Con tàu của ông Cường bị đâm chìm trên biển |
Đơn phương chấm dứt hợp đồng
Năm 2017, ông Phạm Ngọc Cường (xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), mua lại tàu cá đánh bắt xa bờ, có số hiệu QB 93192 - TS, công suất 900CV của anh trai là Phạm Ngọc Hoàng. Toàn bộ việc mua bán, chuyển đổi chủ sở hữu được hoàn tất theo quy định của pháp luật. Bảo Việt Quảng Bình cũng chuyển đổi hợp đồng bảo hiểm tàu cá nói trên từ ông Hoàng sang ông Cường và cấp giấy chứng nhận bảo hiểm mới cho ông Cường, với trị giá đền bù 3 tỷ đồng.
Ngày 8/1/2018, tàu cá của ông Cường đánh bắt trên vùng biển cách cửa Gianh (Quảng Bình) chừng 10 hải lý, bị tàu Hùng Khánh 86 ở Hải Phòng đâm chìm. May mắn các thuyền viên đều được cứu sống. Sau khi hoàn tất các thủ tục với cơ quan chức năng về vụ tai nạn, ông Cường tìm đến Bảo Việt Quảng Bình đề nghị đền bù theo hợp đồng. Tuy nhiên, ông Cường bị Bảo Việt Quảng Bình từ chối với lí do không đóng phí bảo hiểm lần 2.
Thấy bất thường, ông Cường yêu cầu cung cấp hồ sơ, lúc này Bảo Việt Quảng Bình mới trưng ra bản hợp đồng bảo hiểm tàu cá QB 93192 - TS; thông báo nộp phí bảo hiểm lần 2 và thông báo chấm dứt hợp đồng bảo hiểm. Theo đó, hợp đồng bảo hiểm được ký và có hiệu lực từ ngày 22/6/2017 đến 22/6/2018, với mức phí 90 triệu đồng, được chia làm 2 kỳ, trị giá bảo hiểm 3 tỷ đồng cho thân vỏ chiếc tàu cá mang số hiệu QB 93192 - TS. Trong đó, quy định kỳ 1 thanh toán 50% phí bảo hiểm ngay khi ký hợp đồng, số còn lại sẽ được đóng sau 6 tháng.
Xem kỹ 2 giấy thông báo nộp phí lần 2 và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, ông Cường mới phát hiện, cả 2 thông báo nói trên đều không gửi đến địa chỉ của ông. Đặc biệt, cả 2 thông báo này đều được ký cùng 1 ngày (11/12/2017). Theo quy định của hợp đồng, đến ngày 22/12/2017, nếu ông Cường không đóng phí thì Bảo Việt Quảng Bình đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Tuy nhiên, thông báo chấm dứt hợp đồng ghi ngày 11/12/2017, trước thời điểm quy định 11 ngày. Ông Cường nói: “Khi làm hồ sơ chuyển đổi bảo hiểm từ chủ cũ sang tôi, tôi đã hỏi hợp đồng ở đâu sao tôi không có, nhân viên khai thác bảo hiểm nói rằng “anh cứ yên tâm đi biển, mọi phát sinh phía bảo hiểm sẽ thông báo anh ngay.
Đưa hợp đồng cho anh lỡ mất, hoặc ướt sau này không có cơ sở để đền bù”. Tôi không có hợp đồng nên không thể biết các điều khoản trong đó để thực hiện. Trong khi họ hứa sẽ thông báo khi có phát sinh thì họ lại gửi thông báo cho người khác. Nếu 2 thông báo đó đến đúng địa chỉ của tôi thì tôi cũng trở tay không kịp vì họ vừa thông báo nộp tiền, vừa chấm dứt hợp đồng luôn. Trong lúc đó, hợp đồng quy định tôi còn 11 ngày nữa để thực hiện nghĩa vụ đóng phí lần 2. Họ đã đơn phương chấm dứt hợp đồng với tôi là trái luật. Đến giờ tôi mới hiểu, họ cố tình bẫy tôi để từ chối đền bù nếu xảy ra tai nạn”.
Đuổi nhà báo, đuổi luôn cha mẹ chủ tàu cá
Ông Cường đã tìm đến báo chí nhờ lên tiếng. Tuy nhiên, năm lần bảy lượt ông Trần Nguyễn Trường Sơn, quyền Giám đốc Bảo Việt Quảng Bình từ chối không làm việc với báo chí, mà để bà Diệu Linh, Ban marketing của Tổng công ty Bảo Việt, đại diện phát ngôn.
Bà Diệu Linh nói rằng, không có gì để phát biểu với báo chí vì phía Bảo Việt đã thỏa thuận xong với chủ tàu cá là ông Cường. Trước yêu cầu được cung cấp “thỏa thuận”, người đại diện phát ngôn của Bảo Việt nói rằng, chỉ nghe nói lại vì không nắm hồ sơ. Khi phóng viên đăng ký làm việc với người có chức trách, nhiệm vụ ở Tổng công ty Bảo Việt, bà Linh nói không thể sắp xếp được vì sếp đang đi công tác nước ngoài.
Sáng 31/8, ông Phạm Ngọc Phương, cha của chủ tàu cá, điện thoại cho báo chí, nhờ chứng kiến buổi gặp giữa gia đình với Bảo Việt. Theo Thông báo của Bảo Việt Quảng Bình, buổi gặp sẽ có đại diện Tổng công ty Bảo Việt và diễn ra vào lúc 14 giờ chiều cùng ngày tại trụ sở UBND xã Cảnh Dương. Tuy nhiên, đến 15 giờ chiều, phía Bảo Việt mới có mặt, nhưng không có đại diện của Bảo Việt từ Hà Nội vào, mà do ông Trần Nguyễn Trường Sơn chủ trì.
Vào đến hội trường UBND xã Cảnh Dương, vừa ổn định chỗ ngồi, ông Sơn đã đứng lên, yêu cầu toàn bộ phóng viên ra ngoài, rồi hỏi ai đã mời báo chí. Khi biết vợ chồng ông Phương mời, ông Sơn đã to tiếng yêu cầu vợ chồng ông Phương ra ngoài, chỉ để lại chị gái và chú dượng của chủ tàu cá.
“Người của Bảo Việt thông báo cho gia đình tôi vào lúc 21 giờ tối hôm qua, lúc đó thằng Cường con tôi đã đi biển rồi. Không có nó thì vợ chồng tôi phải đến để nghe Bảo Việt nói gì chứ. Nếu không có gì đó khuất tất, sao lại đuổi báo chí và đuổi cha mẹ của chủ tàu cá ra ngoài?”, ông Phương nói. Ngay sau đó, buổi gặp mặt bất thành vì chị gái và chú dượng của chủ tàu cá bỏ về vì bất bình trước thái độ của ông Sơn.
Năm 2016, Bảo Việt cũng từ chối đền bù một vụ tàu cá bị chìm của ông Nguyễn Ngọc Hải, tại xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, tương tự vụ ông Phạm Ngọc Cường. Ông Hải cũng mua bảo hiểm của Bảo Việt Quảng Bình, khi xảy ra tai nạn, phía Bảo Việt cho rằng ông Hải không đóng phí lần 2. Báo Tiền Phong vào cuộc: Phát hiện ông Hải cũng không được trao hợp đồng bảo hiểm; giấy thông báo nộp phí lần 2 và thông báo chấm dứt hợp đồng bảo hiểm Bảo Việt không gửi về cho ông Hải mà lại gửi về Hội Nông dân xã Đức Trạch. Sau khi Tiền Phong đăng loạt bài “Bảo hiểm tàu cá, ai đang trục lợi?”, Tổng Công ty Bảo Việt đã tiếp thu và về tận nhà trao 2 tỷ đồng tiền đền bù con tàu bị chìm cho ông Hải. Đồng thời xin lỗi gia đình ông Hải và cảm ơn báo Tiền Phong. |
Luật sư Huỳnh Mỹ Long, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, đánh giá: “Đây là vụ việc dân sự tranh chấp hợp đồng bảo hiểm nên bên bảo hiểm và bên khách hàng gặp gỡ nhau tại UBND Cảnh Dương để thương thuyết, đàm phán là phù hợp. Việc phóng viên muốn tham gia buổi đàm phán đó theo đề nghị của bên khách hàng cũng phù hợp với quy định pháp luật về Luật Báo chí. Bởi, khách hàng của bảo hiểm muốn báo chí tham gia phiên gặp là thể hiện ý khách quan”. |
Tác giả: HOÀNG NAM
Nguồn tin: Báo Tiền phong