Giáo dục

Nghệ An: “Mẹ Thủy” ở miền sơn cước

Đó là cái tên mà cả phụ huynh, học sinh ở miền sơn cước xã Tam Thái, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An thường gọi cô giáo Thủy một cách trìu mến. Ở mảnh đất khó khăn này với hơn 15 năm gắn bó với nghề gõ đầu trẻ, cô Thủy luôn tận tình với nghề, chăm sóc các em học sinh trìu mến như tình cảm của người mẹ hiền…

Hơn 15 năm tận tụy, gắn bó với học trò dân tộc thiểu số của mình, cô giáo người dân tộc Thái - Ngân Thị Ngọc Thủy, giáo viên trường Trường THCS Tam Thái huyện Tương Dương (Nghệ An) luôn nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm của người giáo viên trong sự nghiệp “trồng người”. Cô Thủy không ngừng rèn luyện, “học đi đôi với hành”, gắn việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với cuộc sống và công tác giảng dạy.

Cô giáo Thủy trong một giờ lên lớp

Một ngày đầu đông, chúng tôi về thăm ngôi trường có bề dày truyền thống dạy và học ở miền non cao. Con đường đất vòng vèo dẫn đến Trường THCS xã Tam Thái - nơi cô giáo Ngân Thị Ngọc Thủy được mọi người ví như “người mẹ hiền thứ hai” với học trò dân tộc thiểu số nơi đây.

Một giờ học "bàn tròn" mang lại hiệu quả cao, tiếp thu được nhiều kiến thức mà cô Thủy truyền dạy cho các em.

Ngay từ hội thoại xã giao đầu tiên đã có câu trả lời cho câu hỏi vì sao bạn bè, đồng nghiệp và học sinh, phụ huynh nơi đây lại dành cho cô cái tên “mẹ Thủy”. Với nụ cười, ánh mắt và lối bắt chuyện gần gũi, dễ cảm thụ toát lên bí quyết của sự thành công suốt hơn 15 năm trong nghề cao quý ấy. Khi chúng tôi tò mò muốn biết suốt những năm tháng ấy, giáo viên người dân tộc, dạy môn ngữ Văn nơi miền non cao xa xôi này như thế nào, cô Thủy khiêm tốn:

“Bản thân tôi cũng là một giáo viên địa phương, bước đầu chủ yếu là gần gũi với học sinh. Với đặc thù là trường miền núi, 98% là học sinh người Thái, chủ yếu là học sinh nghèo cho nên việc tiếp xúc kiến thức của các em còn hạn chế, chủ yếu là giáo viên hướng dẫn và kèm cặp. Tôi đã cùng đồng nghiệp kèm cặp, giúp học sinh vươn lên trong học tập, sau nữa là hướng dẫn các em học ở nhà, học trên lớp, làm sao cho các em tiếp cận bài học từ dễ đến khó và phương pháp hiện đại…”.



Thành tích của cô và trò.

Ngày tạm biệt bản nhỏ - nơi nuôi lớn ước mơ của cô học trò người dân tộc Thái, Ngân Thị Ngọc Thủy bước vào cuộc sống sinh viên, khoa ngữ Văn - Trường CĐSP Nghệ An.

Ba năm đèn sách với Ngọc Thủy là cả một chuỗi ngày khó khăn. Bởi cuộc sống xa gia đình, môi trường và cả bao ánh mắt xì xèo của các bạn miền xuôi “Tiếng phổ thông chưa thông, học ngữ Văn sao hiểu”, nhiều lúc Thủy tủi, muốn bỏ cuộc.

Nhưng nghĩ đến ước mơ, muốn được biết nhiều về ngôn ngữ Tiếng Việt mình và lớn hơn cả là mang được thật nhiều cái chữ về với các em nhỏ bản mình.

Chứng minh cho những bạn có ý nghĩ không tốt về dân tộc thiểu số, cô sinh viên người dân tộc Thái ấy đã nỗ lực hết mình, vươn lên trở thành sinh viên “xuất sắc” trong suốt 3 năm học.

Cô và trò cùng nhau học tập để gắn kết yêu thương.

Cầm trên tay tấm bằng loại khá, năm 1997 Thủy về nhận công tác tại Trường THCS Lượng Minh. 3 năm sau, năm 2000 Thủy được chuyển về Trường THCS Tam Thái - nơi đây gần 100% học sinh dân tộc thiểu số trong diện khó khăn. Ngày đó ở vùng đất miền Tây xứ Nghệ gian khó này, sự nghiệp giáo dục cũng chưa phát triển, với các em được đi học đã là niềm vui lớn nhất rồi, nói gì đến mua sách vở dụng cụ học tập, mà đặc thù của môn học ngữ Văn của Thủy lại yêu cầu phải có sách in.

Lúc này Thủy đã phải xuống tận thành phố Vinh để phô tô sách, rồi về uốn từng âm điệu, bày từng câu chữ cho các em. Từ con số học sinh yếu kém môn ngữ Văn, nay trường liên tục có học sinh đạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, huyện. Nhiều em học sinh đã vươn lên học tốt, đặc biệt trong các tiết học của “mẹ Thủy” các em phát biểu rất rôm rả.

Em Lang Thị Huệ một trong những em học sinh tiêu biểu môn ngữ Văn của trường, tự hào về cô giáo của mình: “Trước đây em cũng không thích học Văn, vì vốn từ của em cũng không được nhiều lắm. Nhưng được cô Thủy tận tình bày dạy nên bây giờ em và các bạn ai cũng thích. Em thấy cô Thủy là người rất tận tình và gương mẫu”.

Có thể nói kiến thức, sự nhiệt huyết, hết mình trong giảng dạy chính là tiền đề quan trọng để cô Thủy chiếm được tình cảm của bạn bè đồng nghiệp, của học sinh và phụ huynh nơi đây. Ngoài ra, cô còn tham gia tích cực và đạt kết quả cao trong các Hội thi dành cho giáo viên như: Thi tự làm đồ dùng dạy học, thi thiết kế bài giảng điện tử, thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, thi giáo viên dạy giỏi, viết sáng kiến kinh nghiệm. 2 năm học vừa qua cô liên tục đạt chiến sỹ thi đua…

Với phụ huynh học sinh, cô giáo trẻ luôn giữ thái độ chuẩn mực, hợp tác hiệu quả trong việc giáo dục con em họ. Với đồng nghiệp và mọi người dân sống quanh mình, cô luôn hòa nhã, quan tâm, chia sẻ và học hỏi. Bởi vậy, cô Thủy luôn nhận được sự tin tưởng của phụ huynh và học sinh, sự tôn trọng, tình cảm ấm áp, chân thành của cấp trên và bạn bè đồng nghiệp.

Cô Thủy cùng các em học sinh của mình chụp hình lưu niệm.

Thầy Hồ Duy Thịnh - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương tự hào về giáo viên của mình: “Cô Ngân Thị Ngọc Thủy là một giáo viên luôn luôn nâng cao đạo đức nghề nghiệp, trong suốt quá trình giảng dạy luôn nâng cao chất lượng giảng dạy trong từng tiết học. Trong thời gian qua cô liên tục được Sở GD&ĐT Nghệ An công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Gương sáng của cô Thủy chúng tôi đã nhân rộng trong toàn ngành và tạo cho cô giao lưu tiếp xúc nhiều để trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, có những hướng dẫn tích cực cho đồng nghiệp…”.

Sự nhiệt huyết với nghề giáo, tận tâm với học sinh, tích cực trau dồi kiến thức, đổi mới phương pháp giảng dạy, tấm lòng “tất cả vì học sinh thân yêu” của cô giáo Ngân Thị Ngọc Thủy xứng đáng là tấm gương sáng trong sự nghiệp “trồng người” cao cả mà Bác Hồ đã dạy “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây - Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.

Tác giả bài viết: May Huyền - Nguyễn Duy

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP