Tin địa phương

Ngư dân chật vật tìm kiếm bạn thuyền

Những năm gần đây, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, ngư dân Quảng Bình đã đầu tư nhiều tàu cá có công suất lớn, nâng tổng số tàu thuyền trong toàn tỉnh lên đến 6.792 chiếc, trong đó có 1.207 tàu đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, cùng với việc số lượng tàu thuyền tăng nhanh, ngư dân Quảng Bình cũng đang đối mặt với việc thiếu nguồn nhân lực lao động, nhất là lao động khai thác hải sản xa bờ.

Đang vào mùa đánh bắt, giá xăng dầu giảm liên tiếp đã thỏa lòng mong đợi của ngư dân vươn khơi bám biển. Tuy nhiên, theo thống kê của Chi cục Thủy sản, hiện toàn tỉnh vẫn còn 20% tàu cá nằm bờ. Có rất nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do không tìm được bạn thuyền. Tình trạng này xảy ra đã nhiều năm, nhưng chưa được khắc phục trong khi ngư dân còn đối mặt với nhiều khó khăn khác, như: Thị trường xuất khẩu hải sản bị siết chặt, ngư trường thu hẹp, nguồn hải sản ngày càng cạn kiệt, giá xăng dầu tăng cao…

Xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) có 432 tàu thuyền, trong đó có193 chiếc đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, thời gian qua, các chủ tàu đều thiếu người đi biển và thường xuyên phải ra khơi trong tình trạng thiếu lao động so với trước kia. Trên khu vực Cảng cá Nhật Lệ, nhiều tàu cá đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho chuyến biển mới, nhưng lại chưa thể ra khơi vì không có đủ bạn thuyền. Theo các chủ tàu cá nơi đây, lao động trẻ địa phương những năm gần đây đều tìm nghề khác để có thu nhập cao hơn, đỡ vất vả hơn nên việc tìm kiếm lao động tại các ngư trường ngày càng khó.

Ông Nguyễn Thao, thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh chủ tàu cá có công suất 400CV cho biết: Hơn 2 tháng nay, tàu của tôi phải nằm bờ, nguyên nhân là do giá dầu thì tăng, sản lượng thủy sản đánh bắt không đạt nên bị thua lỗ. Lao động nghề biển ăn chia theo sản phẩm, khai thác được nhiều thì chia nhiều, ít chia ít, thu nhập bấp bênh nên không ít lao động nghề biển không còn tha thiết với nghề, chọn đi xuất khẩu lao động hoặc làm việc khác để có thu nhập ổn định hơn.

Hiện nay, các chủ tàu ở Quảng Bình tìm kiếm lao động trẻ rất khó khăn.

Anh Nguyễn Anh Tiến, thôn Hà Dương, xã Bảo Ninh cho biết: Nghề biển quê mình thu nhập thấp, chỉ đủ ăn chứ không có dư. Năm 2015, khi Hàn Quốc tuyển lao động nghề cá với mức lương hấp dẫn, tôi đã đi xuất khẩu lao động. Làm nghề biển ở Hàn Quốc cũng vất vả, nhưng bù lại thì lương và thưởng cao, mỗi tháng thu nhập từ 40-50 triệu đồng, bao ăn, ở nên cũng có dư để gửi về cho gia đình. Hiện tôi đang làm thủ tục để đi lại nước ngoài vì thu nhập từ việc đi biển ở nhà không đủ chi tiêu.

Theo ông Thao, trước đây, tàu ông làm nghề lưới vây, mỗi chuyến ra khơi cần khoảng 18-20 lao động. Những năm gần đây, do thiếu lao động nên thuyền ông đã chuyển sang nghề chụp, trang bị thêm hệ thống máy móc, đèn chiếu hiện đại để giảm lượng nhân công xuống khoảng 8-10 người. Đặc biệt, lao động địa phương không có, ông đã phải tìm kiếm lao động ở các xã miền núi huyện Quảng Ninh về đào tạo để đi cùng, nhiều lúc mới được 5 người cũng phải ra khơi vì không tìm ra lao động. Tháng 6 vừa qua, tàu của ông ra khơi về bị lỗ hơn 60 triệu đồng, các lao động trên thuyền đã xin nghỉ việc, đi tìm việc khác nên giờ không có lao động, buộc phải nằm bờ.

Xã Đức Trạch (Bố Trạch) cũng là một trong những địa phương có số tàu thuyền công suất lớn, đánh bắt dài ngày. Thiếu lao động nghề biển là một trong những nỗi lo của địa phương thời gian qua. Ông Trương Quang An, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Trạch cho biết: Nguyên nhân của tình trạng này là do ngư dân sắm mới phương tiện ngày càng nhiều nhưng dàn trải ngành nghề khai thác hải sản trên biển, dẫn đến lực lượng lao động cũng dàn trải. Bên cạnh đó,hiện rất ít chủ tàu cá cho con kế nghiệp đi biển của cha ông, phần lớn họ đầu tư cho con em học hành đến nơi đến chốn để làm việc trên bờ hoặc xuất khẩu lao động ra nước ngoài nên nguồn lao động đi biển đang ngày càng già hóa. Ở Đức Trạch, lao động đi biển phần lớn đều ở độ tuổi từ 40-55.

Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản chia sẻ: “Thiếu lao động tham gia các tàu đánh bắt xa bờ là tình trạng chung đang diễn ra ở khắp các địa phương ven biển Quảng Bình những năm gần đây. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó chủ yếu là do thu nhập không ổn định. Đi biển cũng là nghề nguy hiểm, vất vả hơn nhiều so với các ngành nghề khác nên nhiều lao động địa phương không mặn mà với nghề.

"Về lâu dài, cần phải xây dựng được đội ngũ lao động biển có trình độ, có quy chế hành nghề và hợp đồng lao động, hưởng các chế độ đầy đủ theo quy định của pháp luật… Có như vậy, người lao động mới nhận thức được giá trị của nghề, yên tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương", ông Lê Ngọc Linh cho biết thêm.

Để giải quyết tình trạng khủng hoảng lao động đi biển, trước hết các bộ, ngành, Trung ương cần chuyển đổi, cơ cấu lại ngành nghề đánh bắt thủy sản, chọn lọc phát triển nghề nào có định hướng, nên phân vùng, phân tuyến khai thác hợp lý; giữ ổn định và giảm dần sản lượng khai thác thủy sản gần bờ, tăng nuôi trồng; khuyến khích đánh bắt xa bờ theo hình thức tổ đội sản xuất, khai thác sản phẩm có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt…

Ngư dân không nên đóng thêm tàu mới vì hiện tỉnh ta, năng lực khai thác đã vượt quá nguồn lợi; bỏ tư duy xem nghề cá là nghề cha truyền con nối mà thay vào đó cần sự vào cuộc của các sở, ngành, địa phương để đào tạo theo hướng hiện đại, chuyên sâu, nâng cao năng lực khai thác.

Các cấp, ngành cần quan tâm hỗ trợ ngư dân về khoa học kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại để giảm nhân công lao động nhưng tăng hiệu quả kinh tế của mỗi chuyến đánh bắt... Với các giải pháp hợp lý đó, hy vọng các đội thuyền chuyên nghiệp lại ra khơi bám biển, vừa có thu nhập ổn định, vừa góp phần bảo vệ biển, đảo quê hương.

Tác giả: Thanh Hoa

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP