Tin địa phương

Ngư dân Cảnh Dương viết giấc mơ làm du lịch

Nhìn nhận được những tiềm năng và lợi thế về tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn của làng biển Cảnh Dương, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình đã chọn nơi đây để phát triển thành Làng văn hóa, du lịch đặc trưng, khu du lịch cộng đồng kiểu mẫu của tỉnh. Điều này khiến người dân Cảnh Dương không khỏi vui mừng.

Ngư dân mơ… làm du lịch

Nằm sát biển dưới chân Đèo Ngang về phía Nam, Cảnh Dương tuy chỉ có diện tích gần 1,5km2 nhưng được biết là làng chài sầm uất bậc nhất không chỉ ở tỉnh Quảng Bình mà cả miền Trung. Từng có thời gian, nguồn lợi kinh tế từ biển của ngôi làng này mỗi năm lên đến hàng trăm tỷ đồng. Thế nhưng, sau sự cố môi trường biển cùng với đó là thiên tai bão lũ đã khiến cuộc sống người dân nơi này gặp không ít khó khăn.

Cảnh Dương được chọn để phát triển lành Làng văn hóa, du lịch, khu du lịch kiểu mẫu của tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Lê Chung

Thời gian vừa qua, nhìn nhận được tiền năng du lịch của ngôi làng biển này, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình đã lựa chọn nơi đây để phát triển thành Làng văn hóa, du lịch đặc trưng với nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch độc đáo, khu du lịch cộng đồng kiểu mẫu của tỉnh. Từ khi xây dựng ý tưởng này, cuộc sống ở ngôi làng biển này cũng dần đổi khác hẳn. Một sự đổi khác khiến những người dân Cảnh Dương không khỏi vui mừng.

Không phải vô cớ mà mà trong số hàng trăm ngôi làng, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình lại lựa chọn Cảnh Dương để phát triển thành Làng văn hóa, du lịch. Với “Sông Loan, núi Phượng hữu tình”, Cảnh Dương là địa phương có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Đi sâu vào ngôi làng này là những ngôi nhà cổ bằng đá san hô, một nét kiến trúc độc đáo ngay giữa lòng đô thị đang phát triển.

Cùng với cảnh quan thiên nhiên trù phú, làng Cảnh Dương còn có các giá trị văn hóa, lịch sử vô cùng độc đáo như Ngư Linh Miếu; Đình thờ Tổ - nơi thờ các vị tiền hiền khai khẩn vùng đất này và cũng là nơi trưng bày nhiều hiện vật văn hóa quý giá như quả chuông lớn mang tên “Cảnh viện hồng chung” (đúc vào đời vua Cảnh Thịnh 1801) cùng 2 tấm bia đá khắc tên các vị khoa bảng của làng.

Bên cạnh tiếng thơm là vùng quê nổi tiếng về ẩm thực, các giá trị văn hóa phi vật thể nổi bật như lễ hội cầu ngư, lễ hội rước lửa, lễ hội đua thuyền, làn điệu ru hò hẻ, chèo cạn… đã cho thấy Cảnh Dương là vùng đất có đầy tiềm năng để phát triển du lịch.

Lễ hội Cầu ngư là một trong những giá trị văn hóa phi vật thể nổi bật của làng biển Cảnh Dương. Ảnh: Lê Chung

Trò chuyện cùng chúng tôi, nhiều người dân Cảnh Dương cũng chia sẻ, mơ ước có thể vừa ra khơi đánh bắt, vừa phát triển du lịch ngay trên chính quê hương của mình là điều được người dân nơi đây mong mỏi từ lâu. Việc tỉnh Quảng Bình lựa chọn Cảnh Dương để phát triển thành Làng văn hóa, du lịch kiểu mẫu khiến cho giấc mơ đó của những người ngư dân dần gần hơn với hiện thực.

Thay đổi để hút khách

Khi được hỏi về việc sẽ phát triển du lịch ngay tại Cảnh Dương, hầu hết người dân ở Cảnh Dương đều bày tỏ sự vui mừng và rất hy vọng. Thực tế thì trong thời gian vừa qua để thu hút khách du lịch đến với địa phương, Sở Du lịch Quảng Bình, UBND huyện Quảng Trạch, UBND xã Cảnh Dương cùng người dân cũng đã nỗ lực rất nhiều.

Sự ủng hộ của du khách đối với con đường bích họa là động lực để người dân Cảnh Dương viết tiếp giấc mơ làm du lịch. Ảnh: Lê Chung

Trước hết phải kể đến việc hoàn thiện bước đầu dự án “Con đường bích họa” trong lòng Cảnh Dương. Để thu hút khách, kích cầu du lịch, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình đã mời một nhóm họa sĩ về vẽ tranh ở ngôi làng này. Những bức bích họa với chủ đề về quá trình hình thành, phát triển, những nét đẹp bình dị của người dân miền biển đã giúp cho làng Cảnh Dương trở nên cuốn hút, giàu sức sống hơn. Thành công bước đầu của dự án trên hết là sự ủng hộ tích cực của người dân và đặc biệt là của du khách.

Bà Võ Thị Qúy (46 tuổi, người dân làng Cảnh Dương) vui vẻ cho biết: “Từ khi có con đường bích họa ngôi làng trở nên đẹp hơn. Có nhiều khách du lịch tìm về đây để tham quan và trải nghiệm hơn. Người dân chúng tôi đang mong đợi từng ngày làng văn hóa, du lịch Cảnh Dương được hoàn thiện”.

Được biết để Cảnh Dương trở thành Làng văn hóa, du lịch đặc trưng, khu du lịch cộng đồng kiểu mẫu, hiện tại Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình phối hợp với xã Cảnh Dương và các đơn vị đang triển khai xây dựng nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch độc đáo. Có thể kể đến là việc triển khai xây dựng “Không gian trưng bày các bộ xương cá voi” để cho du khách có thể chiêm ngưỡng hai bộ xương cá voi lớn nhất và lâu đời nhất Việt Nam dưới hình dạng nguyên thủy ban đầu. Kêu gọi đầu tư triển khai các khu vực dịch vụ để du khách có thể trải nghiệm như Hải đăng, Nhà hàng Cá Voi, Công viên thuyền thúng,..

Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống và đặc sắc của địa phương như tục truyền lửa tổ chức tại đình thờ Tổ; Lễ hội Cầu Ngư vào rằm tháng Giêng với nhiều hoạt động như lễ rước, lễ cầu ngư, múa rối, hát ru, hò chèo cạn; các trò chơi cờ người, trải nghiệm hát ru; tour nghỉ đêm và trải nghiệm cuộc sống của ngư dân Cảnh Dương,.. cũng đang được nghiên cứu để đưa vào phục vụ du khách trong thời gian tới.

Hát chèo cạn là hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc đang được Cảnh Dương nghiên cứu để đưa vào phục vụ khách du lịch. Ảnh: Lê Chung

Hiện tại kết nối giao thông đến với Cảnh Dương cũng vô cùng thuận lợi, du khách đến đây còn có thể lựa chọn nhiều cung đường, chương trình tour tuyến để trải nghiệm Cảnh Dương cùng các điểm đến nổi tiếng lân cận như TP. Đồng Hới, Mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phong Nha – Kẻ Bàng…

Có thể thấy với những tiềm năng sẵn có, cộng với đó là sự nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương, nếu biết tận dụng và làm tốt thì việc làng biển Cảnh Dương sớm trở thành điểm đến hút khách du lịch của tỉnh Quảng Bình sẽ không còn trong bao lâu.

Tác giả: Lê Chung

Nguồn tin: Báo Tổ quốc

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP