Kinh tế

Nghệ An: Tồn tại nhiều cây xăng không đủ điều kiện hoạt động

Dù không đủ tiêu chí về khoảng cách, diện tích, chưa có giấy phép xây dựng, điều kiện về PCCC… nhưng những cửa hàng xăng dầu vẫn được hoạt động vì “lịch sử để lại”. Đó là một thực tế đang diễn ra về việc quản lý xăng dầu tại Nghệ An trong thời gian qua.

4 HCRG jpg
Nghệ An: Tồn tại nhiều cây xăng không đủ điều kiện hoạt động

Dù đã có nhiều cây xăng mọc gần đó nhưng một cây xăng khác đang được xây dựng chuẩn bị hoàn thành ngay đầu cầu Cấm.

Nhiều cây xăng không đạt chuẩn khoảng cách

Theo Quyết định 1665/QĐ-BCT ngày 5/4/2012 của Bộ Công Thương, phê duyệt quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu dọc tuyến QL1A đến năm 2020, có xét đến năm 2025 trên địa bàn Nghệ An, có tất cả 11 cửa hàng xăng dầu nằm trong quy hoạch được phê duyệt. Thế nhưng con số cửa hàng xăng dầu mọc trên Quốc lộ 1A qua địa bàn đã lớn hơn rất nhiều số lượng được quy hoạch đó. Theo Quyết định số 3744 ngày 04/8/2016 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu đến năm 2020, có tính đến năm 2025 cũng nêu: đối với khu vực nội đô, nội thị, khoảng cách giữa các điểm đặt cây xăng liền kề cùng phía dọc theo mỗi bên Quốc lộ không gần hơn 1.000m và không có dải phân cách đối thì khoảng cách này là 2.000m. Đối với cây xăng đặt ngoài đô thị, khoảng cách không dưới 6.000m đối với đoạn đường không có giải phân cách và không dưới 12.000m với đoạn đường có giải phân cách.

Nhưng thực tế trên Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn Nghệ An khoảng cách giữa các cây xăng bán lẻ không đạt chuẩn theo quy định. Đoạn Quốc lộ 1A qua xã Diễn An thì dù đã có một số cây xăng trước đó đi vào hoạt động nhưng mới đây một cây xăng khác vẫn được xây dựng dù khoảng cách chưa đầy 1000m. Ngoài ra, theo quan sát thì một số doanh nghiệp vận tải ô tô, các trạm trộn bê tông cũng tự ý lắp đặt các cột bơm xăng, dầu trong khuôn viên của doanh nghiệp để phục vụ nội bộ. Như tại Trạm trộn bê tông của Công ty CP Đầu tư và xây dựng Vinh Thành (tại xã Nghi Liên, TP Vinh) một cột bơm được lắp đặt bên trong để phục vụ nhu cầu. Phóng viên đã liên lạc với lãnh đạo công ty để nắm các thủ tục hoạt động nhưng không được trả lời.

Ngoài quy hoạch vẫn được hoạt động do “lịch sử để lại”

Theo báo cáo của Sở Công Thương Nghệ An, trên địa bàn tỉnh có 675 cửa hàng kinh doanh xăng dầu (kể cả tàu thuyền và các ki ốt bán lẻ xăng dầu Diezel trên sông, trên biển và ven sông, ven lạch biển). Trong đó, có 123 cửa hàng, tàu bán lẻ xăng dầu chưa được cấp giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện kinh doanh hoạt động khi chưa đảm bảo các thủ tục về giấy phép xây dựng, thẩm duyệt an toàn PCCC, kiểm định phương tiện đo lường về môi trường và tập huấn nghiệp vụ. Cụ thể có 38 cửa hàng không có chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu ven sông, ven biển; 15 tàu thuyền không được cấp giấy chứng nhận

đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu; 28 cửa hàng xăng dầu tự ý xây dựng và 42 cửa hàng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh nhưng đã được giải quyết chủ trương đầu tư. Ngoài ra, vẫn còn 102 cửa hàng thiếu giấy phép xây dựng, có 190 cửa hàng bán lẻ xăng dầu kinh doanh chung với nhà ở trên đất ở và đất vườn…

Tại Kết luận số 658 ngày 7/11/2016 nêu rõ: Những vướng mắc trong kinh doanh xăng dầu đã tồn tại nhiều năm qua chưa được giải quyết kịp thời, nguyên nhân là do công tác quản lý của các ngành, địa phương chưa tốt, chưa kịp thời. Chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã còn thiếu kiên quyết trong xử lý các trường hợp vi phạm về xây dựng, vi phạm quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt. Theo bà Hồ Thị Hà, Phó phòng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Nghệ An thì những tồn tại vướng mắc về xăng dầu hiện nay là do lịch sử để lại. Nghệ An là địa phương có hoạt động kinh doanh xăng dầu từ trước năm 2005, trước thời điểm có quy hoạch.

Bà Hồ Thị Hà cho biết, “Những cửa hàng xăng dầu ngoài quy hoạch phải nắm qua các huyện, phòng nhân sự ít nên không thể nắm được hết. Một số cửa hàng nằm ngoài quy hoạch nhưng đã hoạt động từ trước, nên không nằm trong quy hoạch cũng phải tạo điều kiện cho hoạt động vì vốn người dân bỏ ra nhiều. Đặc thù của các cây xăng trên Quốc lộ 1A là bán nợ, nên phải tạo điều kiện để người dân thu hồi vốn”. Theo bà Hà giải thích thì việc các cây xăng mọc san sát nhau trên địa bàn xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc là do đặc thù khu kinh tế Đông Nam, không giới hạn về khoảng cách đã được Ban quản lý khu kinh tế đồng ý. Còn đối với việc các doanh nghiệp vận tải, trạm trộn bê tông đặt các trạm bơm, bồn chứa thì bà Hà cho rằng các đơn vị này phục vụ nội bộ, không kinh doanh nên không thuộc phạm trù quản lý. Những trường hợp này chỉ cần thẩm định về PCCC, riêng về quy chuẩn môi trường thì địa phương có trách nhiệm quản lý.

Ông Cao Viết Đông, Trưởng phòng Kinh doanh, Cty Xăng dầu Nghệ An thừa nhận Công ty có cung cấp sản phẩm cho một số đơn vị kinh doanh vận tải và trạm trộn bê tông trên địa bàn theo hình thức xuất hàng tại kho. Doanh nghiệp có nhu cầu thì công ty cung cấp sản phẩm, xem họ như đối tác, khách hàng chứ không quan tâm đến việc các cơ sở này có đủ điều kiện hay không. Với những lý do là “do lịch sử để lại” nên dù không đủ điều kiện hoạt động, không đạt chuẩn về khoảng cách, chưa được cấp giấy phép xây dựng… nhưng hàng loạt cây xăng vẫn được “tạo điều kiện” hoạt động công khai.

Tác giả bài viết: Ngô Toàn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP