Lỗi tại ngư dân, Công ty làm đúng quy trình
Câu chuyện ngư dân Trần Văn Liên (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) khởi kiện Công ty cổ phần đóng tàu Bảo Duy (trụ sở ở Đà Nẵng) và Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Liên Á (phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội) đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Trong đơn khởi kiện, ông Liên cho biết hệ thống máy trên tàu bị hư hỏng ngay khi mới vừa xuống nước để chạy thử (tháng 3/2016) và đã phải nằm bờ suốt 2 năm qua. Ngư dân này yêu cầu các công ty có liên quan phải nhanh chóng khắc phục hư hỏng máy tàu để ra khơi.
Đại diện Công ty Liên Á khẳng định làm đúng quy trình hợp đồng, kỹ thuật và sự cố hệ thống máy trên tàu bị hư hỏng thuộc về ngư dân. |
Sáng 30/6, trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Liên Á khẳng định Công ty này hoàn toàn không có trách nhiệm gì xung quanh việc hệ thống máy trên tàu của ngư dân Liên hư hỏng.
Theo ông Hùng, ngày 3/12/2015, ngư dân Trần Văn Liên và Công ty Liên Á đã ký hợp đồng mua bán hệ thống đẩy thủy đồng bộ, bao gồm động cơ diesel dùng cho hàng hải hiệu Mitsubishi, (mới 100 %, có xuất xứ từ Nhật Bản) và hộp giam tốc đảo chiều dùng cho hàng hải do Hangzhou sản xuất (mới 100 %, xuất xứ từ Trung Quốc).
Đến ngày 10/12/2015, Công ty Liên Á mở tờ khai hàng hóa nhập khẩu để nhập lô hàng theo hợp đồng.
“Đến ngày 12/12/2015, tại Công ty Cổ phần đóng tàu Bảo Duy, 2 bên đã có biên bản bàn giao thiết bị, trong đó xác định tình trang hàng hóa: hàng mới 100 % do Mitsubishi/Hàng Châu FADA sản xuất. Hàng hóa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và đủ điều kiện đưa vào sản xuất. Trong biên bản này có xác nhận của đại diện Công ty cổ phần Bảo Duy”, ông Hùng khẳng định.
Ông Hùng cho biết thêm, từ cuối tháng 2/2016 đến ngày 8/3/2016, phía Công ty Liên Á đã lần lượt cử các cán bộ kỹ thuật vào hiện trường lắp ráp và hoàn thiện máy, có sự xác nhận của đại diện Công ty Cổ phần đóng tàu Bảo Duy.
Biên bản xác nhận tình trạng hư hỏng giữa các bên |
Đặc biệt trong thời gian từ ngày 26/3-28/3, khi nhân viên của Công ty Liên Á có mặt tại hiện trường và tiến hành chạy thử máy thì mọi việc đều bình thường, không có vấn đề gì phát sinh.
“Ngày 29/3, khi không có nhân viên của Công ty Liên Á, tàu đi ra bãi neo đậu để chạy thử đường dài đã xảy ra dầu bôi trơi áp suất tụt. Đèn cảnh báo áp suất dầu nhấp nháy và máy dừng. Sau khi kiểm tra thấy có lỗ thủng trên bầu lọc và nước làm mát chảy xuống cacte.
Khi được thông báo, ngay trong tối 29/3 chúng tôi đã cử kỹ sư vào hiện trường để xem xét sự cố. Ngày hôm sau tôi cùng nhiều cán bộ khác của Công ty đã vào để làm việc với ngư dân Liên để xem xét nguyện nhân, khắc phục hư hỏng. Chúng tôi đã đi lại rất nhiều lần nhưng không đạt được thống nhất với chủ tàu”, ông Hùng nhấn mạnh.
Theo ông Hùng, trong các lần gặp gỡ, ngư dân Liên đều đưa ra yêu cầu Công ty Liên Á phải thay mới hệ thống máy trên tàu hoặc khắc phục hư hỏng máy tàu để ra khơi. Tuy nhiên ông Hùng cho rằng đây là những đòi hỏi thiếu cơ sở.
“Chúng tôi thực hiện đúng hợp đồng mua bán hệ thống đẩy thủy đồng bộ, đảm bảo chất lượng. Công ty Liên Á cũng đã thực hiện đúng quy trình nghiệm thu bàn giao theo bước. Tức là chúng tôi tiến hành ở bước Biên bản thử nghiệm thu tại bến, có chữ ký của các bên chứ chưa bàn giao.
Sự cố trên xảy ra do ngư dân Trần Văn Liên tự ý vận hành, điều động tàu ra khỏi nơi neo đậu, không có mặt của cán bộ kỹ thuật của Công ty Liên Á. Theo chứng thư Giám định về tình trạng tổn thất ngày 14/4/2016 của Vinacontrol Đà Nẵng cũng nêu rõ, lỗ thủng của bộ lọc dầu xảy ra trong khoảng thời gian sau khi kết thúc chạy thử ngày 28/3/2016.
Hơn nữa do thiết bị chưa được ký nghiệm thu, bàn giao nên trách nhiệm thuộc về bên A (ông Trần Văn Liên) và người có trách nhiệm liên quan là Công ty Bảo Duy (thuê thuyền trưởng vận hành tàu) ”, ông Hùng khẳng định.
Làm theo đúng trình tự pháp luật
Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Liên Á cho biết thêm, từ khi xảy ra sự cố, doanh nghiệp này đã nhiều lần vào Đà Nẵng làm việc với ngư dân Trần Văn Liên và đại diện Công ty Bảo Duy. Tuy nhiên do khác nhau về quan điểm nên sự việc vẫn chưa được giải quyết và để kéo dài đến thời điểm này.
Chứng thư giám định về tình trạng tổn thất của Vinacontrol cũng khẳng định máy chính tàu thủy bị hỏng sau khi kết thúc chạy thử ngày 28/3/2016 |
“Ban đầu ông Liên có đơn kiện mình Công ty Liên Á, phía Công ty Bảo Duy chỉ là đơn vị có trách nhiệm liên quan. Tuy nhiên sau khi Luật sư của chúng tôi đưa ra những bằng chứng về việc Công ty làm hoàn toàn đúng luật pháp và quy định thì chủ tàu lại thay đổi. Trong đơn kiện ngoài Công ty Liên Á còn có thêm cả Công ty Bảo Duy” ông Hùng chia sẻ.
Từ khi ngư dân Trần Văn Liên làm các thủ tục khởi kiện Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Liên Á lên TAND TP.Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), đến nay đã 4 lần các bên gặp nhau tại tòa án.
“2 lần đầu chúng tôi có thiện chí hòa giải nhưng ngư dân Trần Văn Liên đưa ra những yêu cầu quá cao. Đến thời điểm này, chúng tôi mong muốn tòa xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Bên nào sai thì bên đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”, ông Hùng khẳng định.
Tác giả:
Nguồn tin: Báo Đất Việt