Tại Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Việt Trung (xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình), nhiều tàu, thuyền trong và ngoài tỉnh liên tục cập bến để chuyển cá cơm lên bờ bán cho các cơ sở chế biến. Ngư dân Nguyễn Công Tâm (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) phấn khởi cho biết, bà con trúng đậm cá cơm; tàu nhỏ cập bờ cũng được gần 5 tấn, đặc biệt có nhiều tàu công suất lớn trúng gần 20 tấn, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.
|
Khung cảnh nhộn nhịp tại Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Việt Trung. |
Theo một số ngư dân tỉnh Quảng Bình, vụ cá cơm năm nay ngư dân trúng đậm hơn so với các năm trước. Cá sau khi về bờ đều được các đại lý, cơ sở chế biến thủy hải sản, các xưởng chế biến nước mắm tại tỉnh Quảng Bình thu mua với giá khá cao (13.000 đồng/kg). Cùng với cá cơm, nhiều tàu thuyền còn khai thác được khá nhiều cá hố và cá trích.
|
Cá cơm là nguồn nguyên liệu cho các làng nghề làm nước mắm, cá khô truyền thống. |
Không chỉ có ngư dân Quảng Bình, các tàu thuyền của các ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa cũng bội thu cá cơm. Anh Võ Đình Đồng, chủ tàu cá KH - 925.92 TS cho biết: ''Tàu của tôi công suất 850 CV, đánh bắt cách cảng Gianh hơn 10 hải lý, mỗi đêm đánh bắt được khoảng từ 10 đến 20 tấn cá cơm, mỗi thuyền viên thu về khoảng 1 triệu đồng''.
|
Cá cơm được các cơ sở chế biến tại tỉnh Quảng Bình thu mua với giá khá cao. |
Anh Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Công ty Thủy sản Việt Trung (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) cho biết: "Mỗi ngày có hơn chục tàu, thuyền vào Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Việt Trung để nhập cá cho các cơ sở thu mua chế biến. Trung bình mỗi ngày cơ sở của tôi thu mua từ 50 đến 70 tấn cá cơm, ngày nhiều nhất lên đến gần 100 tấn. Các tàu thuyền đánh bắt được cá cơm bao nhiêu đều được chúng tôi thu mua hết nên ngư dân rất phấn khởi.
Được mùa cá cơm, không chỉ giúp bà con có thêm nguồn thu nhập ổn định mà còn cung cấp nguồn nguyên liệu quan trọng cho các làng nghề làm nước mắm, cá khô truyền thống, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động".
Tác giả: MINH TÚ
Nguồn tin: Báo Quân đội Nhân dân