Bà Cấn Thị Ngần (SN 1965, ở xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, Hà Nội) từng phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều khi đồng ý hiến tạng con trai.
Nghĩa cử cao đẹp ấy của bà đã được đền đáp bằng cái kết thật có hậu, bà mất đi một người con nhưng lại có thêm những người con, người thân khác là những người nhận tạng tìm gặp ân nhân của mình đền đáp ân tình.
Bà Ngần coi anh Tiến (người nhận tim của con trai bà) như con đẻ của mình. |
Cứu 1 người phúc đẳng hà sa
Ngồi nhớ lại cái ngày định mệnh ấy (27/7/2016), bà Ngần không cầm được nước mắt kể, con trai bà là anh Trịnh Đình Vàng (SN 1986) do bất cẩn ngã từ trên cao xuống đất. Nhận được tin báo, ruột gan bà Ngần nóng như lửa đốt, vội vàng đến viện ngay với con.
Đang trong lúc rối bời, bà Ngần lại nhận được tin như “sét đánh ngang tai” khi bác sỹ thông báo, não của con trai bà đã chết và không thể cứu chữa được nữa.
Bà Ngần vẫn nhớ, tháng trước, còn nghe con trai thông báo chuẩn bị đưa người yêu về ra mắt gia đình, nào ngờ, chưa được nhìn thấy con yên bề gia thất đã phải tiễn con về với cát bụi. Nghe thế, bà Ngần lặng người, nước mắt cứ thế tuôn rơi.
Nhìn đứa con rứt ruột đẻ ra, bao năm nuôi ăn học đủ đắng cay cơ cực, chưa ngày báo hiếu cha mẹ giờ đây nằm bất động, khiến bà cũng chỉ muốn nghĩ đến cái chết.
Sau hai tiếng đồng hồ khóc cạn nước mắt cạnh con, bà Ngần được bác sỹ mời vào một căn phòng để nói chuyện. Vị bác sỹ chia sẻ nỗi đau mất mát của gia đình và nói cho bà Ngần mục đích cao cả của việc hiến tạng vì rất nhiều người đang sống mòn mỏi vì bị suy gan, thận, hỏng giác mạc… cần được ghép tạng để cứu sống.
Thoạt nghe, bà Ngần nghĩ cơ thể con trai bà đang nguyên vẹn, trái tim người mẹ, phong tục từ trước tới nay không cho phép ai được mổ xẻ ra. Hơn nữa, thâm tâm người mẹ vẫn hi vọng, có một phép màu nào đó sẽ giúp con bà tỉnh lại.
Những đấu tranh tư tưởng giày vò trong lòng người mẹ đang ngổn ngang suy nghĩ. Nhưng sự thực là con trai đã mãi mãi không thể tỉnh lại được, trong khi đó, nén lại nỗi đau, bà Ngần nhận ra rằng, phía hành lang bệnh viện cũng có bao ông bố, bà mẹ, người thân của rất nhiều bệnh nhân đang từng ngày héo mòn mong mỏi có 1 ngày người thân của mình được cứu sống.
Không thể so sánh với mất mát bản thân mình đang gánh chịu nhưng dẫu sao, bà Ngần biết họ còn có hi vọng, vì chỉ cần chờ được tạng phù hợp thì phép màu sẽ đến.
Và nếu, bà Ngần hiến tạng con trai theo lời thỉnh cầu của bác sỹ thì sẽ cứu giúp được nhiều người, hơn hết, từng phần cơ thể của anh Vàng vẫn sẽ sống mãi với người được hiến. Nghĩ đến những điều tích cực, bà Ngần âm thầm ký vào giấy hiến đa tạng con trai.
Đoạn kết có hậu
Sau khi có được sự đồng ý của bà Ngần, tạng của anh Vàng đã được cấy ghép và cứu sống 4 người khác. Nghe tin đó, bà Ngần rất mừng, mong muốn họ sẽ sống khỏe mạnh với phần tạng được hiến.
Có nỗi đau nào hơn khi mất đi đứa con trai duy nhất, hàng ngày ra vào trong căn nhà cô quạnh chỉ khói hương nghi ngút mà lòng bà Ngần quặn đau.
Vậy nhưng, ít ai thấu hiểu được nỗi đau ấy, họ hàng, làng xóm họ hàng chỉ biết trách móc, chỉ trích bà Ngần đem bán nội tạng của con bán để lấy tiền, để con trai chết không toàn thây, khiến nỗi đau lại càng thêm đau vì không ai hiểu thấu tấm lòng của người mẹ nào muốn con ra đi như vậy đâu.
Họ không đủ bao dung như bà Ngần để mở lòng nghĩ đến việc làm cao cả của bà đã giúp những người khác có hi vọng tìm lại sự sống. Lòng tốt vị tha của bà Ngần cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng bằng những tấm chân tình thực sự. Một tháng sau ca ghép tạng thành công, đã có gia đình nhận hiến tạng tìm về gia đình bà Ngần để bày tỏ lòng cảm ơn.
Lúc này, nỗi oan ức, nỗi đau bà Ngần từng phải gánh chịu mới được thông cảm và vơi đi phần nào. Biết được hoàn cảnh của anh Nguyễn Xuân Hưng (SN 1990, ở huyện Hoài Đức, Hà Nội) bị bệnh giác mạc chóp bẩm sinh (một bệnh lý ảnh hưởng đến cấu trúc giác mạc – PV), nên khả năng mù lòa rất cao nếu không tìm được giác mạc thay thế phù hợp.
Vậy nhưng nhờ phần giác mạc của con trai bà Ngần mà giờ đây anh Hưng đã có thể nhìn thấy ánh sáng như người bình thường. Và hôm nay, tới gặp bà Ngần, anh Hưng muốn thể hiện tấm lòng biết ơn vô hạn với tấm lòng nghĩa tình cao cả của bà Ngần.
Hay trường hợp của anh Nguyễn An Tiến (SN 1980, quê Quảng Bình), công tác tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển vùng 2, đóng quân tại Quảng Trị là người nhận hiến tim của con trai bà Vàng.
Ngày đến thăm ân nhân kể lại hoàn cảnh của mình, anh Tiến cho biết, ban đầu thấy cơ thể mệt mỏi, khó thở, kèm ho kéo dài đi kiểm tra ban đầu nhưng bác sỹ tiên lượng chỉ là bệnh viêm phế quản thông thường.
Nhưng bệnh tình ngày càng nặng hơn, khám chữa ở tuyến cao hơn bác sỹ thông báo anh Tiến bị tổn thương tim khá nặng, chỉ có cách thay tim mới bảo toàn được tính mạng. Hoàn cảnh gia đình anh Tiến lúc đó rất khó khăn, vợ đang mang bầu, còn bố mẹ già đang phải phụng dưỡng.
Tuy vậy, không để mất hết hi vọng, anh Tiến vẫn âm thầm làm mọi cách để kiếm tìm được trái tim phù hợp nhằm thắp lên ngọn lửa hi vọng sống. Đang trong lúc tuyệt vọng nhất vì nguồn tạng rất khan hiếm thì tháng 7/2016, anh Tiến nhận được tin báo hiến tạng của bà Ngần.
Trong đêm đó, anh Tiến được ghép tim thành công. Hạnh phúc vỡ oà khi một lần nữa được thắp lên hi vọng sống, được cống hiến cho đời, chỉ có điều, hạnh phúc đó chưa thực sự trọn vẹn vì những thông tin về ân nhân vẫn là con số không được tiết lộ với anh Tiến.
Bởi, anh Tiến chỉ có mong muốn được gặp người thân của ân nhân để nói lời cảm tạ chân thành nhất từ cõi lòng. Đúng lúc này, những thông tin về bà Ngần hiến tạng con trai được đưa tin khiến anh Tiến vô cùng mừng rỡ.
Cuộc gọi đầu tiên đầy xúc động, anh nghẹn ngào: “Mẹ là người thứ hai cho cho con sự sống”. Bà Ngần khóc và đáp: “Con khỏe mạnh là mừng, đừng suy nghĩ điều gì”. Không biết từ lúc nào, kể từ đó, bà Ngần và anh Tiến trở nên thân thiết, thường xuyên gọi điện cho nhau.
Ngày hai người gặp nhau, bà Ngần cảm nhận được trái tim của con trai mình vẫn đập khoẻ mạnh trong cơ thể anh Tiến khiến bà vui không nói thành lời.
Và rồi, sự gắn kết tự nhiên đã khiến bà Ngần không ngần ngại nhận anh Tiến làm con để có thể lo lắng, quan tâm, chăm sóc và để cảm nhận được nhịp tim của đứa con trai quá cố.
Đã gần một năm kể từ ngày bà ký giấy đồng ý hiến tạng con, chia sẻ lại câu chuyện, bà Ngần cười bảo: “Mỗi khi nhớ con, tôi lại có niềm an ủi khi thấy nhiều mảnh đời được hồi sinh từ quyết định hiến tạng con trai mình.
Giữa tôi và các gia đình được nhận tạng đã có mối thân tình với nhau. Tôi chỉ mất đi thể xác của con, còn ánh sáng, sự sống của con tôi vẫn mãi còn trên đời này”
Tác giả: Thu Hương
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam