Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo Hwasong-12 ngày 15/9/2017 (Ảnh: Reuters) |
Khi tình báo Hàn Quốc hồi tháng trước tiết lộ thông tin Triều Tiên từng sửa chữa một bãi phóng tên lửa tầm xa, nhiều ý kiến cho rằng Bình Nhưỡng có thể đã bắt đầu công việc để sẵn sàng tiến hành dỡ bỏ bãi phóng này với hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh lần hai với Mỹ.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng cảnh báo khả năng Triều Tiên có thể tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động và tiến hành một vụ phóng tên lửa từ trạm phóng vệ tinh Sohae, hay còn gọi là bãi thử Dongchang-ri, sau khi cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Việt Nam kết thúc mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào khiến ông Kim tức giận.
Hiện tại, khả năng diễn ra một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên dường như không cao do Bình Nhưỡng không có thêm bất kỳ động thái nào sau khi hoàn tất việc sửa chữa tại bãi phóng tên lửa. Tuy nhiên, vẫn còn đó mối lo ngại rằng bãi phóng này luôn sẵn sàng cho một vụ phóng vào bất kỳ thời điểm nào khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un đưa ra quyết định.
Theo nhận định của các chuyên gia, một vụ phóng tên lửa, hành động bị coi là khiêu khích của Triều Tiên, hoàn toàn có khả năng xảy ra nếu Bình Nhưỡng muốn gia tăng tiếng nói trong các cuộc đàm phán hạt nhân vốn đang bị đình trệ. Đây cũng có thể là cách để Triều Tiên gây sức ép với Mỹ nhằm đạt được một thỏa thuận “được ăn cả, ngã về không” sau hội nghị thượng đỉnh lần hai.
Truyền thông Hàn Quốc ngày 2/4 đưa tin kịch bản phóng tên lửa khiêu khích của Triều Tiên ngày càng nhiều khả năng xảy ra.
"Triều Tiên trên thực tế đã hoàn tất công tác sửa chữa tại bãi thử tên lửa tầm xa Dongchang-ri. Bãi thử này dường như đã sẵn sàng cho một vụ phóng ngay khi nhà lãnh đạo Triều Tiên đưa ra quyết định", báo JoongAng Ilbo dẫn lời một quan chức Hàn Quốc giấu tên cho biết.
Trước đó, JoongAng Ilbo cũng đưa tin Mỹ triển khai một máy bay trinh sát chuyên theo dõi các tên lựa đạn đạo tới vùng Okinawa, Nhật Bản. Động thái này tiếp tục là một dấu hiệu nữa cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị phóng tên lửa.
Tại Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo cho biết hiện vẫn chưa rõ liệu các động thái của Triều Tiên tại bãi phóng tên lửa có phải nhắm tới mục tiêu gia tăng sức mạnh của Bình Nhưỡng trên bàn đàm phán không, hay chỉ là một vụ phóng thử vũ khí đơn thuần.
“Tôi nghĩ đây là một phần mà chúng ta cần đưa ra quyết định sau khi kiểm tra các thông tin bổ sung”, ông Jeong nói với các phóng viên Hàn Quốc tại Washington sau khi hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan.
Bãi thử Dongchang-ri hay trạm phóng vệ tinh Sohae là cơ sở chính trong chương trình phát triển tên lửa tầm xa của Triều Tiên. Tháng 2/2016, Triều Tiên đã phóng một tên lửa tầm xa từ bãi thử này và tuyên bố đưa thành công một vệ tinh lên quỹ đạo.
Triều Tiên khẳng định nước này có quyền phóng tên lửa để đưa vệ tinh lên quỹ đạo và đây là một phần trong chương trình không gian vũ trụ hòa bình của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Mỹ và Hàn Quốc vẫn xem động thái này của Bình Nhưỡng như một vụ thử công nghệ tên lửa đạn đạo “ngụy trang”.
Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đều cấm các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
Nước cờ của Triều Tiên
Một vụ phóng tên lửa từ bãi phóng Sohae năm 2012. (Ảnh: KCNA) |
Một số chuyên gia lo ngại rằng Triều Tiên có thể lựa chọn phương án phóng tên lửa, vì động thái cứng rắn này có thể làm thay đổi ván cờ đàm phán bằng cách buộc Mỹ phải đưa ra một lựa chọn mang tính quyết định, đặc biệt khi Washington vẫn khăng khăng giữ lập trường trừng phạt Bình Nhưỡng.
“Ông ấy (Kim Jong-un) có thể sử dụng lại chiến thuật trước đây sau khi Tổng thống Trump khiến ông “nóng mặt” tại Hà Nội. Ông Kim Jong-un có thể tiếp cận với chính quyền Trump như cách ông từng làm sau vụ phóng thử hồi tháng 4/2012. Khi đó, ông Kim Jong-un từng nói: “Hãy cùng đi đến một thỏa thuận”, nhưng chính quyền Barack Obama đã khước từ ông ấy và tiếp tục áp lệnh trừng phạt mới. Liệu Tổng thống Trump có chấp nhận đề xuất (của ông Kim Jong-un) hay không vẫn còn là câu hỏi để ngỏ”, Joel Wit, chuyên gia hàng đầu về Triều Tiên và là nhà sáng lập trang mạng 38 North chuyên phân tích về Triều Tiên, nhận định.
Bình luận trên của chuyên gia Joel Wit đã đề cập tới một thỏa thuận đạt được vào tháng 2/2012 có tên gọi Thỏa thuận Ngày Nhuận, trong đó kêu gọi Triều Tiên dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa để đổi lấy viện trợ lương thực. Tuy nhiên, thỏa thuận này rốt cuộc đã đổ vỡ sau khi Triều Tiên phóng tên lửa vài tuần sau đó vào ngày 15/4 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố lãnh tụ Kim Nhật Thành.
Trong quá khứ, Triều Tiên thường phóng tên lửa vào thời điểm diễn ra những sự kiện chính trị quan trọng. Vào tháng 4 này, nhiều sự kiện chính trị lớn sẽ diễn ra tại Triều Tiên, bao gồm kỷ niệm này sinh của cố lãnh tụ Kim Nhật Thành, phiên họp đầu tiên của Hội đồng Nhân dân Tối cao (Quốc hội) Triều Tiên vào ngày 11/4 sau cuộc bầu cử hồi tháng trước.
Triều Tiên đã kiềm chế không tiến hành bất kỳ vụ thử hạt nhân và tên lửa nào từ cuối năm 2017. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai.
Ngày 11/3, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui cảnh báo Bình Nhưỡng có thể dừng các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ và để ngỏ khả năng nối lại các vụ thử hạt nhân và tên lửa trước đây.
Mỹ dường như đã chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng Triều Tiên nối lại các vụ phóng tên lửa. Đây được xem là chiến thuật điển hình của Bình Nhưỡng trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa.
“Trong khi Tổng thống Trump và các nhà ngoại giao của chúng tôi đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên, kho vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên tiếp tục gây ra mối đe dọa cho nước Mỹ cũng như các đồng minh của chúng tôi”, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan viết trong báo cáo gửi tới Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hôm 14/3.
Tướng Joseph Dunford, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cũng cho rằng Washington cần “sẵn sàng cho mọi tình huống”, mặc dù vẫn đặt hy vọng vào khả năng phi hạt nhân hóa hòa bình bán đảo Triều Tiên.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: Báo Dân trí