Trăn trở về gia đình "vô danh"
Là người dân tộc Stiêng, chị Thị Miệp cũng như phần lớn những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở miệt biên giới xã Lộc Thiện (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) thời ấy: không được đến trường, không biết đọc, biết viết. Vốn mặc cảm vì thua thiệt, chị càng tự ti khi chỉ nhìn được một mắt.
Bước qua tuổi đôi mươi, chị quen biết rồi lấy chồng nhưng không đăng ký kết hôn. Năm 2012, con gái đầu lòng ra đời. Từ ngày có con nhỏ, cuộc sống vợ chồng có quá nhiều thay đổi. Trong ký ức của người phụ nữ 36 tuổi, không thể nhớ hết những mâu thuẫn, khó khăn của đôi vợ chồng trẻ. Chẳng thể tìm thấy hạnh phúc nơi mái ấm gia đình, chị quyết định bồng con vượt dặm xa đến huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế sinh sống.
Các con của chị Miệp chen chúc sống trong căn nhà trọ nhỏ. |
Chốn lạ, chị được anh T.K (SN 1980) giúp đỡ. Thời gian trôi, người phụ nữ yếu mềm phải lòng người đàn ông và họ lần lượt có 3 người con sinh năm 2016, 2018 và 2020. Hạnh phúc chẳng tày gang, người đàn ông chung chăn gối chẳng lo làm ăn, suốt ngày chơi bời, nhậu nhẹt, đánh con, đuổi vợ ra khỏi nhà. Không ít lần, cả năm mẹ con tá túc sau hè nhà người khác nhưng vẫn không được yên.
Sau nhiều trăn trở, một lần nữa, chị quyết định "di cư". Được hỗ trợ từ một số anh em thiện nguyện, chị dắt díu bốn đứa con vào thuê căn trọ nhỏ ở đường Nguyễn Huy Tưởng (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) với khao khát về một cuộc đời mới tươi đẹp hơn. Nhưng niềm vui chưa kịp đến mà nỗi lao đao mãi bám víu. "Một mình tôi làm vất vả nuôi bốn đứa con, ông K. còn đến chỗ chúng tôi ở để quậy phá, đánh đập mấy mẹ con chúng tôi", người phụ nữ rơm rớm nước mắt.
Khi không thể chịu đựng thêm nữa, cuối năm 2022, chị viết đơn gửi Công an xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) để mong muốn được chứng nhận: "Từ hôm nay, tôi và ông T.K. không liên quan gì đến nhau. Tôi cũng không phải là vợ của ông K. Tôi sẽ tự làm ăn và nuôi các con của tôi".
Sống gần dãy trọ, chị Nguyễn Ngọc L.Đ. (một người thành phố Đà Nẵng) không khỏi xót xa trước hoàn cảnh ngặt nghèo của người phụ nữ đơn thân nuôi bốn đứa con nhỏ. Thi thoảng, chị Đ. hỗ trợ cho gia đình nhỏ ấy ít thức ăn, đồ dùng… Qua đôi lần tâm sự, chị Đ. được biết, mẹ con chị Miệp không có giấy tờ tùy thân. Họ giống như những người vô danh nổi trôi giữa dòng đời. Bốn đứa trẻ (đứa lớn 12 tuổi, đứa nhỏ nhất 4 tuổi) lặp lại cuộc đời của người mẹ: không được đi học, không biết đọc, biết viết.
Điều này khiến người hàng xóm tốt bụng không khỏi chạnh lòng. Trăn trở tương lai của những đứa trẻ, chị luôn canh cánh làm sao giúp đỡ, hỗ trợ gia đình này. Chị Đ. giới thiệu chị Miệp đến một quán nhậu quen rửa chén thuê để có tiền mưu sinh, nuôi các con. Đồng thời, sợ các cháu chạy lung tung ra ngoài đường, chị hỗ trợ mua chiếc ti vi, chút đồ đạc để bốn đứa nhỏ tự chơi khi mẹ đi làm thuê.
Chẳng những vậy, chị Đ. còn quyết định cho năm mẹ con chị Miệp nhập khẩu vào gia đình mình để có nơi cư trú hợp pháp tại tổ 119, phường Hòa Minh. Sau đó, thông qua mối quan hệ, chị Đ. "mai mối" vợ chồng luật sư Mai Quốc Việt và Châu Việt Vương (Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng) với hy vọng sẽ hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí cho mẹ con chị Miệp thực hiện thủ tục đăng ký cấp Giấy khai sinh cho các con.
Chị Miệp thật thà kể, có người đến chở đi làm căn cước nhưng chị không biết tên. Chị cũng từng hỏi số điện thoại, nhưng do không biết đọc nên không nhớ số. Trong căn trọ nhỏ, chật chội ở đường Hoàng Văn Thái (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng), chị Thị Miệp (SN 1988) nghẹn ngào: "Là người phương xa trôi dạt đến đây, chúng tôi được nhiều người tốt cưu mang, hỗ trợ. Một trong những niềm vui nhất là bốn đứa con của tôi lần lượt có giấy khai sinh, được hỗ trợ đi học".
Gỡ được nút thắt trên hành trình tìm danh tính
Luật sư Mai Quốc Việt kể, vào tháng 9/2023, khi biết hoàn cảnh ngặt nghèo của mẹ con chị Miệp, vợ chồng anh quyết tâm chung tay hỗ trợ. Tuy nhiên, khi đã có căn cước công dân, tiến tới thủ tục cấp Giấy khai sinh cho các người con của chị Miệp thì gặp một số vướng mắc. Vợ chồng luật sư chỉ hỗ trợ làm được khai sinh cho hai cháu sinh năm 2016 và 2020 (cấp tháng 1/2014) vì có giấy chứng sinh. Còn hai cháu chưa làm dược do một cháu không có giấy chứng sinh, một cháu giấy chứng sinh sai tên mẹ.
Vợ chồng Luật sư Mai Quốc Việt bên hồ sơ tìm "danh tính" cho mẹ con chị Miệp. |
Bé gái lớn sinh năm 2012 không thể thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh vì lý do thời điểm sinh cháu là tại nhà, ở tỉnh Bình Phước nên hoàn toàn không có Giấy chứng sinh. Cán bộ Tư pháp phường Hoà Minh có hướng dẫn chị Miệp quay trở về tỉnh Bình Phước để yêu cầu tìm hai người làm chứng, đồng thời liên hệ UBND xã Lộc Thiện để chứng thực về nội dung có chứng kiến chị Miệp sinh được cháu gái sinh năm 2012.
"Đối với việc quay trở lại Bình Phước để tìm người hai làm chứng cho việc sinh cháu năm 2012 là điều gần như không thể. Bởi lẽ, địa bàn xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước là một trong những khu vực ở rất xa xôi, giáp biên giới với đất nước bạn - Campuchia.
Đứa con sinh vào năm 2018 của chị Miệp, không thể thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh vì lý do Giấy chứng sinh của cháu bị sai thông tin của người mẹ. Cán bộ tư pháp phường Hoà Minh có hướng dẫn chị Miệp liên hệ Trung tâm Y tế huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, nơi sinh ra cháu để làm thủ tục cấp lại, đúng thông tin người mẹ", Luật sư Việt phân tích.
Ngày 15/1/2024, Luật sư Việt có văn bản gửi đến Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng đề nghị được hướng dẫn đối với thủ tục đăng ký khai sinh đối với hai trường hợp con của chị Miệp. Sau đó, ngày 6/6, ông Huỳnh Bá Hảo, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng đã có văn bản hướng dẫn thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh. Theo đó, chị Miệp không cần phải quay trở về tỉnh Bình Phước mới có thể đăng ký khai sinh cho con mà có thể đăng ký khai sinh cho các con của chị tại nơi chị cư trú là phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.
Đối với trường hợp cháu sinh năm 2012 và cháu sinh năm 2018, chị Miệp có thể làm cam đoan về việc sinh các cháu, có hai người làm chứng, dưới sự hướng dẫn của cán bộ Tư pháp phường Hoà Minh. Nhận được hướng dẫn của Sở Tư pháp, nhờ sự hỗ trợ của UBND phường Hoà Minh, đến ngày 15/6, các cháu sinh năm 2012 và cháu sinh năm 2018 con của chị Miệp đã được đăng ký khai sinh, chính thức có tên, tuổi sau bao năm "ẩn danh".
Không dừng lại ở đó, vợ chồng Luật sư Việt đang thực hiện thủ tục đăng ký thường trú và tạm trú cho các cháu tại Công an phường Hoà Minh.
Luật sư Việt chở chị Miệp đi làm hồ sơ. |
Luật sư Châu Việt Vương chia sẻ: " Quá trình hỗ trợ pháp lý cho chị Miệp và các con chị Miệp trên hành trình tìm tên, tuổi gặp không ít khó khăn, vì gần nhưng không có sự hỗ trợ từ bất kỳ người thân, gia đình của chị Miệp.
Trong hành trình tìm lại nhân thân, bản thân chị Miệp cũng không hoàn toàn tỉnh táo, nhận thức cũng không như người bình thường để tìm hiểu, khai thác các thông tin. Do đó, gần như có lúc chúng tôi tưởng chừng không thể tiếp tục hỗ trợ được nữa, vì mọi hướng đều gần như bế tắc.
Nhưng nhờ được sự hỗ trợ nhiệt tình của các cán bộ Công an, cán bộ Tư pháp thành phố Đà Nẵng cũng như của tỉnh Bình Phước, đến nay, mọi việc tưởng chừng như không thể đã có thể thực hiện được. Mẹ con chị Miệp đã có tên, tuổi và cũng là người bình thường như bao người bình thường khác. Chúng tôi cảm thấy rất nhẹ nhõm, gần như gỡ được một nút thắt khó trong chặng đường hành nghề Luật của mình".
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hà Bắc, Bí thư Quận ủy quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, cho hay, đã nhận được thông tin liên quan đến trường hợp chị Miệp và 4 con nhỏ. Ông đã có trao đổi với lãnh đạo UBND phường Hòa Minh để xúc tiến nhanh thủ tục giúp các cháu có giấy khai sinh. Đồng thời, phía chính quyền sẽ hỗ trợ cho việc cả 4 cháu được đến trường. |
Ngày 11/7, ông Phạm Tiến Thành, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Minh, thông tin, mẹ con chị Miệp đến nay đã làm được giấy tờ tùy thân. Phía Phường đã trao đổi phương án với người đại diện của chị Miệp đối với việc bốn cháu bé đi học và đang chờ gia đình quyết định. Phía chính quyền sẽ hỗ trợ hết sức trong mức có thể cho các cháu được đến trường. |
Nguồn tin: nguoiduatin.vn