũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã thành lập Ban Giám sát cộng đồng gồm có đại diện Hội đồng Nhân dân, công chức địa chính, đại diện nhân dân. Nếu sắp tới người dân đồng thuận cho phép doanh nghiệp khai thác cát thì Ban Giám sát cộng đồng căn cứ vào phương án của doanh nghiệp để giám sát quá trình khai thác cát. Nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng phương án, xã sẽ nhắc nhở, đề nghị thực hiện đúng và báo cáo cấp có thẩm quyền.
Người dân lo lắng sạt lở bờ sông, cuốn trôi đất sản xuất |
Theo ông Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Hưng Trạch, khi người dân địa phương phản đối quyết liệt, doanh nghiệp đã tạm dừng việc khai thác cát: “Xã tiến hành vận động người dân, nói rõ cho người dân hiểu về chủ trương lấy cát phục vụ thi công đường cao tốc. Còn những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của bà con thì xã tổng hợp và báo cáo lên cấp trên. Đề nghị cơ quan chức năng về những nội dung mà bà con đề xuất, kiến nghị thì cần phải có cuộc đối thoại với người dân cho rõ ràng”.
Trước đó, cuối tháng 12/2023, tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành. Khu vực được cấp phép khai thác cát trên sông Son qua 2 xã Cự Nẫm và Hưng Trạch, huyện Bố Trạch. Tổng trữ lượng cát khai thác trên 465.000 mét khối trong diện tích 18,3ha, thời hạn khai thác trong 2 năm từ năm 2024 đến năm 2025.
Người dân lo lắng việc hút cát sẽ gây sạt lở bờ sông |
Doanh nghiệp được khai thác cát bằng phương pháp lộ thiên, sử dụng thuyền gắn máy để hút cát với độ sâu 2,65 m tính từ bề mặt địa hình đáy sông. Tỉnh Quảng Bình chỉ cho phép Công ty Phương Thành khai thác vào ban ngày, cấm mọi hoạt động vào ban đêm và chỉ khai thác để làm vật liệu phục vụ cho dự án. Tỉnh yêu cầu doanh nghiệp phải cắm đầy đủ các mốc ranh giới mỏ và thực hiện khai thác đúng khối lượng, công suất và kế hoạch. Tỉnh Quảng Bình cũng đề nghị doanh nghiệp này thực hiện yêu cầu về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông theo Nghị định của Chính phủ, dừng ngay việc khai thác nếu có hiện tượng sạt lở bờ sông tại khu vực khai thác, báo cáo chính quyền và cơ quan chức năng kiểm tra. Doanh nghiệp này cũng phải thực hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường trong khai thác, cải tạo, phục hồi môi trường đã cam kết.
Những đoạn sông Son chảy qua xã Hưng Trạch dễ bị sạt lở |
Một số ống dẫn cát nằm trên bờ sông Son |
Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh cấp phép cho doanh nghiệp khai thác cát dùng phục vụ Dự án thành phần đoạn Vũng Áng - Bùng thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Sau khi hoàn thành công trình, tỉnh sẽ có quyết định đóng mỏ khai thác cát này lại. Theo ông Đoàn Ngọc Lâm, doanh nghiệp phải trực tiếp làm việc với dân để đưa ra sự đồng thuận khi thực hiện dự án khai thác ở địa phương: “Về thủ tục thì đã lấy ý kiến ở địa phương, có đầy đủ các hồ sơ thủ tục, đây là chính sách đặc thù phải đáp ứng vật liệu cấp cho xây dựng đường cao tốc, khi hoàn thành cao tốc, không sử dụng vật liệu nữa thì phải đóng mỏ.
Đã lấy ý kiến tận địa phương và sau đó đưa mỏ này vào trong quy hoạch, đề xuất mỏ này phục vụ dự án cao tốc, chỉ định theo cơ chế đặc thù và chỉ được cấp để xây dựng dự án cao tốc, nếu doanh nghiệp chở ra khỏi dự án để phục vụ mục đích khác thì sẽ có biện pháp xử lý hình sự. Bây giờ doanh nghiệp phải làm việc với người dân về đảm bảo môi trường và việc đi lại vận chuyển như thế nào”.
Tác giả: Thanh Hiếu
Nguồn tin: Báo VOV